Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết, thời gian qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách cho vùng đồng bào DTTS&MN. Tuy nhiên, hiện nay, vùng đồng bào DTTS&MN vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất… Từ thực tế đó, để phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS&MN, nhằm khắc phục hạn chế nêu trên thì mục tiêu của Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN là cần thiết.
Đại biểu Cao Thị Giang cho biết, chủ trương, mục tiêu, quan điểm chúng ta thống nhất là không để ai bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, cần chú trọng đến kích thích nội lực của người dân vùng đồng bào DTTS, tránh việc làm hộ, làm thay. Để đạt được mục đích, hiệu quả trên, nhân tố quan trọng thiết yếu là chủ trương, chính sách trong các Nghị quyết cần đề cập chú trọng quan tâm vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Ngoài ra, trong Nghị quyết cũng cần quan tâm đến việc đầu tư nguồn vốn thông qua Ngân hàng chính sách xã hội để mở rộng cho bà con vay vốn phát triển sản xuất. Các cấp quản lý ban hành các chủ trương, chính sách, bồi dưỡng tập huấn cho người dân để họ có đủ kinh nghiệm, kỹ năng thực hiện các dự án phát triển kinh tế. Chú trọng đến việc phổ cập công nghệ thông tin cho người dân đồng bào DTTS để họ nhanh chóng cập nhật kiến thức, áp dụng vào cuộc sống, việc làm, để họ tiếp cận bán hàng ở thị trường trong nước và quốc tế.
Theo đại biểu Cao Thị Giang, chính những yếu tố trên là cơ hội để đồng bào DTTS phát huy tiềm, năng lợi thế, vươn lên tự chủ trong phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với giải pháp trên cần tập trung phân loại đối tượng hộ nghèo, nhưng không có khả năng lao động được thụ hưởng chính sách giúp đỡ, tài trợ. Đối với những đối tượng có sức lao động, sản xuất thì tạo cơ chế để họ vươn lên xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, khắc phục tình trạng tài trợ trước mắt, nhưng thiếu bền vững, không những không có hiệu quả, mà còn có thể có những biểu hiện ỷ lại, nảy sinh tư tưởng chông chờ, thiếu đổi mới tư duy, sáng tạo của một bộ phận người dân trong đồng bào DTTS.
Cùng với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cần có những giải pháp bảo tồn phát triển văn hóa dân tộc bền vững. Khi văn hóa dân tộc được bảo tồn sẽ tạo động lực thúc đẩy dòng chảy văn hóa phát triển nhanh chóng, tạo ra những giá trị văn hóa mới tốt đẹp trong cộng đồng người DTTS và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.
Đại biểu Cao Thị Giang cho rằng, để thay đổi nhận thức, phong cách lối sống đó, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu soạn thảo các chương trình học cho người DTTS và đưa các môn học tiếng dân tộc là một trong những môn học bắt buộc của học sinh DTTS.
“Điều này xuất phát từ thực tế những em học sinh DTTS có khả năng thường được đi học theo chế độ cử tuyển, các em thoát khỏi môi trường của dân tộc mình, do đó có nguy cơ mai một về tiếng nói, chữ viết. Nếu cứ tiếp tục như vậy, các em sẽ không thể phát huy được các giá trị văn hóa bản sắc của dân tộc mình để làm giàu cho chính quê hương, các giá trị tốt đẹp của dân tộc mình dần mất đi”, đại biểu Cao Thị Giang nói.
Đại biểu Cao Thị Giang kiến nghị, trong Nghị quyết cũng cần quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em gái vùng đồng bào DTTS&MN. Đây là vấn đề khá nan giải trong nhiều năm qua. Thực tế cho thấy tỷ lệ lao động nữ của 53 DTTS không biết đọc, biết viết tiếng phổ thông là 56,82%, cao gấp đôi so với lao động nam của DTTS và cao hơn gấp 5 lần so với lao động nữ là người Kinh. Bên cạnh đó, quá trình chuyển dịch cơ cấu việc làm lao động nữ DTTS chậm và gặp nhiều khó khăn, đó là rào cản từ phong tục tập quán, trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật hạn chế.
Chính vì thế, một trong những giải pháp bình đẳng giới trong phụ nữ và trẻ em gái người DTTS là cần tiếp tục đầu tư chính sách, hỗ trợ cô đỡ thôn bản, chính sách cho phụ nữ DTTS được khám thai theo định kỳ và sinh đẻ tại các cơ sở y tế. Chính sách phát triển chi hội phụ nữ thôn bản vùng DTTS, chính sách cử tuyển và tuyển dụng phụ nữ vùng DTTS vào làm việc tại các cơ quan chính quyền địa phương sau khi tốt nghiệp.