Nghiên cứu mới này của UNCTAD gây lo ngại cho các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu các hàng hóa chính như sản phẩm năng lượng, quặng và ngũ cốc. Theo dữ liệu của UNCTAD, khoảng 2/3 các nước đang phát triển đang phụ thuộc vào hàng hóa xuất khẩu.
Đối với các nước đang phát triển phụ thuộc vào hàng hóa, đặc biệt là một số quốc gia dễ bị tổn thương nhất, mức giảm được dự đoán là từ 2,9 - 7,9 tỷ USD sẽ tạo ra tổn thất giảm 9% về tốc độ tăng trưởng hàng năm. Do Trung Quốc tiêu thụ khoảng 1/5 hàng hóa xuất khẩu toàn cầu, nên việc nhập khẩu giảm như vậy sẽ có tác động mạnh đến các nhà sản xuất hàng hóa chủ chốt.
Nhu cầu của Trung Quốc đối với các sản phẩm như năng lượng, quặng và ngũ cốc giảm mạnh. Nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng có thể giảm tới 10% vào năm 2020 so với mức tăng 10% dự kiến trước khi bùng phát dịch COVID-19.
Nghiên cứu của UNCTAD cho biết nhập khẩu sắt dự kiến sẽ tăng, nhưng mức tăng trưởng có thể giảm 2/3, từ dự báo tăng trưởng hàng năm trước COVID-19 là 19% xuống chỉ còn 6%. Nhập khẩu lúa mỳ hiện được dự báo sẽ giảm 25%, gấp đôi so với giai đoạn trước khủng hoảng COVID-19.
Tuy nhiên, nghiên cứu của UNCTAD nhận định kết quả tích cực đối với một số sản phẩm nông nghiệp so với kỳ vọng trước COVID-19. Chẳng hạn, nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc từ các nước đang phát triển phụ thuộc vào hàng hóa, dự kiến sẽ tăng 34% (tăng 10 điểm phần trăm so với dự báo trước đó).