Tổng hợp COVID-19 ngày 28/8: Trên 12.000 ca khỏi bệnh; TP Hồ Chí Minh có số ca mắc trong cộng đồng cao

Ngày 28/8, Việt Nam ghi nhận số ca khỏi bệnh cao hơn ca nhiễm mới, trong đó TP Hồ Chí Minh vẫn dẫn đầu với ca mắc mới trong cộng đồng tăng cao. Trước tình hình trên, nhiều nơi đã hỗ trợ TP Hồ Chí Minh về nhân lực và vật tư để giúp Thành phố nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, tập trung điều trị. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành cũng tiếp tục thực hiện giãn cách và đẩy mạnh xét nghiệm, tiêm vaccine sao cho đến ngày 6/9, tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát trên cả nước.

Ngày 28/8, Việt Nam có 12.375 bệnh nhân khỏi bệnh

Ngày 28/8, Việt Nam có 12.375 bệnh nhân khỏi bệnh. Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 mới tính từ 18 giờ ngày 27/8 đến 18 giờ ngày 28/8 được ghi nhận 12.103 ca; trong đó có 6 ca nhập cảnh và 12.097 ca ghi nhận trong nước.

Chú thích ảnh
Xét nghiệm sàng lọc ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Ảnh: TTXVN.

TP Hồ Chí Minh vẫn là nơi dẫn đầu ca bệnh với 5.481 ca; tiếp đến Bình Dương là 4.049 ca, Đồng Nai 797 ca, Long An 451 ca, Tiền Giang 241 ca... 

Như vậy, trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 804 ca. Tại TP Hồ Chí Minh tăng 98 ca, Bình Dương giảm 138 ca, Đồng Nai giảm 199 ca, Long An giảm 3 ca, Tiền Giang giảm 71 ca.

Trong ngày, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 352 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (271 ca), Bình Dương (38 ca), Đồng Nai (16 ca), Tiền Giang (15 ca), Long An (4 ca), Đồng Tháp (2 ca), Khánh Hòa (2 ca), Đà Nẵng (1 ca), Bến Tre (1 ca), Nghệ An (1 ca), Thừa Thiên Huế (1 ca).

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 10.405 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

Trong ngày 27/8, cả nước có 304.176 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 19.151.122 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 16.822.691 liều, tiêm mũi 2 là 2.328.431 liều.

Đánh giá về tình hình ca nhiễm tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, từ ngày 23/8 đến nay, TP Hồ Chí Minh test nhanh trên 1,4 triệu mẫu, trong đó phát hiện 54.498 mẫu dương tính với SARS-CoV-2 (tỷ lệ xấp xỉ dưới 3,5%). Trung bình mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh có 250-300 trường hợp tử vong do mắc COVID-19.

Trước ca nhiễm tăng trong khi bệnh viện quá tải, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã ban hành công văn số 6065/SYT-NVY về việc tiếp tục cập nhật “Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0” (phiên bản 1.5). Theo đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã bổ sung loại hình “Tổ COVID dựa vào cộng đồng” theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế và điều chỉnh danh mục thuốc chống đông dạng uống từ 3 loại xuống còn 2 loại.

Hà Nội chủ động nhiều phương án phòng, chống dịch

Chú thích ảnh
Áp dụng "Luồng xanh", không còn tình trạng ùn tắc tại chốt kiểm soát số 5, cầu Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN

Mặc dù số ca nhiễm không cao so với nhiều địa phương khác, tuy nhiên Hà Nội vẫn luôn cảnh giác và đặt ra nhiều phương án phòng, chống dịch. Theo đó, Hà Nội đã đặt mục tiêu xét nghiệm sàng lọc trong diện rộng với 200.000 mẫu, lập 2 kịch bản sau ngày 6/9, gồm:

Kịch bản 1: Khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại các quận, huyện, thị xã đã có nguy cơ cao từ trước, với các ca mắc tăng cao, phải thực hiện phong tỏa, trên cơ sở đó thành phố sẽ lấy 800.000 mẫu xét nghiệm tại các khu vực nguy cơ cao tại 12 quận, huyện.

Kịch bản 2: Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại các quận và một số khu vực của các huyện với các ca mắc lớn, phải thực hiện phong tỏa, trên cơ sở đó thành phố sẽ lấy 1,5 triệu mẫu xét nghiệm tại khu vực nguy cơ cao tại 12 quận; khu vực nguy cơ tại các huyện, thị xã.

Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết cũng đã xây dựng phương án huy động phương tiện vận tải dự phòng để chủ động ứng phó với các cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, sẽ huy động đủ số lượng, chủng loại phương tiện vận tải dự phòng đảm bảo phục vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu; trang thiết bị phục vụ y tế, mẫu sinh phẩm và oxy y tế; công dân đi cách ly và hết thời gian cách ly; bệnh nhân mắc COVID-19 theo yêu cầu của UBND thành phố, ứng phó với các cấp độ dịch.

Sở Giao thông Vận tải dự kiến huy động 2.163 xe (trong đó có 1.011 xe tải, 152 xe chở khách) và người lái của các doanh nghiệp vận tải vận tải, Hiệp hội vận tải, câu lạc bộ và cá nhân tự đăng ký, đồng thời chỉ định doanh nghiệp vận tải bố trí phương tiện, người lái trong tình huống khẩn cấp.

Đối với việc vận chuyển bệnh nhân F0 nặng cần thở oxy, khi số lượng xe cứu thương hiện có không đáp ứng đủ nhu cầu vận chuyển người bệnh, Sở Giao thông Vận tải sẽ dự phòng sẵn phương tiện chở khách từ 7 chỗ đến 16 chỗ ngồi phục vụ vận chuyển đối tượng này. Các phương tiện được tạm thời tháo ghế ngồi phía sau lái xe, lắp đặt vách ngăn giữa khoang lái xe với khoang chở bệnh nhân kèm theo các trang thiết bị y tế đi kèm (oxy y tế, thiết bị y tế di động...) để hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình di chuyển. Việc vận chuyển bệnh nhân F0 rất nặng cần thở máy xâm nhập, không xâm nhập, bệnh nhân nguy kịch và ECMO thì Sở Y tế sẽ sử dụng xe cứu thương chuyên dụng để chở bệnh nhân đi điều trị.

WHO trao tặng lô hàng vật tư y tế, hỗ trợ Việt Nam chống dịch COVID-19

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa trao lô vật tư y tế trị giá 413.451 USD hỗ trợ cho Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19, bao gồm: 36.000 khẩu trang phẫu thuật, 70.000 khẩu trang hô hấp độ lọc cao và 50 bộ hệ thống thở oxy dòng cao qua gọng mũi. Dự kiến, có thêm nhiều vật tư y tế cũng sẽ đến Việt Nam trong những ngày tới.

Chú thích ảnh
WHO trao tặng lô vật tư y tế cho Việt Nam, hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: BYT.

Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi hy vọng lô hàng vật tư y tế này sẽ giúp bảo vệ các cán bộ y tế và cứu tính mạng của các bệnh nhân. Các cán bộ y tế đã nỗ lực không ngừng nghỉ để chăm sóc bệnh nhân và chúng tôi xin tôn vinh sự đóng góp của họ. Bên cạnh những vật tư y tế này, WHO tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Chính phủ Việt Nam về chiến lược chung nhằm ứng phó đại dịch và chúng tôi luôn sẵn sàng cung cấp thêm hỗ trợ nếu cần”.

Tiến sĩ Kidong Park cũng nhấn mạnh cam kết của WHO trong việc hỗ trợ Chính phủ nhằm tăng cường cung cấp vaccine trong nước với tư cách là tổ chức đồng sáng lập Cơ chế COVAX, cùng với Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI), Gavi, Liên minh vaccine và UNICEF với tư cách là đối tác phân phối.

“Những vật tư này được WHO viện trợ và vận chuyển vào thời điểm quan trọng khi Chính phủ và nhân dân Việt Nam đang nỗ lực hết sức để kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Số trang thiết bị này sẽ được chuyển giao gấp vào Thành phố Hồ Chí Minh để phục vụ chống dịch khẩn cấp cho các tỉnh miền Nam. Việt Nam cũng mong đợi sự hỗ trợ kỹ thuật của WHO, đặc biệt trong nghiên cứu và phát triển các phương pháp điều trị và vaccine", Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết.

Bộ Y tế thông tin về tiến độ vaccine Nano Covax

Bộ Y tế vừa có thông tin về tiến độ triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ứng viên vaccine Nano Covax; ý kiến của Hội đồng Đạo đức về đề xuất xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện vaccine Nano Covax.

Chú thích ảnh
Tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax. Ảnh: TTXVN.

Cụ thể, để sớm trình xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện vaccine phục vụ phòng chống dịch trong tình hình hiện tại, Hội đồng Đạo đức thống nhất về việc sử dụng các kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tính đến thời điểm đánh giá kết quả giữa kỳ giai đoạn 3a, gửi cho Thường trực Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc để xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện vắc xin Nano Covax theo quy định.

Hội đồng Đạo đức đề nghị Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Dược Nanogen và nhóm nghiên cứu hoàn thiện báo cáo, cập nhật, bổ sung trực tiếp các kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax đồng thời với Hội đồng Đạo đức và Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, để thẩm định cuốn chiếu.

Trong trường hợp vaccine Nano Covax được cấp giấy đăng ký lưu hành, vaccine Nano Covax có thể chỉ được sử dụng có điều kiện theo số lượng và kế hoạch được Bộ Y tế phê duyệt, những người sử dụng vaccine này cần được theo dõi chặt chẽ về tính an toàn tương tự như với đối tượng nghiên cứu giai đoạn 3b. Hai Hội đồng sẽ nêu cụ thể các điều kiện để được tiếp tục hoặc dừng lưu hành khi đã có đủ dữ liệu về hiệu lực bảo vệ và tính an toàn của vaccine.

Về tiến độ triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ứng viên vaccine Nano Covax; vaccine được thử nghiệm lâm sàng gồm 3 giai đoạn. 

Giai đoạn 1: Trên 60 người tình nguyện từ 18 đến 50 tuổi, gồm 3 mức liều 25 mcg; 50cmcg và 75 mcg, mỗi mức liều có 20 người tham gia, kéo dài từ tháng 12/2020 đến tháng 7/2021, với mục tiêu đánh giá tính an toàn và thăm dò tính sinh miễn dịch của vaccine trên người tình nguyện.

Giai đoạn 2: Thử nghiệm trên 560 người tình nguyện từ 18 tuổi trở lên, gồm 4 nhóm (nhóm tiêm giả dược (placebo) 80 người; 3 nhóm tiêm vaccine với 3 mức liều 25 mcg; 50 mcg và 75 mcg, mỗi mức liều 160 người). Ngay khi có kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 1, Bộ Y tế đã phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, thời gian nghiên cứu từ tháng 2/2021 đến tháng 2/2022, với mục tiêu đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vaccine để chọn được liều tối ưu sử dụng trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Giai đoạn 3: Thử nghiệm với mức liều 25 mcg, trên 13.000 người tình nguyện từ 18 tuổi trở lên, chia thành pha 3a và pha 3b; mục tiêu nghiên cứu là đánh giá tính an toàn, đáp ứng sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ của ứng viên vaccine Nano Covax. Trong đó, pha 3a với 1.000 người, tỷ lệ nhóm vaccine/placebo là 6:1. Ngay khi có kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2, Bộ Y tế đã phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, thời gian nghiên cứu từ tháng 6/2021 đến tháng 2/2023, với mục tiêu đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vaccine. Pha 3b với 12.000 người, tỷ lệ nhóm vaccine/placebo là 2:1; thời gian nghiên cứu từ tháng 7/2021 đến tháng 2/2023, với mục tiêu đánh giá tính an toàn và hiệu lực bảo vệ của vaccine.

Hiện nay, ứng viên vaccine Nano Covax đang thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 2 của pha 3 và đã hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine cho 13.000 người tình nguyện của giai đoạn 3. Dự kiến, đến ngày 10/9/2021 sẽ hoàn thành các xét nghiệm đánh giá tính sinh miễn dịch sau 42 ngày tiêm vaccine mũi 1 của giai đoạn 3a.

Hải Yên/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Tổng hợp COVID-19 ngày 27/8: Ghi nhận 12.920 ca nhiễm mới; đẩy nhanh hơn nữa xét nghiệm sàng lọc
Tổng hợp COVID-19 ngày 27/8: Ghi nhận 12.920 ca nhiễm mới; đẩy nhanh hơn nữa xét nghiệm sàng lọc

Trong ngày 27/8, dư luận quan tâm đến các thông tin phòng chống dịch COVID-19 như: Thủ tướng yêu cầu Bình Dương lấy phường, xã, nhà máy là pháo đài chống dịch; Hội đồng Đạo đức đã thông qua kết quả thử nghiệm vaccine Nano Covax; Việt Nam ghi nhận 12.920 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; Kỷ luật hai Phó chủ tịch huyện ở Lâm Đồng do vi phạm quy định phòng, chống dịch…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN