Ngày 25/8, Việt Nam có 12.096 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, thêm 7.646 bệnh nhân khỏi bệnh
Từ 18 giờ ngày 24/8 đến 18 giờ ngày 25/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 12.096 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; cả ngày có 7.646 bệnh nhân khỏi bệnh.
Tính từ 18 giờ ngày 24/8 đến 18 giờ ngày 25/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 12.096 ca nhiễm mới, gôm 3 ca nhập cảnh và 12.093 ca ghi nhận trong nước tại: TP Hồ Chí Minh (5.294 ca), Bình Dương (4.129 ca), Đồng Nai (618 ca), Long An (460 ca), Tiền Giang (319 ca), Đà Nẵng (162 ca), Khánh Hòa (150 ca), Tây Ninh (119 ca), Bình Thuận (106 ca), Hà Nội (96 ca), Nghệ An (95 ca), Đồng Tháp (93 ca), Cần Thơ (90 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (75 ca), An Giang (50 ca), Đắk Lắk (40 ca), Cà Mau (28 ca), Phú Yên (27 ca), Trà Vinh (24 ca), Kiên Giang (23 ca), Bình Định (18 ca), Hà Tĩnh (15 ca), Quảng Nam (9 ca), Bạc Liêu (7 ca), Bình Phước (7 ca), Ninh Thuận (6 ca), Vĩnh Long (5 ca), Đắk Nông (5 ca), Sơn La (4 ca), Hậu Giang (4 ca), Sóc Trăng (4 ca), Thanh Hóa (3 ca), Bắc Ninh (3 ca), Thái Bình (2 ca), Quảng Ngãi (2 ca), Quảng Bình (1 ca). Trong đó có 7.321 ca trong cộng đồng.
Như vậy, trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.296 ca. Tại TP Hồ Chí Minh tăng 667 ca, Bình Dương tăng 501 ca, Đồng Nai giảm 181 ca, Long An tăng 67 ca, Tiền Giang tăng 226 ca.
Kể từ đầu vụ dịch đến nay, Việt Nam có 381.363 ca nhiễm, đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 168/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.879 ca nhiễm).
Riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 377.245 ca, trong đó có 167.147 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 7 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang.
Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ.
Có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là: TP Hồ Chí Minh (190.166 ca), Bình Dương (81.182 ca), Đồng Nai (19.728 ca), Long An (19.046 ca), Tiền Giang (8.155 ca).
Trong ngày 25/8, có 7.646 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Đến nay, đã có tổng số ca được điều trị khỏi là 169.921 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 749 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 27 ca.
Đà Nẵng tiếp tục áp dụng biện pháp 'ai ở đâu ở yên đấy' thêm 10 ngày
Từ 8 giờ ngày 26/8/2021 đến 8 giờ ngày 5/9/2021, thành phố Đà Nẵng tiếp tục áp dụng biện pháp “ai ở đâu ở yên đấy”, thực hiện các hoạt động quy định tại Quyết định số 2788/QĐ-UBND ngày 14/8/2021 của Chủ tịch UBND thành phố; đồng thời bổ sung, điều chỉnh một số hoạt động mà người dân được phép tham gia.
Cụ thể, thành phố được chia thành 3 vùng với mức độ nguy cơ dịch bệnh tương ứng để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp là vùng đỏ, vùng vàng và vùng xanh.
Những địa bàn có mức độ nguy cơ rất cao (vùng đỏ) là vùng cách ly tuyệt đối ít nhất 14 ngày; phải áp dụng biện pháp theo quy định tại Quyết định số 3986/QĐ-BYT ngày 16/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Công điện số 1168/CĐ-BYT ngày 7/8/2021 của Bộ Y tế về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để giảm mức độ nguy cơ.
Còn những địa bàn có mức độ nguy cơ và nguy cơ cao (gọi chung là vùng vàng) được áp dụng một số biện pháp nới lỏng hơn. Cụ thể, hoạt động của các công ty thương mại đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi (chuỗi siêu thị mini) được bố trí tối đa 100% số người làm việc.
Hoạt động tại cơ quan, công sở nhà nước tuân thủ các điều kiện sau: tiếp tục bố trí tối đa 10% số người làm việc (trừ lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch như công an, quân đội, y tế, ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp) và thực hiện “3 tại chỗ”. Trong trường hợp cần thiết phải thay đổi người làm việc, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định và thực hiện từ 7 giờ đến 9 giờ ngày 26/8/2021. Người đi làm phải có kết quả xét nghiệm định kỳ âm tính với SARS-CoV-2 theo quy định và đã được tiêm vaccine phòng COVID-19...
Các nhà máy, cơ sở sản xuất hoạt động phải thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch; bố trí tối đa 30% số người làm việc; đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ”. Trong trường hợp cần thiết phải thay đổi người làm việc, Giám đốc, chủ cơ sở, nhà máy sản xuất quyết định và thực hiện việc thay đổi này từ 5 giờ đến 9 giờ ngày 26/8/2021.
Đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp dừng hoạt động trong thời gian thực hiện Quyết định này thì được bố trí tối đa 3 người/đơn vị để xử lý công việc cần thiết liên quan đến thủ tục hành chính, tài chính.
Các công trình xây dựng trọng điểm được phép hoạt động theo danh mục do Chủ tịch UBND thành phố quyết định thì chủ đầu tư, nhà thầu phải đảm bảo điều kiện thực hiện “3 tại chỗ”.
Những người tham gia hoạt động giao nhận hàng hóa thuộc các đơn vị cung ứng hàng hóa và người giao hàng công nghệ (gọi chung là shipper) hoạt động từ 6 giờ đến 20 giờ hàng ngày. Các shipper đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19, xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ 3 ngày/lần bằng phương pháp RT-PCR. Các shipper phải thực hiện nghiêm 5K; thường xuyên mặc trang phục bảo hộ, khẩu trang đạt chuẩn, kính chống giọt bắn, găng tay và khử khuẩn tay bằng nước sát khuẩn mang theo khi tham gia hoạt động...
Những địa bàn có mức độ nguy cơ thấp (vùng xanh) sẽ do Chủ tịch UBND quận, huyện quyết định thiết lập khi 14 ngày liên tục không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Vùng xanh sẽ được áp dụng các biện pháp theo quy định tại Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 30/7/2021 của Chủ tịch UBND thành phố. Trường hợp phát sinh ca mắc COVID-19, căn cứ hướng dẫn của ngành y tế, quyết định chuyển sang vùng vàng hoặc vùng đỏ và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng. Vùng xanh sẽ được bảo vệ, không để có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.
Nhiều địa phương kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16
Ngày 25/8, tỉnh An Giang đã có quyết định tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên phạm vi 7/11 huyện, thành phố, gồm: Long Xuyên, Châu Đốc, Châu Thành, Châu Phú, An Phú, Chợ Mới và Thoại Sơn từ 0 giờ ngày 26/8 đến hết ngày 5/9.
Tỉnh cũng áp dụng Chỉ thị số 15/CT-TTg kể từ 0 giờ ngày 26/8 đến hết ngày 5/9 đối với các huyện Phú Tân, Tri Tôn, Tịnh Biên và thị xã Tân Châu.
Tại Bình Thuận, chiều 25/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận có văn bản gửi Ủy ban nhân dân thị xã La Gi và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn thị xã La Gi theo Chỉ thị số 16/CT-TTg với các biện pháp tăng cường cao hơn, bắt đầu từ 00 giờ ngày 27/8 đến hết ngày 2/9.
Tại Thanh Hoá, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã ký Quyết định số 3281 về việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg để phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn toàn huyện Nông Cống trong vòng 15 ngày, kể từ 16 giờ ngày 25/8/2021.
Tại Quảng Bình, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo thiết lập vùng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg đối với một số khu vực trên địa bàn 3 huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa, Quảng Ninh và thành phố Đồng Hới; quyết định áp dụng thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg đối với địa bàn toàn tỉnh (trừ các địa bàn áp dụng Chỉ thị 16), thời gian triển khai thực hiện trong 14 ngày, từ 19 giờ ngày 25/8.
Combo "đi chợ hộ" nhiều mức giá nhưng hạn chế chủng loại hàng hóa
Sau 3 ngày tăng cường biện pháp giãn cách xã hội với tinh thần "ai ở đâu ở yên đó", đến ngày 25/8, hầu hết các địa phương đã triển khai và gửi đến người dân combo "đi chợ hộ" với nhiều mức giá khác nhau và những đơn hàng đầu tiên cũng đã được giao đến nhà dân tại TP Hồ Chí Minh.
Thống kê của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, trong ngày 24/8, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 74.033 hộ dân đã đăng ký mua hàng hóa tiêu dùng thiết yếu thông qua lực lượng "đi chợ hộ" tại thành phố Thủ Đức và các quận, huyện.
Còn báo cáo nhanh của phòng kinh tế thành phố Thủ Đức và các quận, huyện cũng cho thấy, lượng đơn hàng "đi chợ hộ" trên toàn TP Hồ Chí Minh đã tăng 50.385 hộ dân, đạt khoảng 46,9% so với ngày 23/8. Tuy nhiên, nếu tính trên tổng số 2.183.247 hộ dân đang sinh sống làm việc tại TP Hồ Chí Minh thì số lượng đơn hàng còn khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 4%.
Tuy vậy, một số người dân cho rằng, một số combo "đi chợ hộ" vẫn còn hạn chế chủng loại hàng hóa, chưa đáp ứng hết nhu cầu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu hàng ngày.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, anh Quốc Việt, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho hay, combo "đi chợ hộ" của chính quyền địa phương cung cấp mới dừng lại ở việc phục vụ bữa ăn hàng ngày của người dân, tập trung vào nhóm ngành hàng lương thực, thực phẩm tươi sống... Trong khi đó, nhiều gia đình có nhu cầu tiêu dùng thêm những mặt hàng nhu yếu phẩm như: giấy vệ sinh, bột giặt, muối, tương ớt, trái cây...
Hà Nội phong toả chung cư CT8C khu đô thị Dương Nội vì có ca mắc COVID-19
Quận Hà Đông (Hà Nội) đã quyết định phong toả tạm thời toà nhà chung cư CT8C vì ghi nhận 1 ca mắc COVID-19 tại tầng 19.
Ngày 25/8, ông Nguyễn Bá Tiến, Chủ tịch UBND phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông đã ký Thông báo số 208/TB-UBND về việc tạm thời phong toả khu vực có ca mắc COVID-19.
Theo đó, toà nhà chung cư CT8C (thuộc khu đô thị Dương Nội, phường Yên Nghĩa) bị phong toả từ 11 giờ ngày 25/8/2021 để lấy mẫu xét nghiệm và truy vết các trường hợp có liên quan.
Theo UBND phường Yên Nghĩa, những trường hợp khẩn cấp cư dân cần ra ngoài phải được sự đồng ý của Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 phường Yên Nghĩa.
Khẩn trương xuất cấp hơn 15.350 tấn gạo dự trữ cho TP Hồ Chí Minh và Long An
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh, thành phố để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, Tổng cục Dự trữ Nhà nước vừa ban hành Quyết định số 521/QĐ-TCDT về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho TP Hồ Chí Minh và tỉnh Long An để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước giao Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện xuất cấp không thu tiền 15.356,29 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia, vận chuyển, giao gạo tại trung tâm quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo kế hoạch phân bổ, tiếp nhận của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Trong số đó, xuất hỗ trợ đợt 1 cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh 14.549,29 tấn gạo và xuất hỗ trợ cho người dân tỉnh Long An là 807 tấn gạo.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước yêu cầu Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành giao nhận gạo đến hết ngày 10/9/2021.
Chi tiền triệu tiêm vaccine 'thần tốc': Đình chỉ cán bộ phường có liên quan
Quận Ba Đình (Hà Nội) đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với bà N. T. C để xem xét, xử lý kỷ luật; cơ quan Công an cũng đã vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc.
Sáng 25/8, ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình đã ký Quyết định số 1969/QĐ-UBND về việc đình chỉ công tác đối với công chức phường.
Theo đó, bà N. T. C (sinh năm 1993), hiện đang là công chức văn phòng - thống kê, làm việc tại UBND phường Vĩnh Phúc bị đình chỉ công tác 15 ngày (từ ngày 24/8/2021). Lý do đình chỉ công tác với bà C. là để xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định.
Trước đó, báo chí phản ánh tình trạng tiêm vaccine "thần tốc" tại phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình. Người dân nếu bỏ một khoản phí nhất định "bồi dưỡng" cho một số trường hợp tại phường, sẽ không phải chờ đợi và được hưởng đặc quyền "nay đặt lịch, mai tiêm luôn".
Để tiêm vaccine COVID-19 "thần tốc", mỗi người phải đóng một khoản tiền cho người phụ nữ trên. Sau khi nhận tiền "bồi dưỡng", người này sẽ sắp xếp giấy hẹn và lịch tiêm nhanh chóng. Những người ngoài địa bàn được nữ cán bộ trên "gắn" vào các công ty, đơn vị kinh doanh trên địa bàn để "hợp thức hóa".