Thích ứng chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

Ngày 26/8, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Đại sứ quán Đức, Văn phòng GIZ - TVET tổ chức hội thảo trực tuyến “Giáo dục nghề nghiệp ứng phó với dịch COVID -19: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam” trong khuôn khổ Chương trình đổi mới giáo dục nghề nghiệp Việt Nam.

Chú thích ảnh
Hội thảo trực tuyến về đổi mới giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam.

Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Dịch COVID-19 đang tác động lớn đến hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và chưa xác định thời gian hoạt động trở lại. Để hỗ trợ hệ thống giáo dục nghề nghiệp, trong năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh, cơ sở GDNN và đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để có thể thích ứng và chuyển đổi nghề nghiệp trong bối cảnh thế giới việc làm đang thay đổi cũng như hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, doanh nghiệp, người sử dụng lao động gặp khó khăn, phải thay đổi cơ cấu, công nghệ sản xuất.

Tổng cục GDNN cũng ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn các Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), cơ sở GDNN tổ chức các hoạt động; hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở GDNN trong quá trình triển khai hoạt động đào tạo theo hình thức trực tuyến.

Chia sẻ tại hội thảo trực tuyến, bà Ewa Filipiak, Giám đốc Hợp tác quốc tế (Hiệp hội các trường cao đẳng công lập Australia) cho biết: Dịch COVID-19 cũng khiến việc học nghề tại Austraylia phải chia từng nhóm ngành nghề học trực tuyến kết hợp trực tiếp. Rất nhiều giảng viên chưa có kinh nghiệm trước đây về giảng dạy trực tuyến hoặc kết hợp, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại. Do đó, để cải thiện chất lượng học nghề trong giai đoạn này thì nâng cao năng lực cho giảng viên về giảng dạy trực tuyến.

Còn ông Jonathan Ledger, chuyên gia tư vấn cho Chính phủ Anh cho biết: Với học nghề vai trò kỹ năng nghề chiếm vai trò quan trọng khi phải sử dụng các công nghệ tiên tiến như thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality - AR) và thực tế ảo (Virtual Reality - VR) và Robot từ xa để mô phỏng môi trường làm việc thực tế để nâng cao hiệu quả kỹ năng.

Tuy nhiên, đối với một hệ thống GDNN còn nhiều bất cập, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới thực tại và tương lai việc làm và việc bắt buộc phải chuyển đổi phương thức đào tạo từ trực tiếp sang trực tuyến chắc chắn sẽ là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam.

"Do đó, những thông tin, bài học kinh nghiệm từ hội thảo này sẽ giúp đưa ra các khuyến nghị để Việt Nam bổ sung, hoàn thiện chính sách và giải pháp ứng phó nhằm khắc phục các khó khăn mà hệ thống GDNN Việt Nam đang gặp phải hiện nay và trong thời gian tới. Có thể nhận thấy chuyển đổi số là tất yếu. Dịch COVID-19 nhìn ở chiều ngược lại đang thúc đẩy nhanh chuyển đổi số, trong đó có lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Rõ ràng phải có đề án chuyển đổi số và kế hoạch tổng thể hơn và hoàn thiện cơ bản. Tuy nhiên, đề án này sẽ lấy ý kiến chuyên gia và chính các trường, nhà giáo góp ý trước khi triển khai nhân rộng”, ông Trương Anh Dũng cho biết.

XM/Báo Tin tức
Khởi động cuộc thi sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2021
Khởi động cuộc thi sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2021

Cuộc thi sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2021 chính thức bắt đầu với vòng “Khởi động” được tổ chức vào ngày 9/10/2021 dưới hình thức thi trực tuyến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN