Tổng hợp dịch COVID-19: Ngày 26/8, ghi nhận 11.575 ca mắc mới; TP Hồ Chí Minh lấy mẫu toàn dân tại vùng đỏ, vùng cam bằng xét nghiệm kháng nguyên

Bộ Y tế đã tiếp nhận 770.000 liều vaccine Pfizer trong tổng số khoảng 1 triệu liều do phía Mỹ tặng Việt Nam; Trong ngày cả nước vẫn ghi nhận 11.575 ca mắc mới COVID-19; Bộ Y tế phân bổ thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 cho 33 đơn vị… là những vấn đề nóng được bạn đọc quan tâm trong ngày 26/8.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi tình hình điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 và động viên cán bộ lãnh đạo bệnh viện điều trị COVID-19 - Quân dân y miền Đông tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

18.567 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh

Tính từ 18 giờ ngày 25/8 đến 18 giờ ngày 26/8, cả nước ghi nhận 11.575 thêm ca mắc COVID-19, trong đó 6 ca nhập cảnh và 11.569 ca trong nước. Như vậy so với ngày 25/8, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 524 ca.  Nếu tính trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 388.814 ca, trong đó có 185.714 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 7/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang. Cũng trong ngày 26/8, cả nước ghi nhận có 318 ca tử vong. Trong đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh (242), Bình Dương (46), Tiền Giang (9), Đồng Tháp, Khánh Hòa, Long An, Vĩnh Long (mỗi địa phương 3), Bình Thuận, Sóc Trăng (mỗi địa phương 2), Hà Nội, Bến Tre, Kiên Giang, Thừa Thiên Huế, Trà Vinh (mỗi địa phương 1).

Tính đến nay, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam là 9.667 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%). Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 466.305 xét nghiệm cho 596.487 lượt người; từ ngày 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm 10.836.663 mẫu cho  29.983.657 lượt người.

Ngày 26/8, Bộ Y tế đã tiếp nhận 770.000 liều vaccine Pfizer trong tổng số khoảng 1 triệu liều do phía Mỹ tặng Việt Nam, số vaccine 270.000 liều còn lại dự kiến sẽ được chuyển đến Việt Nam vào ngày 27/8/2021. Bộ Y tế triển khai phân bổ 1.209.400 liều vaccine AstraZeneca (đợt 23) do VNVC mua, phân bổ 500.800 liều vaccine AstraZeneca (đợt 24) do phía Ba Lan tài trợ, phân bổ 300.000 liều vaccine AstraZeneca (đợt 25) do phía Rumania tài trợ và phân bổ 10.000 liều vaccine Sputnik V do phía Liên bang Nga tài trợ.

Thành phố Hồ Chí Minh triển khai lấy mẫu toàn dân tại vùng đỏ, vùng cam bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh. Thực hiện mẫu gộp tại các vùng vàng, vùng xanh; hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và thông tin khai báo khi kết quả dương tính SARS-CoV-2.

Người dân phải được tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại phường Cát Lái, thành phố Thủ Đức. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Đến thăm và kiểm tra công tác khám, chữa bệnh cho bệnh nhân tại khu cách ly tập trung tạm thời tại Trường THCS Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) ngày 26/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chính quyền địa phương cần triển khai nhanh phân loại mức độ bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn để đưa ra hướng xử lý phù hợp với từng mức độ bệnh nhân.

Đặc biệt quan tâm đến tình hình khám chữa bệnh nhân F0 tại nhà, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những kết quả tích cực ban đầu trong điều trị F0 tại nhà; đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vấn đề tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế một cách nhanh nhất, gần dân nhất, hiệu quả nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, xác định quan điểm “mỗi xã phường là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sỹ” trong trận chiến đấu với dịch COVID-19, vấn đề cơ sở cần được đặt lên hàng đầu. Công tác phòng, chống dịch phải hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm trọng tâm. Mọi hoạt động y tế, an sinh xã hội, an ninh đều trong địa bàn xã phường.

Công tác vận động, hướng dẫn nhân dân, phối hợp các lực lượng tham gia phòng dịch cũng tập trung tại xã phường. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở cần tiếp tục làm tốt việc kêu gọi, hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện những quy định của Chính phủ về phòng, chống dịch.

Thăm khu nhà trọ trên đường Nguyễn Thị Định ở thành phố Thủ Đức, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi tình hình đời sống của người dân, kiểm tra hệ thống liên lạc qua đường dây nóng hỗ trợ nhân dân về y tế và an sinh xã hội của thành phố cũng như việc vận hành của tổ chức y tế cơ sở. Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh việc tăng cường tuyến y tế xã phường, đảm bảo người dân nhanh chóng được đưa đi cấp cứu, điều trị khi cần thiết, giảm tối đa thời gian người dân tiếp cận được dịch vụ y tế. Chính quyền xã, phường phải tăng cường hướng dẫn người dân những thông tin phòng dịch, các phương thức liên lạc để nhân dân tiếp cận dịch vụ hỗ trợ khi cần thiết.

Thăm và kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại điểm An sinh xã hội khẩn cấp phường Cát Lái và Khu cách ly F1 của người lao động Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lực lượng vũ trang địa phương phải quán triệt rõ nhiệm vụ của mình, phối hợp chặt chẽ với lực lượng bộ đội tăng cường, khi xác định chống dịch như chống giặc, lực lượng vũ trang phải đảm bảo sức khỏe, chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch, bám sát trận địa để đánh địch.  

"Quân đội ta là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất. Trong lúc này, làm tốt vai trò đội quân chiến đấu chính là chống dịch. Vai trò của đội quân công tác là giúp đỡ nhân dân, giúp đỡ chính quyền trong công tác phòng, chống dịch...", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.  

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh phải tiếp tục đảm bảo cung ứng đầy đủ, thường xuyên, liên tục hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân trên địa bàn, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; vận động, thông tin hướng dẫn người dân yên tâm thực hiện các quy định về siết chặt giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19.

Mạnh dạn đưa một số loại thuốc cho các F0 cách ly, điều trị tại nhà  

Thăm hỏi, động viên đội ngũ y bác sĩ đang làm nhiệm vụ tại Trạm Y tế lưu động Phường 11 (TP Hồ Chí Minh), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc nhở: Với sự chi viện của lực lượng quân y phải bám sát người dân, bảo đảm tiếp nhận, có phản hồi ngay tất cả những yêu cầu hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe của nhân dân trên địa bàn. Lực lượng y tế Quận 6 cần cấp thuốc điều trị đầy đủ cho người dân; tư vấn, hỗ trợ hoa quả, vitamin, các loại đồ ăn đảm bảo dinh dưỡng, nâng cao thể trạng cho F0 cũng như thành viên khác trong gia đình.  

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với Lãnh đạo Quận 6 về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN phát

Bí thư Quận ủy Quận 6 Lê Thị Hờ Rin thông tin thêm, quận đã mạnh dạn đưa một số loại thuốc cho các F0 cách ly, điều trị tại nhà ngay từ cuối tháng 7/2021 trước khi có quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế và thành phố. Cùng với đó là tổ chức nấu các loại nước chanh sả, đồ ăn đủ chất dinh dưỡng cung cấp cho F0 trong khu cách ly, điểm phong tỏa… qua đó giảm nhiều trường hợp chuyển nặng.  

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, thời gian tới, lãnh đạo Quận 6 tiếp tục thực hiện tốt việc giãn cách thật nghiêm, đảm bảo an sinh cho 100% người dân, tiếp nhận, phản hồi hoặc qua thăm ngay trong thời gian sớm nhất khi người dân gọi điện yêu cầu trợ giúp về y tế. Quận cần đẩy nhanh xét nghiệm, tích cực điều trị, giảm tỷ lệ tử vong và cơ bản hoàn thành mục tiêu tiêm vaccine cho 100% đối tượng theo quy định của Bộ Y tế.  

Lãnh đạo Quận 6 cần quan tâm hơn nữa, từng bước nắm những yêu cầu cá biệt của người đang gặp vấn đề về sức khỏe hoặc điều trị bệnh khác để hỗ trợ tối đa cho nhân dân không chỉ là thuốc mà cả chế độ dinh dưỡng, nhất quyết không được để ai thiếu đói.  

Đà Nẵng siết chặt quản lý người dân “ai ở đâu ở yên đó” tại các ngõ hẻm

Ngày 26/8, TP Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm cho 40.714 lượt người; đang điều trị 1.921 bệnh nhân, cho xuất viện 65 bệnh nhân; phát hiện, cách ly 127 trường hợp F1, 72 trường hợp F2; hiện thành phố có 47 cơ sở cách ly tập trung, đang cách ly tập trung 2.359 người.

Chú thích ảnh
Lực lượng y tế triển khai lấy mẫu xét nghiệm các cư dân trong khu vực phong tỏa, cách ly. Ảnh: Võ Dung/TTXVN

Nhận định về tình hình dịch bệnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng Tôn Thất Thạnh nêu rõ, Đà Nẵng đã áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp với tình hình dịch trong giai đoạn hiện nay, trong đó công tác xét nghiệm kịp thời và đúng đối tượng đã phát hiện và đưa ra khỏi cộng đồng nhiều ca bệnh F0, đồng thời xử lý triệt để các trường hợp F1, F2 và liên quan theo quy định.

Ngay sau khi kết thúc Kế hoạch xét nghiệm 152/KH-UBND của UBND thành phố, cơ quan chức năng ghi nhận nhiều trường hợp mắc COVID-19 từ xét nghiệm đại diện hộ gia đình. Do vậy, thành phố đã lập tức triển khai lấy mẫu xét nghiệm theo Kế hoạch số 155/KH-UBND. Nhờ xét nghiệm thêm đợt 3 này, Đà Nẵng đã phát hiện, tách khỏi cộng đồng và xử lý thêm 36 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 trên tổng số 238 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 từ xét nghiệm đại diện hộ gia đình.

Bác sĩ Thạnh đề xuất, các địa phương tiếp tục tăng cường rà soát người liên quan đến chợ đầu mối Hoà Cường và các khu vực, địa điểm có dịch để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định.

Đối với việc quản lý người dân trong ngõ, hẻm cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát và chủ động triển khai các biện pháp phòng dịch đầy đủ trong các khu vực này trên địa bàn thành phố, đặc biệt cần phát huy tối đa vai trò của các lực lượng dân phố và Tổ COVID-19 cộng đồng.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, qua kiểm tra tại các ngõ hẻm, người dân vẫn còn chủ quan, tập trung đông, ra ngoài trao đổi, nói chuyện, không thực hiện nghiêm túc Thông điệp 5K của Bộ Y tế, việc quản lý thực hiện “ai ở đâu ở yên đó” của chính quyền cấp cơ sở trong khu vực này còn lỏng lẻo, bộc lộ nhiều hạn chế.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh: “Nếu không siết chặt, làm quyết liệt, yêu cầu người dân ở yên trong nhà tại các ngõ hẻm thì thành phố sẽ mãi mãi đuổi theo dịch”. Ông Quảng cho hay, thời gian vừa qua, Đà Nẵng đã đầu tư công sức, thời gian để xác lập "vùng đỏ", "vùng xanh", "vùng vàng". Vì vậy, đề nghị các quận huyện phải có mục tiêu giảm nguy cơ tại các "vùng đỏ", "vùng vàng", giữ vững "vùng xanh"; yêu cầu Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng phải hướng dẫn rõ, nếu nơi nào tăng mức độ nguy cơ thì sẽ không hoàn thành nhiệm vụ và xem xét trách nhiệm của người đứng đầu từ quận, phường đến tổ dân phố, và có thể quy trách nhiệm lãnh đạo thành phố.

Bộ Y tế phân bổ thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 cho 33 đơn vị

Ngày 26/8, Bộ Y tế đã phân bổ 103.680 lọ thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 cho 12 bệnh viện (trong đó có các trung tâm hồi sức tích cực COVID-19), 21 Sở Y tế các tỉnh, thành phố gồm: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Long An,  Trà Vinh, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hoà, Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang, Hậu Giang, Bình Phước, Bà Rịa- Vũng Tàu, Nghệ An, An Giang, Tiền Giang và Tây Ninh.  

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân phường 5, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát

Đây là lần thứ 4 thuốc này được Bộ Y tế xuất cấp để phục vụ nhu cầu điều trị của các cơ sở y tế và cũng là lần xuất cấp thuốc Remdesivir nhiều nhất đến thời điểm này.  Trước đó, Bộ Y tế cũng đã phân bổ 3 đợt thuốc Remdesivir với 70.000 lọ. Như vậy, đến nay đã có 173.680 lọ thuốc Remdesivir phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 được Bộ Y tế phân bổ cho các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 và Sở Y tế nhiều tỉnh, thành phố.

Số thuốc này nằm trong số 500.000 lọ thuốc Remdesivir do Tập đoàn Vingroup đã đàm phán mua để tặng Bộ Y tế phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19. Remdesivir là là thuốc kháng virus được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt khẩn cấp để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Với khả năng rút ngắn thời gian hồi phục và giảm mạnh tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... đưa vào phác đồ điều trị từ tháng 5/2020, và là một trong những loại thuốc đặc trị khó tiếp cận hàng đầu thế giới. Thuốc Remdesivir cũng là thuốc đã được cấp phép khẩn cấp tại Ấn Độ cho chỉ định điều trị COVID-19, cho bệnh nhân COVID nặng, thở máy/ECMO…

Theo hướng dẫn sử dụng của Bộ Y tế, thời điểm dùng thuốc Remdesivir là trong vòng 10 ngày đầu từ khi khởi phát bệnh và nên phối hợp với Dexamethasone. Thuốc này ưu tiên sử dụng cho nhóm nguy cơ cao gồm người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, béo phì (BMI >25).

Bộ Y tế lưu ý, không bắt đầu sử dụng thuốc cho người bệnh COVID-19 cần thở máy xâm nhập, ECMO. Riêng đối với các trường hợp được điều trị bằng Remdesivir trước khi thở máy xâm nhập hoặc ECMO thì tiếp tục dùng Remdesivir cho đủ liệu trình.  

V.T/Báo Tin tức
 Đưa 2.000 người dân ở nhà lụp xụp, ven kênh về nơi ở an toàn tránh dịch COVID-19
Đưa 2.000 người dân ở nhà lụp xụp, ven kênh về nơi ở an toàn tránh dịch COVID-19

Tính đến 18 giờ ngày 26/8, đã có trên 600 người trong số 2.000 người dân sống tại các khu trọ, nhà lụp xụp, nhà trên ven kênh, hẻm sâu và đặc biệt là hộ gia đình có người trên 65 tuổi, bệnh lý nền thuộc các Phường 12 và 27 (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) đã được dời về ở tại Nhà nghỉ Công đoàn Thanh Đa và Khu chung cư 1050, quận Bình Thạnh để đảm bảo phòng, chống dịch và an sinh xã hội trong những ngày giãn cách xã hội theo yêu cầu “ai ở đâu, ở yên đó”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN