Sau 12 giờ đàm phán căng thẳng, sáng 25/3 (theo giờ Hà Nội), Cộng hòa Cyprus (Síp) đã đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ vào phút chót với “bộ ba” chủ nợ là Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Một phụ nữ mang trống tham gia phản đối trước cửa chi nhánh Ngân hàng Laiki ở Nicosia hôm 25/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các chủ nợ đòi hỏi để có được 10 tỷ euro Cyprus phải tự huy động 5,8 tỷ euro đối ứng. Để có được khoản tiền này, Cyprus đã chấp nhận đóng cửa ngay lập tức ngân hàng lớn thứ hai của nước này là Ngân hàng Nhân dân (còn gọi là Ngân hàng Laiki), thực hiện các biện pháp cắt giảm ngân sách, tăng thuế và thúc đẩy tư hữu hóa các tài sản nhà nước.
Đáng nói là gần như toàn bộ số tiền gửi tại Laiki là từ các doanh nghiệp và công dân Nga, ước tính khoảng 23 tỷ euro. Nga hiện chưa có phản ứng “tiêu cực” nào về thỏa thuận này. Thủ tướng Dmitry Medvedev cùng ngày tuyên bố Moscow sẽ nghiên cứu thỏa thuận cứu trợ nói trên về dài hạn sẽ ra sao và hậu quả đối với hệ thống tiền tệ và tài chính quốc tế. Trong khi đó, Tổng thống Putin yêu cầu chính phủ nghiên cứu “tái cấu trúc khoản vay 2,5 tỉ euro” dành cho Cyprus từ năm 2011. Chưa rõ việc “tái cấu trúc” cụ thể là gì, nhưng đây là một tin tốt với giới chức châu Âu, vốn trước đó đã kêu gọi Nicosia tiếp tục đàm phán với Cyprus về khoản vay nói trên sau khi Cyprus phải trì hoãn thanh toán trong tuần trước.
Các khoản tiền gửi dưới 100.000 euro tại Laiki sẽ được chuyển sang Ngân hàng Síp (BoC) - ngân hàng lớn nhất và hiện nắm giữ 1/3 lượng tiền gửi cả nước. Các khoản tiền gửi trên 100.000 euro (theo luật của EU không được bảo vệ) sẽ bị phong tỏa và được sử dụng để giải quyết nợ của Laiki cũng như tái cơ cấu lại BoC thông qua cơ chế chuyển đổi tiền gửi/cổ phần. Với việc “xóa sổ” Laiki, Cyprus sẽ huy động được 4,2 tỷ euro. Các nhà phân tích ước tính nhà đầu tư tại Laiki sẽ mất 40% số tiền gửi của mình.
Khu vực ngân hàng của Cyprus hiện nắm giữ lượng tài sản gấp 8 lần quy mô nền kinh tế của quốc đảo này, đã bị "tê liệt" do những tổn thất tại Hy Lạp, nơi giá trị trái phiếu của các chủ nợ tư nhân bị bốc hơi 75% năm 2012. Các ngân hàng sắp sụp đổ đang giữ một lượng tiền gửi trị giá 68 tỷ euro, trong đó 38 tỷ euro thuộc các tài khoản trên 100.000 euro.
Thỏa thuận cứu trợ nói trên được coi là sống còn đối với sự tồn vong của Cyprus sau khi bị Nga “cự tuyệt”. Nếu Cyprus không thông qua được thỏa thuận này, ECB sẽ ngừng bơm tiền cho các "quỹ hỗ trợ thanh toán khẩn cấp" và sẽ khiến các ngân hàng Cyprus vỡ nợ, kéo theo sự sụp đổ của nền kinh tế.
Thị trường chứng khoán và tiền tệ châu Á đã có phản ứng tích cực sau khi Cyprus “thoát hiểm” vào phút chót. Đồng euro và USD đều tăng giá tại thị trường châu Á. Trong khi đó, chứng khoán châu Á cũng đã đồng loạt tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 25/3.
Lê Dương