Tổng hợp COVID-19 ngày 26/2: Cả nước có gần 78.000 ca nhiễm mới; Mạng lưới thầy thuốc mở thêm kênh hỗ trợ trẻ F0

Ngày 26/2, Việt Nam ghi nhận 77.982 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, Hà Nội cao nhất cả nước. Đáng chú ý, tỷ lệ trẻ em dưới 12 tuổi mắc COVID-19 ngày càng tăng. Theo đó, Mạng lưới thầy thuốc đồng hành mở kênh tiếp nhận thông tin và hỗ trợ các bệnh nhi mắc COVID-19 từ 12 tuổi trở xuống.

Hà Nội vượt mốc 10.000 ca trong ngày

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh: TTXVN

Trong số 77.982 ca nhiễm mới, có 12 ca nhập cảnh và 77.970 ca ghi nhận trong nước (giảm 804 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 64.285 ca trong cộng đồng).

Hà Nội vẫn đứng đầu cả nước về số ca mắc mới trong ngày và vượt mốc 10.000 ca (10.783), tiếp đến là Nghệ An (3.985), Vĩnh Phúc (2.995), Hưng Yên (2.962), Tuyên Quang (2.737), Phú Thọ (2.696), Nam Định (2.654), Quảng Ninh (2.559), Hải Dương (2.534), Hòa Bình (2.373), Sơn La (2.136), TP. Hồ Chí Minh (2.069), Ninh Bình (2.063), Bắc Ninh (2.041), Hải Phòng (2.025)…

Ngày 26/2/2022, Sở Y tế Thái Nguyên đăng ký bổ sung 20.894 ca nhiễm COVID-19 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin tại Thái Nguyên.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Bắc Giang (giảm 1.565 ca), Lạng Sơn (giảm 1.046 ca), Phú Yên (giảm 777 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Nghệ An (tăng 1.561 ca), Hà Nội (tăng 947 ca), Vĩnh Phúc (tăng 628 ca).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 62.304 ca/ngày.

Như vậy, đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.211.849 ca, trong đó có 2.373.229 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (530.334), Bình Dương (296.256), Hà Nội (247.583), Đồng Nai (101.051), Tây Ninh (89.934).

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 20.427 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.376.046 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.979 ca.

Từ 17 giờ 30 phút ngày 25/2 đến 17 giờ 30 ngày 26/2, cả nước ghi nhận 88 ca tử vong.

Trung bình, số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 90 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.050 ca, chiếm tỷ lệ 1,2% so với tổng số ca nhiễm.

Trong ngày 25/2, cả nước có 384.509 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 193.274.685 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.754.959 liều gồm: Mũi 1 là 8.620.942 liều; mũi 2 là 8.134.017 liều.

Bộ Y tế vừa ban hành Công văn số 913/BYT-TB-CT về việc đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19, tổ chức tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành trong Quý I năm 2022; tiêm mũi thứ 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, hoàn thành trong tháng 2 năm 2022; chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vaccine.

Hải Dương: 3.493 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh trong ngày

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương, ngày 26/2, tỉnh này đã có 3.493 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh và ra viện. Trong ngày, Hải Dương cũng ghi nhận thêm 3 bệnh nhân COVID-19 tử vong. Đến nay, Hải Dương đã có 61 trường hợp tử vong có mắc COVID-19.

Từ ngày 12/10/2021 đến nay, Hải Dương đã ghi nhận 48.916 trường hợp mắc COVID-19; riêng ngày 26/2, Hải Dương ghi nhận 22.534 trường hợp mắc COVID-19.

Với số lượng người mắc COVID-19 tăng nhanh, Sở Y tế Hải Dương đã có hướng dẫn cụ thể đối với việc cách ly y tế đối với các ca bệnh COVID-19 và các trường hợp tiếp xúc gần.

Quảng Ninh cho học sinh tiểu học quay lại học trực tuyến từ ngày 28/2

Từ ngày 28/2, học sinh tiểu học tiếp tục học trực tuyến, trẻ mầm non nghỉ học. Đây là thông báo mới nhất của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh tại văn bản số 523/SGĐT-VP ngày 25/2/2022 chỉ đạo các cơ sở giáo dục về việc tổ chức dạy học nhằm đảm bảo an toàn và sức khỏe cho học sinh trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Học sinh trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long). Ảnh tư liệu: baoquangninh.com.vn

Theo đó, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh chỉ đạo, đối với cấp mầm non: Tiếp tục cho trẻ em nghỉ học từ ngày 28/2/2022 đến khi có thông báo mới. Tuy nhiên, nếu gia đình trẻ nào do điều kiện không có người chăm sóc, trông coi trẻ ở nhà và có nguyện vọng đưa trẻ đến trường thì cơ sở giáo dục vẫn bố trí đón trẻ, tổ chức các hoạt động giáo dục đảm bảo an toàn. Đối với cấp tiểu học, tiếp tục cho học sinh học trực tuyến từ ngày 28/2/2022 đến khi có thông báo mới.

Đối với cấp Trung học cơ sở (THCS), Trung học phổ thông (THPT) và các cơ sở giáo dục thường xuyên (bao gồm cả các trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống), Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh yêu cầu: Người đứng đầu các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với chính quyền địa phương (cấp THCS phối hợp với UBND cấp xã; trường có cấp THPT, các cơ sở giáo dục thường xuyên phối hợp với UBND cấp huyện) hằng ngày để đánh giá diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, tình hình số ca F0, F1 của trường/đơn vị; xác định đúng nguy cơ, mức độ lây lan dịch bệnh để kịp thời xem xét, quyết định hình thức dạy học phù hợp với điều kiện thực tế (trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp với trực tuyến), tổ chức dịch vụ bán trú hay không tổ chức dịch vụ bán trú nhằm thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh khi tổ chức các hoạt động giáo dục.

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng khuyến khích các đơn vị có biện pháp tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh các lớp học chưa có ca F0 và học sinh lớp 9, lớp 12 để đảm bảo chất lượng, kế hoạch năm học và chuẩn bị cho học sinh tham gia tốt kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Sở Giáo dục và Đào tạo lưu ý: Trong trường hợp tổ chức triển khai dạy học trực tiếp, các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, nhất là 5K, test nhanh tầm soát định kỳ các trường hợp có nguy cơ cao, bệnh lý nền để kịp thời phát hiện F0, không để lây lan, bùng phát dịch bệnh trong trường học. Các cơ sở giáo dục thực hiện quy trình xử lý F0, F1 phát sinh trong trường học theo hướng dẫn của Bộ Y tế về việc hướng dẫn công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi tổ chức dạy học trực tiếp.

Đối với các trường chuyên biệt (Trường THPT Chuyên Hạ Long, các trường phổ thông dân tộc nội trú) khi tổ chức dạy học trực tiếp cần quản lý chặt chẽ học sinh nội trú trong trường để tránh nguy cơ lây nhiễm trong trường học. Các trường có dịch vụ bán trú cần khuyến khích phụ huynh nếu có điều kiện nên đưa đón con về nhà ăn, nghỉ buổi trưa; chỉ xem xét phục vụ bán trú với những học sinh không có điều kiện, bắt buộc phải tham gia bán trú.

Trong quá trình tổ chức bán trú, các trường nên bố trí theo đơn vị lớp học hoặc có nhà ăn chung thì cần bố trí chia ca, đảm bảo giãn cách. Nếu có điều kiện thì trường bố trí vách ngăn, sau mỗi buổi ăn phải lau khử khuẩn; có biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh, nhất là khi tiếp xúc, giao dịch với các đơn vị cung ứng dịch vụ vào trường (cung ứng thực phẩm, suất ăn...) để tránh tối đa nguy cơ mang mầm bệnh từ bên ngoài vào nhà trường. Các cơ sở giáo dục tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của các nhóm “Zalo quản lý F0” để kịp thời hỗ trợ, động viên học sinh trong quá trình theo dõi, điều trị và tham gia học tập trực tuyến.

Mạng lưới thầy thuốc đồng hành hỗ trợ các bệnh nhi mắc COVID-19

Mạng lưới thầy thuốc đồng hành mở kênh tiếp nhận thông tin và hỗ trợ các bệnh nhi mắc COVID-19, đồng hành cùng phụ huynh chăm sóc sức khỏe cho các bé từ 12 tuổi trở xuống.

Chú thích ảnh
Thông báo về việc tư vấn hỗ trợ các bệnh nhi mắc COVID-19 của Mạng lưới thầy thuốc đồng hành.

Theo thông tin từ Mạng lưới thầy thuốc đồng hành, những ngày vừa qua, số ca bệnh COVID-19 trên toàn quốc liên tục tăng, Hà Nội cũng lập “đỉnh” từng ngày. Trong số các ca nhiễm mới có nhiều bệnh nhân nhỏ tuổi đang cách ly tại nhà và chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19. Căn bệnh khiến các con có những triệu chứng như ho, sốt, mệt, chán ăn và có thể trở nặng. Điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng và lúng túng trong chăm sóc.

Mạng lưới vừa mở kênh tiếp nhận thông tin và hỗ trợ các bệnh nhi mắc COVID-19, nhằm giảm áp lực cho y tế địa phương và cùng phụ huynh chăm sóc sức khỏe cho các bé từ 12 tuổi trở xuống.

Theo đó, gia đình có trẻ nhiễm COVID-19 tại Hà Nội đăng ký nhận tư vấn miễn phí từ các bác sỹ chuyên khoa Nhi và tình nguyện viên y tế tại đường link: https://bit.ly/ttdhhn_nhi

Sau khi đăng ký thông tin, gia đình có trẻ mắc COVID-19 cần để ý điện thoại và nhấc máy khi tổng đài 024 1022 gọi đến để hỗ trợ, tư vấn.

Hải Yên/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Tổng hợp COVID-19 ngày 25/2: Việt Nam thêm 78.795 ca nhiễm mới; quyết tâm đưa học sinh trở lại trường
Tổng hợp COVID-19 ngày 25/2: Việt Nam thêm 78.795 ca nhiễm mới; quyết tâm đưa học sinh trở lại trường

Thông tin thời sự về dịch COVID-19 tại Việt Nam ngày 25/2 thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội là cả nước có thêm 78.795 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, tăng 9.655 ca so với ngày trước đó và ngành Giáo dục quyết tâm thực hiện các biện pháp đưa học sinh trở lại trường học...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN