Thủ tướng yêu cầu Bình Dương lấy phường, xã, nhà máy là pháo đài chống dịch
Trưa 27/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Dương để bàn các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị lãnh đạo tỉnh Bình Dương, từ cấp huyện, đến cấp xã, phường phải nhất quán; đặc biệt đề nghị các đồng chí ở cấp xã, phường tiếp thu tinh thần chỉ đạo để thực hiện cho tốt, hiệu quả. Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh Bình Dương trong quá trình tổ chức về phòng, chống dịch COVID-19 trong suốt hơn 1 năm qua.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương sự đóng góp của cộng đồng nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua để phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời đánh giá cao sự vào cuộc ủng hộ, tham gia của nhân dân và doanh nghiệp trong vai trò rất lớn phòng, chống dịch thời gian qua.
Thủ tướng đánh giá công tác phòng, chống dịch của Bình Dương cũng đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể, có 4 huyện phía Bắc của tỉnh thiết lập được “vùng xanh” an toàn và hai huyện “vùng vàng”. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 3 địa phương “vùng đỏ”, đặc biệt là 15 phường còn diễn biến dịch rất phức tạp. Do đó, từ bài học rút ra để tập trung cho 15 phường đang “khóa chặt” để làm quyết liệt hơn. Mục tiêu chung là kiểm soát được dịch nhanh hơn, sớm nhất có thể và phấn đấu 15/9 này đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường để thực hiện 2 mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bình Dương lấy phường, xã, nhà máy, xí nghiệp là pháo đài, người dân là chiến sỹ; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân. Lấy người dân làm trung tâm để phục vụ trong phòng, chống dịch, nhưng dân cũng là chủ thể tham gia chống dịch. Theo đó, mỗi pháo đài phải vận động, kêu gọi, huy động người dân thực hiện nghiêm việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và tăng cường giãn cách xã hội theo Công điện 1099 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời kêu gọi toàn dân hiểu tham gia chống dịch vừa trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của mỗi người dân, bảo vệ sức khỏe của chính mình, của gia đình và góp phần bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Long An
Ngày 27/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Long An.
việc với lãnh đạo tỉnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Long An tập trung đẩy nhanh hơn nữa xét nghiệm sàng lọc để sớm "làm sạch" các vùng dịch, cố gắng chăm sóc tốt những hộ dân trong khu phong tỏa, khu nhà trọ, không để ai phải thiếu thốn. Đồng thời, tỉnh phải chuẩn bị kế hoạch, phương án kỹ lưỡng để phục hồi sản xuất đối với những vùng đã an toàn.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần bảo đảm đáp ứng đủ lương thực, thực phẩm cho người dân; cần thực hiện chiến lược lấy xã, phường làm pháo đài và đưa dịch vụ y tế tới nhanh hơn, gần với người dân hơn, tăng cường điều trị tại phường, xã để giảm tải cho tuyến trên.
Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ tỉnh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, tiếp tục hỗ trợ kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng để đảm bảo đủ nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn đến cuối năm 2021; hỗ trợ nhân sự có chuyên môn về y tế giúp điều trị bệnh nhân COVID-19; hỗ trợ 2,1 triệu test xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 và 300.000 kit xét nghiệm PCR để phục vụ xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 diện rộng; tiếp tục phân bổ vaccine để tiêm phòng cho người dân…
Hội đồng Đạo đức đã thông qua kết quả thử nghiệm vaccine Nano Covax
Đại diện Học viện Quân y cho biết, Hội đồng Đạo đức vừa chấp thuận kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3a đối với vaccine phòng COVID-19 Nano Covax; tiếp tục được xem xét để cấp phép khẩn cấp.
Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia vừa chấp thuận kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3a đối với vaccine phòng COVID-19 Nano Covax do Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen phối hợp với Học viện Quân y nghiên cứu và sản xuất.
Theo đó, bước tiếp theo, hồ sơ và dữ liệu nghiên cứu của vaccine Nano Covax sẽ được chuyển sang Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế) để họp xem xét cấp phép sau khi Hội đồng Đạo đức có biên bản nghiệm thu kết quả thử nghiệm.
Trước đó, Hội đồng Đạo đức đã họp, thẩm định báo cáo giữa kỳ giai đoạn 3a thử nghiệm lâm sàng của vaccine Nano Covax, đánh giá về tính an toàn và tính sinh miễn dịch.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu cho thấy, giai đoạn 3a thử nghiệm trên 1.004 tình nguyện viên, những người đã được tiêm 2 mũi cách nhau 28 ngày có kết quả đạt yêu cầu về tính an toàn. Khả năng trung hòa virus sống của vaccine tại thời điểm ngày thứ 42 (14 ngày sau tiêm mũi 2) là 96,5%.
Ngày 27/8, Việt Nam ghi nhận 12.920 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, đã có 10.126 ca khỏi bệnh
Từ 18 giờ ngày 26/8 đến 18 giờ ngày 27/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 12.920 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; cả ngày có 10.126 ca khỏi bệnh. Trong đó có 6.627 ca trong cộng đồng.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 410.366 ca nhiễm, đứng thứ 63/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 166/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.174 ca nhiễm).
Riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 406.233 ca, trong đó có 195.840 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 8 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Kon Tum.
Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 10.053 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,3% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Trong ngày 26/8, cả nước có 298.212 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 18.843.004 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 16.607.991 liều, tiêm mũi 2 là 2.235.013 liều.
Hỗ trợ trực tiếp cho khoảng 2,12 triệu lao động khó khăn với số tiền gần 3.290 tỷ đồng
Theo Bộ LĐTBXH, đến nay các Bộ, ngành và địa phương tích cực, chủ động triển khai Nghị quyết số 68, Quyết định số 23; ban hành đầy đủ các kế hoạch, quyết định và văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện, phân công cụ thể trách nhiệm của các cấp, các ngành, trong đó phát huy, đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp cơ sở.
Tổng hợp 3 nhóm chính sách các Bộ ngành, địa phương đã hỗ trợ đến ngày 25/8 cho thấy: Nhóm chính sách về bảo hiểm đã hỗ trợ cho trên 11,38 triệu người lao động, gần 375.500 người sử dụng lao động với số tiền trên 4.610 tỷ đồng. Nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động đã hỗ trợ được khoảng 2,12 triệu người lao động với số tiền gần 3.290 tỷ đồng. Nhóm chính sách cho doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, đến nay đã cho vay 185,5 tỷ đồng, với 353 người sử dụng lao động và 53.581 lượt người lao động được hỗ trợ. Tổng cộng đã hỗ trợ cho trên 13,5 triệu người lao động và đối tượng đặc thù với kinh phí trên 8.000 tỷ đồng.
TP Hồ Chí Minh test nhanh hơn 1,1 triệu mẫu phát hiện 42.400 người dương tính
Tại cuộc họp báo về tình hình dịch COVID-19 chiều 27/8, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 23/8 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã test nhanh 1.117.000 mẫu cho người dân "vùng đỏ" và "vùng cam" đã phát hiện 42.400 người dương tính với SARS-CoV-2.
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh, từ 18 giờ ngày 25/8 đến 18 giờ ngày 26/8, TP Hồ Chí Minh đã lấy 377.390 mẫu test nhanh SARS-CoV-2, trong đó có 8.578 mẫu đơn và 6.620 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 350.947 mẫu.
Tính từ ngày 23/8 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện xét nghiệm nhanh 1.117.000 mẫu cho người dân "vùng đỏ" và "vùng cam", qua đó phát hiện 42.400 người có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, những trường hợp có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với SARS- CoV-2 sẽ được lấy mẫu đơn để xét nghiệm lại bằng phương pháp RT-PCR. Tại một số quận, huyện thuộc "vùng đỏ", "vùng cam", việc test nhanh đã thực hiện ở vòng thứ 2. Trung bình 1 vòng xét nghiệm ở khu vực nguy cơ kéo dài khoảng 2-3 ngày.
Kỷ luật hai Phó chủ tịch huyện ở Lâm Đồng do vi phạm quy định phòng, chống dịch
Ngày 27/8, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký các quyết định về việc kỷ luật 2 Phó Chủ tịch của 2 huyện Lâm Hà và Di Linh, do vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể theo Quyết định số 2214/QĐ-UBND, ông Đinh Đức Chí, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo. Tương tự, tại Quyết định số 2215, ông Vũ Đức Nhuần, Phó chủ tịch UBND huyện Di Linh cũng bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo. Thời gian thi hành kỷ luật của 2 ông Chí và Nhuần là 12 tháng kể từ ngày ký quyết định.
Hai ông Chí và Nhuần bị kỷ luật bởi các chốt kiểm dịch của 2 huyện Lâm Hà và Di Linh đã đồng ý cho một đoàn qua chốt không đúng qui định.
Sau vụ việc này, ngày 24/8/2021 Chủ tịch UBND huyện Di Linh Trần Đức Công cũng đã ra Quyết định số 2910/QĐ-UBND về việc thay đổi Chốt trưởng và Chốt phó thuộc Tổ công tác liên ngành thực hiện nhiệm vụ tại Chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại xã Đinh Trang thượng, huyện Di Linh.
Đình chỉ chức vụ Chủ tịch UBND xã vì để người dân tổ chức "đám tang đông người"
Chiều 27/8, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng (Hà Nội) Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, huyện vừa có quyết định đình chỉ chức vụ đối với ông Trần Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã Thọ An để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm liên quan đến việc để xảy ra việc người dân tổ chức đám tang với đông người tham gia trên địa bàn.
Trước đó, người dân đã quay clip, chụp ảnh về việc hàng trăm người đã đi đám tang tại Cụm dân cư số 4, xã Thọ An, phản ánh lên chính quyền. Việc tập trung đông người như vậy là trái quy định về giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về phòng, chống dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Hữu Hoàng cho biết thêm, sau khi kiểm tra thực tế, huyện thấy nghi lễ đám tang tổ chức trong phạm vi gia đình là đúng, tuy nhiên, người nhà đi dự đám tang đã đông hơn so với quy định. Ngoài ra, có tình trạng tập trung đông người ở ngoài đường, trong đó có nhiều người đi đường hiếu kỳ dừng lại xem. Để xảy ra sự việc này là do chính quyền xã chưa sâu sát, vẫn còn tư tưởng nể nang trong việc hiếu, việc tang.