Theo Bộ LĐTBXH, đến nay các Bộ, ngành và địa phương tích cực, chủ động triển khai Nghị quyết số 68, Quyết định số 23; ban hành đầy đủ các kế hoạch, quyết định và văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện, phân công cụ thể trách nhiệm của các cấp, các ngành, trong đó phát huy, đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp cơ sở.
Nhiều địa phương đã chủ động sáng tạo và mở rộng các đối tượng như Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội... Trong đó, TP Hồ Chí Minh đã triển khai xong gói hỗ trợ đợt 1 và đang triển khai gói hỗ trợ đợt 2, đặc biệt địa phương đã triển khai mô hình "túi an sinh xã hội", đảm bảo người dân có mức sống tối thiểu, không bị thiếu đói. TP Hồ Chí Minh đã chi trả hỗ trợ hơn 3.000 tỷ đồng và triển khai 1,8 triệu gói an sinh xã hội, trong đó có trên 500 nghìn người lao động tự do đã được hỗ trợ.
Tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, lương thực, thực phẩm cho người lao động, mở rộng đối tượng người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng nhưng chưa tham gia bảo hiểm xã hội, vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ. Tại một số địa phương còn mở rộng chính sách hỗ trợ bằng nguồn ngân sách địa phương cho các đối tượng khác ngoài quy định của Nghị quyết số 68, Quyết định số 23 như thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ninh. Nhiều địa phương đã xây dựng và triển khai kế hoạch, phương án đón người dân sinh sống, học tập và làm việc tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai trở về quê hương nhằm giảm áp lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương này; hoặc có biện pháp hỗ trợ để người lao động an tâm ở lại theo phương châm "ai ở đâu ở đấy".
Nhiều hình thức hỗ trợ rất sáng tạo đã được triển khai như: ATM gạo, rau, siêu thị 0 đồng, xe hàng 0 đồng, siêu thị hạnh phúc, chuyến xe hạnh phúc, triệu bữa cơm... đã góp phần tương trợ, san sẻ yêu thương cho cộng đồng và những người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…
Tổng hợp 3 nhóm chính sách các Bộ ngành, địa phương đã hỗ trợ đến ngày 25/8 cho thấy: Nhóm chính sách về bảo hiểm đã hỗ trợ cho trên 11,38 triệu người lao động, gần 375.500 người sử dụng lao động với số tiền trên 4.610 tỷ đồng. Nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động đã hỗ trợ được khoảng 2,12 triệu người lao động với số tiền gần 3.290 tỷ đồng. Nhóm chính sách cho doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, đến nay đã cho vay 185,5 tỷ đồng, với 353 người sử dụng lao động và 53.581 lượt người lao động được hỗ trợ. Tổng cộng đã hỗ trợ cho trên 13,5 triệu người lao động và đối tượng đặc thù với kinh phí trên 8.000 tỷ đồng.
Về công tác triển khai Nghị quyết 68 và Qquyết định 23, Bộ LĐTBXH đề nghị các địa phương tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ liên quan đến người lao động, lao động tự do và người yếu thế. Bên cạnh những nhiệm vụ cấp thiết hiện nay như giãn cách xã hội, xét nghiệm diện rộng thì các địa phương cần xác định an sinh xã hôi là nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên. Các địa phương rà soát lại ngay toàn bộ tiến độ triển khai 12 chính sách theo Nghị quyết 68 để đánh giá những điểm được, chưa được của mỗi chính sách, tìm ra nguyên nhân và từ đó vận dụng để triển khai.