Trả lời phỏng vấn trước khi UNCTAD công bố báo cáo thường niên, Giám đốc phục trách toàn cầu hóa và các chiến lược phát triển Richard Kozul-Right cho biết cơ quan này lo ngại dù kinh tế thế giới có thể sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2020 và đến năm 2021, nhưng nếu không thận trọng, các quốc gia sẽ vấp phải những sai lầm từng mắc phải trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008. Những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" có thể sẽ được áp dụng quá nhanh và tình trạng suy thoái với tốc độ 2 con số có thể xảy ra trong khoảng 18 tháng tới với hậu quả là thế giới sẽ chứng kiến một thập kỷ lạc hướng, bất kể đó là các quốc gia đang phát triển hay giàu có.
Trong báo cáo thường niên, UNCTAD cho rằng thế giới cần khẩn cấp phối hợp hành động chung vì mục tiêu phục hồi kinh tế nhanh hơn khi đương đầu với nguy cơ suy thoái toàn cầu nghiêm trọng. “Báo cáo về thương mại và phát triển năm 2020 của LHQ” do UNCTAD công bố dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm 4,3% trong năm nay, nhưng kỳ vọng sẽ phục hồi với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 4,1% trong năm 2021. Các mức dự báo cùng thời kỳ được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra tháng 6 lần lượt là 4,9% và 5,4%.
Bên cạnh đó, UNCTAD cũng nhận định các gói cứu trợ tạm thời được đưa ra chủ yếu tại các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), ước tính khoảng 13.000 tỷ USD, đã góp phần kiềm chế đà suy thoái của kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, trên quy mô toàn cầu, UNCTAD cảnh báo nguy cơ trải qua "thập kỷ lạc hướng" đang phủ bóng đen lên hy vọng thế giới sẽ hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trước năm 2030 của LHQ. Ông Kozul-Wright lo ngại việc thực hiện SDGs vốn dĩ đã chật vật trước khi COVID-19 bùng phát và nếu như thế giới thực sự bước vào một thời kỳ tăng trưởng chậm và các chính phủ cắt giảm chi tiêu thì khả năng hoàn thành những mục tiêu này đúng hạn là rất thấp và mọi điều thậm chí có thể sẽ tồi tệ đi.
Báo cáo của UNCTAD nhấn mạnh chìa khóa để thành công là khắc phục hàng loạt vấn đề cố hữu đe dọa sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu thậm chí trước cả khi đại dịch xảy ra, trong đó phải kể đến tình trạng bất bình đẳng sâu sắc, nợ công đáng báo động, đầu tư yếu, tình trạng chậm lương tại các nước phát triển và thiếu các vị trí việc làm chính thức (trong đó người lao động được hưởng những quyền lợi cơ bản) tại các nước đang phát triển. Ông Kozul-Wright kết luận các nước cần những chính sách việc làm và tiền lương thỏa đáng, nhưng cũng cần những chính sách xã hội phù hợp.