Tại phiên họp này, các đại biểu đã chia sẻ quan điểm về việc thực hiện Hướng dẫn của LHQ về luật và chính sách bảo vệ người tiêu dùng; tập trung thảo luận những thách thức mà các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng ở các nước đang phát triển phải đối mặt trong bối cảnh dịch COVID-19; thúc đẩy phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng; tăng cường vai trò của UNCTAD trong hỗ trợ các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng; nhu cầu tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong lĩnh vực này.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, phiên họp được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp tại Văn phòng LHQ ở Geneva, với sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý cạnh tranh và một số chuyên gia, học giả và đại diện các phái đoàn của các nước thành viên tại Geneva. Với tư cách Phó Chủ tịch kiêm Báo cáo viên phiên họp do các nước thành viên nhất trí bầu, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã chủ trì cuộc họp chiều 5/7 và sáng 6/7 trong khuôn khổ phiên họp. Đoàn Việt Nam có sự tham dự trực tuyến của các cán bộ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) và đại diện Phái đoàn Việt Nam tại Geneva.
Phát biểu tại phiên họp, quyền Tổng thư ký UNCTAD, bà Isabelle Durant, nêu rõ: “Những hậu quả kinh tế nghiêm trọng của đại dịch buộc chúng ta phải giải quyết các nhu cầu bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là những nơi người dân bị tổn thương nhiều hơn và có nhiều rủi ro hơn”. UNCTAD kêu gọi các chính phủ các nước cần thực hiện 3 hành động chính để đáp ứng nhu cầu thiết yếu về các tiện ích công cộng của người tiêu dùng dễ bị tổn thương.
Trước hết, cần tham gia thảo luận về chính sách công với tất cả các bên có liên quan, bao gồm cả các tổ chức người tiêu dùng và doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu, để xác định nhu cầu của người tiêu dùng dễ bị tổn thương và thiệt thòi, tránh các phương pháp tiếp cận chung cho mọi đối tượng. Bên cạnh đó, chính phủ cần ban hành luật trong đó quy định các quyền của người tiêu dùng và nghĩa vụ của các nhà cung cấp dịch vụ tiện ích công cộng, xem xét các nhu cầu đặc biệt của những người tiêu dùng dễ bị tổn thương và thiệt thòi. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần thường xuyên rà soát, đánh giá tác động và hiệu quả của các chương trình chính sách nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng dễ bị tổn thương và thiệt thòi về các tiện ích công cộng.
Trong khuôn khổ phiên họp, nhóm công tác của UNCTAD về đánh giá tự nguyện trong lĩnh vực này đã trình bày đánh giá về luật và chính sách bảo vệ người tiêu dùng của Chile với các nội dung liên quan đến tổng quan; bối cảnh chính trị, kinh tế và xã hội; khuôn khổ pháp lý, chính sách công, thể chế về bảo vệ người tiêu dùng; kết luận và khuyến nghị. UNCTAD khuyến khích các quốc gia thành viên quan tâm đăng ký tham gia đánh giá đồng cấp tự nguyện về luật và chính sách bảo vệ người tiêu dùng. Theo Báo cáo của Nhóm công tác này của UNCTAD, đến nay, nhóm đã tiến hành đánh giá đối với một số nước như Chile, Peru, Indonesia, Maroc....
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai đã chủ trì cuộc họp về đánh giá tự nguyện của Chile về luật pháp và chính sách bảo vệ người tiêu dùng. Phiên họp đã nghe Chile trình bày về thực tiễn bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời nhóm một số chuyên gia đã chia sẻ nhận xét, đánh giá về vấn đề này. Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai và các thành viên đã chúc mừng Chính phủ Chile thực hiện thành công đánh giá tự nguyện về luật và chính sách bảo vệ người tiêu dùng.
Bà Teresa Moreira, Trưởng bộ phận cạnh tranh và chính sách người tiêu dùng tại UNCTAD cho biết năm 2020 đã chứng kiến các nỗ lực đoàn kết giữa các chính phủ trên toàn cầu để bảo vệ người tiêu dùng tránh dễ bị tổn thương hơn; đảm bảo quyền tiếp cận các tiện ích công cộng là ưu tiên hàng đầu của tất cả mọi người. Bà Moreira nhấn mạnh nhu cầu của người tiêu dùng dễ bị tổn thương chỉ có thể được giải quyết đầy đủ thông qua một khung pháp lý phù hợp bao gồm các nguyên tắc và nghĩa vụ đối với các nhà cung cấp dịch vụ tiện ích công cộng, chẳng hạn như tính phổ biến, tính thường xuyên, chất lượng và khả năng chi trả.
Các biện pháp hỗ trợ của các chính phủ bao gồm hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương để thanh toán các hóa đơn tiện ích công cộng và tiền trợ cấp cho các nhà cung cấp để thu hồi các khoản nợ của người tiêu dùng có hoàn cảnh khó khăn. Các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng ở các nước chịu tác động lớn của đại dịch đã cải tiến các chiến dịch thông tin và giáo dục để thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả các tiện ích công cộng dựa trên nền tảng công nghệ số; đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận giải quyết tranh chấp và điều chỉnh các cơ chế để giải quyết nhanh hơn các khiếu nại của người tiêu dùng.
Bà Helena Leurent, Tổng Giám đốc Hội người tiêu dùng quốc tế, cho biết dù các chính phủ có trách nhiệm chính trong việc giúp đỡ những người tiêu dùng dễ bị tổn thương, nhưng các tổ chức xã hội và doanh nghiệp cũng phải đóng góp vào việc xây dựng một môi trường hòa nhập và gắn kết, tích hợp hỗ trợ cho những người tiêu dùng dễ bị tổn thương trên nhiều lĩnh vực. Hướng dẫn của LHQ về bảo vệ người tiêu dùng khuyến nghị các phương thức kinh doanh tốt cần được các nhà cung cấp dịch vụ công thường xuyên xem xét, đặc biệt là khi giao dịch với những người tiêu dùng dễ bị tổn thương và thiệt thòi.
Trong khi đó, nữ luật sư Shivani Sothirachagan của Cơ quan tiêu chuẩn Malaysia cho biết các cam kết tự nguyện và tiêu chuẩn ISO cần phải tiếp tục thúc đẩy để cải thiện phúc lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương và thiệt thòi, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Nhóm chuyên gia liên Chính phủ về luật và chính sách bảo vệ người tiêu dùng là một cơ chế thường trực được thành lập theo Hướng dẫn của LHQ về bảo vệ người tiêu dùng nhằm giám sát việc áp dụng và thực hiện các hướng dẫn, cung cấp một diễn đàn thảo luận, nghiên cứu, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, thực hiện các đánh giá đồng cấp tự nguyện, và định kỳ cập nhật các hướng dẫn. Phiên họp của nhóm được thực hiện định kỳ hàng năm kể từ năm 2016 đến nay.