Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra ngày 9/1 đã đến trụ sở quốc hội, bắt đầu đối mặt với một tiến trình pháp lý nhằm luận tội bà, trong đó sẽ xuất hiện những cáo buộc về trách nhiệm của bà trong chương trình trợ giá gạo cho nông dân gây nhiều tranh cãi.
Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra tại cuộc họp báo ở Bangkok ngày 18/7/2014. Ảnh: AFP-TTXVN. |
Bà Yingluck từng bị đình chỉ công việc trước khi cuộc đảo chính quân sự tại Thái Lan diễn ra hồi tháng 5/2014 sau khi Ủy ban chống tham nhũng và Tòa án Hiến pháp lần lượt có những cáo buộc về việc bà không hoàn thành trách nhiệm của một Thủ tướng. Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã đưa ra phán quyết buộc bà Yingluk từ chức do lạm dụng chức quyền trong việc điều chuyển nhân sự. Trong khi đó, Ủy ban chống tham nhũng Thái Lan cho rằng bà Yingluck đã lờ đi nhiệm vụ điều hành chương trình trợ giá gạo khiến nước này thiệt hại tới hơn 500 tỷ baht. Cáo buộc này có thể sẽ khiến bà Yingluck bị cấm hoạt động chính trị tới 5 năm.
Thái Lan đánh mất vị trí nước xuất khẩu gạo số một thế giới khi chính phủ của bà Yingluck thực hiện chính sách trợ giá gạo cao hơn hẳn 40% so với giá thị trường. Quốc gia này bắt đầu thực hiện việc trợ giá gạo cho người nông dân trong khoảng thời gian 10 năm, từ 2004 tới 2014, và chịu lỗ một khoản tiền không nhỏ là 682 tỷ baht. Chính phủ của bà Yingluck chỉ thực hiện việc trợ giá gạo trong 2 năm (2012-2014), nhưng đã phải chịu lỗ với con số kỷ lục là 510 tỷ baht. Chính phủ tạm quyền vẫn đang cố gắng giải quyết số gạo còn tồn kho ước tính lên tới hơn 19 triệu tấn.
Dự kiến, phán quyết về số phận của bà Yingluck sẽ được đưa ra vào cuối tháng này. Dư luận Thái Lan cho rằng phán quyết này có thể sẽ dẫn tới những bất ổn mới sau một thời gian tạm yên ổn nhờ thiết quân luật của chính phủ quân sự hiện nay. Tuy nhiên, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã lên tiếng bác bỏ khả năng này.
TN (theo AFP)