Những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 kéo dài khiến doanh nghiệp phải triển khai làm việc từ xa và tạo ra không ít rào cản do phải chuyển sang thích ứng. Từ quy mô, loại hình mà các doanh nghiệp đang có kế hoạch ngắn hạn đến dài hạn đối với loại hình làm việc từ xa để từ đó quyết định đầu tư về công nghệ số để duy trì thông tin, tương tác với khách hàng.
Trong 7 tháng đầu năm, dưới tác động của dịch bệnh, trên Cổng Thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã có 79.673 doanh nghiệp Việt Nam thông báo tạm dừng kinh doanh, giải thể, phá sản. Con số này chiếm gần 10% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam. Tình trạng doanh nghiệp phải cầm cự, lâm vào cảnh khó khăn cũng gia tăng.
Khảo sát nhanh gần 400 doanh nghiệp do FPT tiến hành cho thấy, 3 khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp tại thời điểm này là năng suất suy giảm khi làm việc từ xa (43%); Ùn ứ giấy tờ, hóa đơn, hợp đồng khi làm việc từ xa (20%) và Gián đoạn liên lạc, trao đổi công việc (13%). Để giải quyết những khó khăn này, có tới 94% doanh nghiệp khẳng định sẵn sàng đầu tư cho việc số hóa các hoạt động như quản lý nhân sự, văn phòng không giấy tờ.
Hiện Nhà nước, nhiều địa phương và doanh nghiệp đang tích cực để tìm ra giải pháp duy trì hoạt động kinh doanh. Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, doanh nghiệp cũng giống như một thực thể sống do đó cũng chịu những tác động của COVID-19 giống như con người có nguy cơ nhiễm bệnh, trở nặng và phá sản. Do đó, với mong muốn tăng cường "oxy", tạo một "tấm khiên" chống đỡ trước những nguy cơ mà dịch bệnh đã tạo ra với doanh nghiệp như: Nguồn cầu giảm sút, thiếu hụt nguồn tiền, duy trì kênh tương tác với khách hàng, đứt đoạn giao tiếp...
Ông Hà Đỗ Thanh Nam, Giám đốc vận hành thẻ, ngân hàng số Vietbank, cho biết: Khi thực hiện giãn cách, ngân hàng phải cho 50% nhân viên làm việc từ xa. Điều này khiến hoạt động của đơn vị giảm hiệu quả do nhiều nhân viên không có đủ trang thiết bị làm việc trực tuyến. Việc tương tác giữa các phòng ban, ký kết giấy tờ gặp nhiều khó khăn.
Để thích ứng, ông Hà Đỗ Thanh Nam cho biết: "Đơn vị phải tìm mọi cách tương tác với khách hàng qua các kênh như Zalo, Facebook, mail. Tuy nhiên, gọi điện thoại di động vẫn là phương pháp chủ yếu. Phương pháp này khá tốn kém và khiến chi phí tăng cao".
Trong khi đó, MED Group là đơn vị trong lĩnh vực y tế, lại gặp những khó khăn khi tiếp nhận khối lượng công việc lớn giữa đại dịch do số lượng khách hàng tăng gấp 5 lần bình thường. Bài toán đặt ra cho doanh nghiệp là vừa đảm bảo vận hành thông suốt, hiệu quả đồng thời phải đảm bảo an toàn cho nhân viên làm việc.
Ông Nguyễn Trí Anh, Tổng giám đốc MED-GROUP, cho biết: "Lượng khách hàng tăng cao đặt ra yêu cầu việc phân bổ nhân lực vừa đảm bảo kinh doanh hiệu quả vừa đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch là một thách thức lớn. Ở thời điểm hiện tại, MED Group phải huy động 100% nhân lực làm việc để chống dịch. Áp dụng công nghệ thông tin, quản lý ứng dụng là giải pháp để tối ưu hóa".
Trước những ảnh hưởng dịch COVID-19 đến việc vận hành, hoạt động, nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới. Đây là giải pháp giúp doanh nghiệp hoạt động liên tục, đảm bảo yêu cầu chống dịch. Nhận định chuyển đổi số là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, Công ty Cổ phần Chuỗi thực phẩm TH đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, với quy trình khép kín từ khâu trồng cỏ, chăn nuôi đến quản lý đàn bò và chế biến, phân phối sữa. Ngoài hệ thống quản lý chất lượng, TH còn áp dụng hệ thống quản trị công ty ERP - SAP.
Còn tại Vietbank, từ 2019, lãnh đạo ngân hàng có kế hoạch cho việc chuyển đổi số vào năm 2025. Tuy nhiên, dịch bệnh xuất hiện buộc ngân hàng phải đẩy nhanh quá trình này. Vietbank đã xây dựng một ứng dụng riêng cho ngân hàng để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ông Hà Đỗ Thanh Nam, Giám đốc vận hành thẻ, ngân hàng số Vietbank cho biết: "Ứng dụng không thể thay thế hoàn toàn ngân hàng truyền thống nhưng vẫn có thể đảm bảo tất cả nhu cầu của khách hàng. Ngân hàng cũng liên kết với các sàn thương mại điện tử để khách hàng không cần trực tiếp đến điểm giao dịch, vẫn có thể mua hàng trực tuyến giữa lúc giãn cách".
Từ thực tế khảo sát của doanh nghiệp, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ FPT cho biết: "Đứng trước những bài toán mà doanh nghiệp đang gặp phải, FPT đã xây dựng chương trình FPT eCovax làm việc từ xa đảm bảo không tiếp xúc, không gián đoạn. Doanh nghiệp hoàn toàn chủ động trong vận hành công việc".
Mô hình “doanh nghiệp xanh” đang được nhiều đơn vị triển khai áp dụng các tiêu chí như lao động được tiêm đủ vắc xin, duy trì 5K trong sản xuất, vận hành và giao tiếp; áp dụng các công cụ, công nghệ để trong mọi tình huống duy trì hoạt động từ xa đạt hiệu quả.
Theo đại diện Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong thời gian qua, một số doanh nghiệp công nghệ thông tin đã cho nhiều giải pháp, nền tảng cung cấp cho doanh nghiệp để làm việc từ xa. Dịch COVID-19 đang thúc đẩy doanh nghiệp triển khai nhanh ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, đây không chỉ là giải pháp tạm thời mà được doanh nghiệp coi là giải pháp chiến lược trong thời gian tới.