Sau khi Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức)
đạt thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Tehran, các nhà ngoại
giao Nga cho biết Cơ quan năng lượng nguyên tử Rasatom của nước này sẵn
sàng cung cấp cho Iran nhiên liệu phản ứng hạt nhân mới và xử lý các
thanh nhiên liệu đã qua sử dụng. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Hãng tin Interfax của Nga ngày 3/4 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Sergei
Ryabkov khẳng định: "Liên bang Nga và Rasatom sẵn
sàng cung cấp nhiên liệu mới và xử lý nhiên liệu bức xạ tại các lò phản
ứng hiện có, cũng như sắp xây dựng của Iran".
Tuy nhiên, ông Ryabkov cho
biết đề nghị trên chỉ áp dụng đối với các lò phản ứng hạt nhân đã xây
dựng tại Iran theo dự án có sự tham gia của Nga. Đối với những lò phản
ứng hạt nhân khác, Nga chưa sẵn sàng cung cấp nhiên liệu.
Tháng 11
năm ngoái, Nga đã ký thỏa thuận xây dựng 2 lò phản ứng mới tại Bushehr, nhà máy hạt nhân do Nga hợp tác xây dựng chính thức chuyển giao
cho Iran từ năm 2013. Ngoài ra, hai nước này cũng ký nghị định thư xây
dựng thêm 4 lò phản ứng tại một khu vực khác ở Iran.
Bên trong lò phản ứng hạt nhân ở nhà máy điện hạt nhân Bushehr. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo ông Ryabkov, mặc dù thỏa thuận hạt nhân Iran vừa đạt được với Nhóm
P5+1 còn tồn tại một số vấn đề, song ông hoan nghênh việc các bên tìm ra
giải pháp tối ưu trong hầu hết các lĩnh vực nhằm hạn chế chương trình
hạt nhân của nhà nước cộng hòa Hồi giáo này. Ông bày tỏ hy vọng từ nay
đến tháng 7, các bên sẽ đạt được một thỏa thuận toàn diện. Đổi lại nhóm
P5+1 cũng từng bước được bãi bỏ các biện pháp cấm vận kinh tế đối với
Iran.
Theo các nhà phân tích, thỏa thuận khung về chương trình hạt
nhân của Iran vừa đạt được là bước đột phán lớn phá vỡ thế bế tắc kéo
dài suốt 12 năm qua giữa Iran và phương Tây. Theo văn bản vừa ký kết,
Tehran sẽ phải cắt giảm 98% lượng urani làm giàu và không sản xuất
plutoni trong vòng 15 năm. Số lượng máy ly tâm của Iran cũng được giảm
2/3, từ 19.000 máy hiện nay xuống còn 6.000.
Ngoài ra, trong vòng 15 năm
tới, Iran đồng ý không xây mới bất kỳ cơ sở làm giàu urani nào, không
làm giàu urani quá 3,67% và giảm kho nhiên liệu làm giàu của mình từ 10
tấn xuống còn 300 kg. Lượng nguyên liệu hạt nhân dư thừa sẽ phải chuyển
ra ngoài đất nước, không loại trừ đến Nga.
TTXVN/Tin tức