Quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã ký Quyết định số 84/QĐ-BCĐ ban hành Quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo.
Về nguyên tắc làm việc, Ban Chỉ đạo (BCĐ) hoạt động thường xuyên, thống nhất chỉ đạo, điều hành hoạt động của các Thành viên, các Tiểu ban thuộc BCĐ và cơ quan thường trực BCĐ trên cơ sở phân công nhiệm vụ cụ thể và đề cao trách nhiệm cá nhân của từng thành viên BCĐ.
BCĐ họp, thảo luận dưới sự chủ trì của Trưởng BCĐ hoặc Phó Trưởng BCĐ theo phân công của Trưởng BCĐ để quyết định và tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, định hướng, kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; mọi công việc được thảo luận dân chủ, thống nhất và trên cơ sở tăng cường phối hợp giữa các Thành viên BCĐ, các bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thành viên BCĐ có trách nhiệm thực hiện nghiêm Quy chế này và các nhiệm vụ được phân công; tham gia đầy đủ các hoạt động của BCĐ; kịp thời báo cáo và chịu trách nhiệm trước Trưởng BCĐ về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công; bảo đảm duy trì kết nối thông tin liên lạc thường xuyên 24/24.
Các Tiểu ban thuộc BCĐ, các Thành viên Tiểu ban hoạt động theo Quy chế này và Quy chế làm việc của Tiểu ban, bảo đảm thực hiện kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ được phân công.
Phạm vi giải quyết công việc của các Thành viên BCĐ, các Tiểu ban thuộc BCĐ, các Thành viên Tiểu ban phải theo đúng quy định của pháp luật, thẩm quyền, nhiệm vụ được phân công và quy định tại Quy chế này.
Quy chế cũng quy định cụ thể trách nhiệm của Trưởng BCĐ, Phó Trưởng BCĐ; Trưởng Tiểu ban thuộc BCĐ; Thành viên BCĐ.
Bộ Y tế là cơ quan thường trực của BCĐ. Cơ quan thường trực của BCĐ được yêu cầu các Tiểu ban, các bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, báo cáo và hỗ trợ các nguồn lực cần thiết đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Thành viên BCĐ thực hiện các nhiệm vụ theo Quy chế làm việc của BCĐ ban hành kèm theo Quyết định số 84/QĐ-BCĐ ngày 28/8/2021 và các nhiệm vụ theo phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo như sau:
1. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ: Chỉ đạo, điều hành thống nhất, toàn diện các hoạt động của BCĐ; phân công nhiệm vụ cho các Phó Trưởng Ban và các Thành viên BCĐ; trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban An sinh xã hội và Tiểu ban An ninh trật tự xã hội; xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động của các Tiểu ban theo đề nghị của Trưởng Tiểu ban.
2. Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng BCĐ, Trưởng Tiểu ban Tài chính, hậu cần: Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban Tài chính, hậu cần. Trực tiếp chỉ đạo xử lý các vấn đề liên quan đến ngân sách nhà nước, thuế, bảo hiểm, lãi suất ngân hàng, cơ chế mua sắm, giá các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, các khoản hỗ trợ đối với người dân, đặc biệt là người mất việc làm, người xa quê tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội; chỉ đạo việc bảo đảm kinh phí, phân bổ và quản lý việc sử dụng kinh phí phòng, chống dịch; chỉ đạo việc thực hiện mua sắm vaccine, vật tư, trang thiết bị, hóa chất, thuốc... phục vụ phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo triển khai thực hiện các phương án mua sắm dự phòng để sẵn sàng hỗ trợ cho các địa phương trong trường hợp vượt quá khả năng đáp ứng tại chỗ của địa phương; chỉ đạo việc xây dựng các chế độ, chính sách đối với các lực lượng phòng, chống dịch, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu.
3. Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng BCĐ: Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban Y tế. Trực tiếp chỉ đạo việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế trong nước; chỉ đạo việc áp dụng các giải pháp phòng, chống dịch để bảo đảm tính liên tục của hoạt động giáo dục; chỉ đạo việc ứng dụng các công cụ, nền tảng công nghệ dùng chung toàn quốc để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
4. Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng BCĐ: Làm đầu mối phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách cần thiết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, kể cả việc chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các quy định của các luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19; giám sát việc thực hiện các quy định của luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.
5. Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng BCĐ, Trưởng Tiểu ban Sản xuất và lưu thông hàng hóa: Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban Sản xuất và lưu thông hàng hóa. Chỉ đạo việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh; bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các địa phương, nhất là các địa phương thực hiện giãn cách xã hội; bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, không để ách tắc các hoạt động cung ứng và đáp ứng yêu cầu an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
6. Đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Thành viên BCĐ, Trưởng Tiểu ban An ninh trật tự xã hội: Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban An ninh trật tự xã hội. Chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong và sau dịch; chủ động các phương án phòng ngừa, các biện pháp xử lý tình huống bất ổn xã hội có thể phát sinh trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp; tổ chức chỉ đạo, huy động, điều phối lực lượng công an phối hợp với các lực lượng khác tham gia phòng, chống dịch COVID-19; chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội; công tác truy vết, cách ly, khoanh vùng; chỉ đạo phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định phòng, chống dịch COVID-19; kiểm soát chặt chẽ công tác xuất, nhập cảnh, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép.
7. Đồng chí Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thành viên BCĐ, Trưởng Tiểu ban An sinh xã hội: Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban An sinh xã hội. Chỉ đạo bảo đảm giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới quốc gia; kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối mở, không để xuất, nhập cảnh trái phép; chỉ đạo tổ chức tăng cường lực lượng quân đội nhân dân phối hợp với các lực lượng khác tham gia phòng, chống dịch COVID-19; chỉ đạo việc bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân tại các khu vực tăng cường giãn cách xã hội; chăm lo đời sống người dân, tổ chức hỗ trợ tại các vùng, địa phương có dịch, quan tâm người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc làm do dịch COVID-19...
8. Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thành viên BCĐ, Trưởng Tiểu ban Vận động và huy động xã hội: Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban Vận động, huy động xã hội. Chỉ đạo tổ chức vận động, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và huy động các nguồn lực xã hội của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.
9. Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Thành viên BCĐ, Trưởng Tiểu ban Dân vận: Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban Dân vận. Chỉ đạo, tổ chức vận động, động viên các cơ quan, tổ chức, các tầng lớp nhân dân chủ động, tự giác tuân thủ và tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.
10. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành viên BCĐ: Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban Truyền thông; Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền đúng chủ trương, quan điểm, giải pháp, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm thống nhất, kịp thời, chính xác; tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và đồng thuận xã hội trong phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch...
11. Đồng chí Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Thành viên BCĐ, Trưởng Tiểu ban Y tế: Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị người nhiễm COVID-19, tiêm chủng... và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận nhanh nhất các dịch vụ y tế cần thiết; sẵn sàng nhân lực, phương tiện để kịp thời tiếp nhận, sơ cứu, cấp cứu, điều trị các trường hợp mắc bệnh; tham mưu việc huy động, hỗ trợ nâng cao năng lực y tế tại các địa phương khi cần thiết; xây dựng kịch bản, sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh.
12. Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Thành viên BCĐ: Chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan của Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách cần thiết, nhất là các nội dung liên quan đến tài chính, ngân sách phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; giám sát hoạt động liên quan đến tài chính, ngân sách phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
13. Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thành viên BCĐ: Phối hợp với Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo trong việc đôn đốc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo và kịp thời báo cáo, đề xuất Trưởng Ban Chỉ đạo đối với những vấn đề phát sinh.
14. Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thành viên BCĐ: Chỉ đạo việc rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung và theo dõi chung về tình hình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hoạt động của Ban Chỉ đạo.
15. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Thành viên BCĐ, Trưởng Tiểu ban Truyền thông: Chỉ đạo và hướng dẫn việc cung cấp thông tin bảo đảm thống nhất, kịp thời, chính xác; chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về các biện pháp phòng, chống dịch; tuyên truyền truyền cảm hứng, nêu gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả, đồng thời đấu tranh phản bác, xử lý, ngăn chặn các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục phát huy hiệu quả của các công cụ, nền tảng công nghệ dùng chung toàn quốc, các giải pháp công nghệ thông tin để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 8.645 tỷ đồng
Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17h ngày 30/8, Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 8.645 tỷ đồng đã bao gồm ngoại tệ quy đổi của 534.365 tổ chức và cá nhân tham gia đóng góp.
Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 hàng ngày thực hiện công khai số dư quỹ và danh sách các đơn vị, tổ chức, cá nhân đã ủng hộ cho quỹ trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính và các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Thông tư số 41/2021/TT-BTC ngày 2/6/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn Quy chế tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và chế độ kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vaccine phòng COVID-19.
Ban quản lý quỹ vừa ra mắt thêm cổng thông tin điện tử của Quỹ vaccine phòng COVID-19 (quyvacxincovid19.gov.vn) để kêu gọi nhiều hơn nữa các cá nhân, tổ chức tham gia ủng hộ.
Theo Bộ Tài chính để tiêm được cho 75 triệu dân, nguồn lực cần khoảng 25.200 tỷ đồng; trong đó, ngân sách đã chuẩn bị được hơn 14.000 tỷ đồng và cần thêm khoảng 11.000 tỷ đồng.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 11.064 ca
Từ 17 giờ ngày 29/8 đến 17 giờ ngày 30/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.224 ca nhiễm mới tại 41 tỉnh, thành phố; trong đó 5 ca nhập cảnh và 14.219 ca ghi nhận trong nước.
Thống kê kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 449.489 ca nhiễm, đứng thứ 59/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 163/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.572 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 445.291 ca, trong đó có 226.042 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 7 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước là Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang. Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ, Kon Tum. Có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP Hồ Chí Minh (215.810 ca), Bình Dương (110.258 ca), Đồng Nai (23.132 ca), Long An (21.457 ca), Tiền Giang (9.438 ca).
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 536.647 xét nghiệm cho 626.126 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 13.252.329 mẫu cho 32.742.499 lượt người. Trong ngày 29/8 có 262.038 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 19.710.560 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 17.186.153 liều, tiêm mũi 2 là 2.524.407 liều.
Thông tin từ Tiểu ban điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) cho biết, trong ngày 30/8, có 9.014 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 228.816 ca. Theo tống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.449 ca, trong đó: Số bệnh nhân nặng đang điều trị tích cực thở ô xy qua mặt nạ là 4.157 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 1.247 ca; thở máy không xâm lấn là 105 ca; thở máy xâm lấn là 916 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị tim phổi nhân tạo (ECMO) là 24 ca.
Tối 30/8, Hà Nội có 35 ca mắc mới COVID-19, số ca mắc trong ngày là 103
Tính từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 30/8, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận thêm 35 ca mắc mới, trong đó có 3 ca tại cộng đồng và 33 ca đã được cách ly (18 ca tại khu cách ly và 15 ca sống ở khu vực phong tỏa đã được cách ly từ trước).
Số ca mắc mới trong chiều 30/8 thuộc các quận, huyện Thanh Xuân (11 ca), Thanh Trì (7 ca), Đan Phượng (5 ca), Đông Anh (4 ca), Hoàng Mai (3 ca), Long Biên (2 ca), Bắc Từ Liêm (1 ca), Ba Đình (1 ca), Hoàn Kiếm (1 ca). Như vậy, tổng số ca mắc trong ngày là 103 ca, trong đó có 12 ca tại cộng đồng và 91 ca đã được cách ly.
Như vậy, tính từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 3.194 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.546 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.648 ca.
Cộng hòa Séc hỗ trợ hơn 250.000 liều vaccine AstraZeneca và Moderna cho Việt Nam
Ngày 30/8/2021, Chính phủ Cộng hòa Séc đã bàn giao hơn 250.000 liều vaccine AstraZeneca và Moderna cho Việt Nam. Lô vaccine này do Quỹ UPS hỗ trợ vận chuyển và thực hiện các thủ tục thông quan và logistics. Đây là một phần cam kết của UPS trong việc ủng hộ cơ chế phân phối bình đẳng vaccine COVID-19 trên toàn thế giới thông qua việc tận dụng chuyên môn trong lĩnh vực logistics để giúp các nhà sản xuất vaccine và các đối tác phi chính phủ quản lý và sắp xếp hợp lý quá trình phân phối.
Trước đó, Quỹ UPS cũng đã hỗ trợ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vận chuyển một lô hàng Thiết bị Bảo vệ Cá nhân (PPE). Lô hàng do Dự án C.U.R.E (Hoa Kỳ) quyên góp đã được UPS hỗ trợ thông quan và giao đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.