Xây dựng Nghị định về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt

Chính phủ đã thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định trình Chính phủ trước ngày 17/10/2019 để kịp thời phục vụ cho đánh giá đa phương của Tổ chức châu Á - Thái Bình Dương về rửa tiền đối với Việt Nam từ ngày 4 - 15/11/2019.

Được biết, Bộ Quốc phòng đã xây dựng và đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Dự thảo nêu rõ, việc phòng, chống phổ biến vũ khí hàng loạt phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích của Nhà nước; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và sự hoạt động bình thường của nền kinh tế, chính trị, xã hội.

Chính sách phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được quy định như sau: Nhà nước tạo điều kiện phát triển các sáng kiến nhằm ngăn chặn việc nghiên cứu, phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt; nghiêm trị mọi hành vi phổ biến, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Nhà nước có chính sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ phục vụ cho hoạt động phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có chính sách, biện pháp bảo vệ tổ chức, cá nhân trong quá trình tham gia phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong trường hợp bị thương tích, tổn hại về sức khỏe hoặc thiệt hại về tính mạng thì bản thân hoặc thân nhân sẽ được hưởng chế độ, chính sách theo quy định. Nhà nước sẽ khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Dự thảo nêu rõ, các hành vi bị cấm gồm: Phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển, sản xuất, chế tạo, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, sử dụng, đe dọa sử dụng, chuyển giao, tiếp nhận chuyển giao, hỗ trợ, xin hỗ trợ, khuyến khích, xúi giục các hành vi bị cấm về vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc thực hiện các hành vi bất hợp pháp khác nhằm phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Dự thảo đưa ra quy định: Cấm che giấu, chứa chấp, không tố giác hành vi phổ biến và tài trợ phổ biến hoặc hành vi bất hợp pháp khác về vũ khí hủy diệt hàng loạt; cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; cấm đe dọa, trả thù người phát hiện, cung cấp thông tin, báo cáo, tố cáo về hành vi phổ biến, tài trợ phổ biến và các hành vi bất hợp pháp khác về vũ khí hủy diệt hàng loạt; làm lộ bí mật Nhà nước trong phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

TTXVN/Báo Tin tức
Các nước ngăn chặn đe dọa từ vũ khí hủy diệt
Các nước ngăn chặn đe dọa từ vũ khí hủy diệt

Ngày 15/10, tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia diễn ra Hội nghị vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân và vật liệu nổ (CBRNE) châu Á lần thứ 3, với sự tham gia của các chuyên gia đến từ 24 quốc gia và khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN