Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Geneva, phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Dương Chí Dũng đã điểm lại những thành tựu của đất nước sau hơn 3 thập kỷ đổi mới. Việt Nam đã chuyển đổi thành công từ một nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá thành một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Kể từ khi gia nhập Liên hợp quốc (LHQ) vào năm 1977, Việt Nam luôn cam kết mục tiêu cao cả của tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh, đó là xây dựng một thế giới hòa bình, an ninh và phát triển.
Việt Nam cũng là thành viên tích cực của nhiều tổ chức quốc tế như Liên minh Nghị viện Quốc tế (IPU), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ...
Tại Geneva, Việt Nam đã tích cực đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền (2014-2016), trở thành thành viên của Nhóm cốt lõi của Nghị quyết về Nhân quyền và Biến đổi khí hậu từ năm 2015, chủ động giới thiệu và tham gia vào nhiều sáng kiến khác.
Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào công việc của các cơ quan chuyên môn của LHQ, với tư cách là thành viên Hội đồng chấp hành của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ủy ban Luật pháp Quốc tế của LHQ, đảm nhận chức Chủ tịch Đại hội đồng WIPO từ năm 2018 và là một trong những Chủ tịch Hội nghị Giải trừ quân bị năm 2019...
2020 sẽ là một năm rất có ý nghĩa đối với Việt Nam ở trong nước và quốc tế. Đây là năm đánh dấu sự kết thúc của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020 và sự chuyển đổi sang giai đoạn tăng trưởng cao mới trong thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21.
Đáng chú ý hơn, trong năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhận hai trách nhiệm quốc tế là Chủ tịch ASEAN và tư cách thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.
Buổi chiêu đãi trọng thể đã được Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) tổ chức tại trụ sở WIPO với sự tham dự của hàng trăm quan khách, lãnh đạo các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Geneva, các đại diện thường trực của nhiều nước, các đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao, các ban ngành nước sở tại, bạn bè quốc tế cùng hàng trăm Việt kiều, du học sinh, các cán bộ Sứ quán Việt Nam tại Bern.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Geneva, ông Francis Gurry cảm thấy rất ấn tượng với buổi trình diễn thời trang thổ cẩm, lụa tơ tằm thể hiện một sự chuẩn bị công phu và trình bày cẩn thận bộ sưu tập tuyệt vời của nhà thiết kế cho lễ kỷ niệm tối nay.
Qua các chất liệu thô sơ được những đôi bàn tay khéo léo của người thợ thủ công Việt Nam thêu dệt, nhà thiết kế Minh Hạnh đã thể hiện đúng sở trường với mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Những nét văn hóa đặc sắc được lồng ghép trong các mẫu thiết kế giúp phát huy các giá trị tinh thần của dân tộc…
Việt Nam luôn ưu tiên bảo tồn và phát huy các bản sắc và truyền thống văn hóa dân tộc tạo thành một phần của kiến thức truyền thống, bảo vệ những bản sắc đó là một trong những nhiệm vụ của WIPO.
Trước đó, tối 17/9, Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Bern (Thụy Sĩ) cũng đã tổ chức chiêu đãi nhân kỷ niệm 74 năm Quốc khánh Việt Nam tại khách sạn Bellevue.
Cũng trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, nhiều hoạt động phong phú đã diễn ra, bao gồm biểu diễn đàn tranh, đàn T'rưng của nữ nghệ sĩ Nguyễn Minh Trang, người đã từng đoạt giải nhất cuộc thi đàn tranh Việt Nam và tham gia nhiều buổi hòa nhạc trình diễn tại nhiều nước trên thế giới. Chương trình biểu diễn Sơn Long quyền thuật cũng đã tạo ra bầu không khí vui vẻ, gắn kết mang lại sự thích thú và trầm trồ ngợi khen, nhất là từ các bạn bè quốc tế.