Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, hội nghị có sự tham dự của đại diện 21 nền kinh tế thành viên APEC, và các quan sát viên gồm Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội đồng Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (PECC) và Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương (PIF). Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dẫn đầu tham dự Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên nguyên tắc và luật lệ, cũng như vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đối với thương mại toàn cầu và sẵn sàng phối hợp với các thành viên WTO thúc đẩy, thông qua các nội dung chủ chốt tại Hội nghị Bộ trưởng các nước WTO lần thứ 12 dự kiến tổ chức vào tháng 6 năm nay.
Về các biện pháp trong APEC nhằm tái kết nối khu vực hậu COVID-19, Thứ trưởng hoan nghênh và đánh giá cao các sáng kiến, cũng như các nỗ lực nhằm gỡ bỏ các rào cản, góp phần nối lại đi lại an toàn, liền mạch và phục hồi kinh tế; ủng hộ thúc đẩy hợp tác khu vực hướng tới tạo thuận lợi cho việc công nhận lẫn nhau hộ chiếu vacine và nhấn mạnh việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các thành viên APEC để xây dựng và triển khai các sáng kiến khả thi.
Là một nền kinh tế mở, đã ký kết và thực thi 15 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với hơn 60 đối tác, Việt Nam đã và đang hợp tác với các thành viên APEC để thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực theo tinh thần của của Viễn cảnh APEC Putrajaya đến năm 2040, trong đó có việc hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) trong tương lai.
Thái Lan - lần thứ ba đăng cai APEC - đã lựa chọn chủ đề cho năm 2022 là “Rộng mở. Kết nối. Cân bằng”, với các ưu tiên rộng mở cho mọi cơ hội, kết nối trong mọi khía cạnh và cân bằng trong mọi lĩnh vực. Trong Năm chủ tịch APEC 2022, Thái Lan sẽ thúc đẩy các ưu tiên phát triển khu vực theo hướng tăng trưởng đồng đều và bền vững, đồng thời thúc đẩy APEC hướng tới một kỷ nguyên bền vững và cân bằng hậu COVID-19 thông qua khái niệm nền kinh tế sinh học, tuần hoàn và xanh còn gọi là mô hình Kinh tế BCG (Bio-Circular-Green Economy).
Tại Hội nghị năm nay, các Bộ trưởng APEC chú trọng thảo luận về các biện pháp nhằm tái kết nối khu vực về con người, thương mại và đầu tư hướng tới xây dựng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thịnh vượng, đạt được tăng trưởng bền vững và bao trùm trong tương lai. Một số đề xuất/sáng kiến trọng điểm được thảo luận bao gồm mở rộng phạm vi thẻ đi lại của doanh nhân APEC (ABTC); xây dựng cổng thông tin điện tử về đi lại an toàn trong khu vực; các sáng kiến nhằm tăng cường tính tương thích, hướng tới công nhận lẫn nhau các hộ chiếu vaccine…
Một nội dung quan trọng khác của Hội nghị MRT 28 là việc tiếp tục ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, bao gồm: tiến độ thực thi cải cách của WTO và một số nội dung đang được thảo luận tại WTO trong đó có một số vấn đề nổi bật như khủng hoảng lương thực toàn cầu, cải cách, trợ cấp nông nghiệp, các rào cản thương mại và mở rộng thị trường… và khả năng, định hướng kết thúc đàm phán trợ cấp thủy sản tại MC12.
Các Bộ trưởng đã nghe Tổng Giám đốc WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala, cập nhật những diễn biến mới tại tổ chức này trong thời gian qua, cũng như việc chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 năm nay. Tổng Giám đốc WTO nhấn mạnh các thành viên WTO cần linh hoạt, thực tế và thể hiện quyết tâm chính trị trong giải quyết các vấn đề “nút thắt”, hoan nghênh APEC tiếp tục triển khai những sáng kiến/hoạt động góp phần thúc đẩy các nội dung thảo luận tương đồng trong WTO. Tổng giám đốc WTO, các Bộ trưởng APEC đánh giá cao và bày tỏ hy vọng cải cách và tiến bộ trong đàm phán WTO sẽ đem lại những kết quả tích cực, góp phần củng cố vai trò của hệ thống thương mại đa phương cũng như hội nhập kinh tế toàn cầu và khu vực.
Ngoài ra, năm nay, việc hiện thực hóa FTAAP cũng là một trong những nội dung trọng tâm được đưa ra thảo luận khi lần đầu tiên các Bộ trưởng thương mại APEC (MRT) và Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) đối thoại về nội dung này trong khuôn khổ Hội nghị MRT 28. Nếu thành công, FTAAP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với dân số khoảng 2,9 tỷ người, chiếm 38% dân số toàn cầu, với tổng GDP đạt 52.000 tỷ USD, tương đương 62% GDP của thế giới.
Hội nghị MRT 28 năm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đã và đang có những dấu hiệu phục hồi khi phần lớn các hạn chế về dịch bệnh được dỡ bỏ nhờ các chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên toàn cầu. Du lịch, vận tải, hàng không, bán lẻ, thương mại xuyên biên giới dần sôi động trở lại nhờ các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, tiêm chủng vaccine, các gói hỗ trợ tài chính… tại nhiều nền kinh tế. Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APEC), theo báo cáo mới nhất của Đơn vị Nghiên cứu Chính sách APEC (PSU) vào tháng 2/2022, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn khu vực APEC tăng 5,8% năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực đạt mức vừa phải trong những năm tiếp theo, đạt 4,2% vào năm 2022 và 3,8% vào năm 2023 và kỳ vọng lạm phát sẽ giảm từ 3% năm 2021 xuống 2,5% năm 2022, và 2,3% năm 2023.
Tuy nhiên, trong khi những nút thắt trong chuỗi cung ứng đường biển chưa được tháo gỡ thì những khó khăn, thách thức mới lại xuất hiện cùng với những hậu quả lâu dài của đại dịch COVID-19, giá hàng hóa và năng lượng gia tăng, căng thẳng chính trị Nga - Ukraine đã cộng hưởng, ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế thế giới trong tương lai. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 3,6% trong năm 2022 và 2023, giảm lần lượt 0,8 và 0,2 điểm phần trăm so với các dự báo được đưa ra vào tháng 1/2022. Bên cạnh đó, 143 quốc gia trên thế giới đã phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng theo hướng giảm.
Hội nghị MRT 28 đã kết thúc ngày 22/5.