Tổng hợp COVID-19 ngày 23/2: Số ca F0 tăng vọt; Thủ tướng chỉ đạo khẩn về tiêm vaccine và phòng, chống dịch

Ngày 23/2, Việt Nam có 60.355 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, Hà Nội có số ca mắc tăng vọt lên trên 7.400 ca. Cũng trong ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo khẩn về tiêm vaccine và đẩy mạnh phòng, chống COVID-19.

Ngày 23/2, Việt Nam có 60.355 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, Hà Nội tăng vọt lên trên 7.400 ca

Tính từ 16 giờ ngày 22/2 đến 16 giờ ngày 23/2, Việt Nam ghi nhận 60.355 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, Hà Nội tiếp tục tăng mạnh với 7.419 ca trong ngày.

Chú thích ảnh
Chăm sóc cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.

Trong số các ca nhiễm mới, có 17 ca nhập cảnh và 60.338 ca ghi nhận trong nước (tăng 4.467 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 42.145 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Sơn La (giảm 1.494 ca), Lào Cai (giảm 650 ca), Bắc Ninh (giảm 337 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Hà Giang (tăng 876 ca), Hà Nội (tăng 559 ca), Lạng Sơn (tăng 557 ca).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 47.264 ca/ngày.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 205 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại TP Hồ Chí Minh (97), Quảng Nam (27), Hà Nội (18), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Kiên Giang (4), Quảng Ninh (20), Thanh Hóa (2), Hải Dương (2), Hải Phòng (1), Long An (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (2), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1), Hưng Yên (6), Bình Phước (1), An Giang (1).

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 15.641 ca.

Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.320.722 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.263 ca.

Từ 17 giờ 30 ngày 22/2 đến 17 giờ 30 ngày 23/2, cả nước ghi nhận 91 ca tử vong

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo khẩn về tiêm vaccine và đẩy mạnh phòng, chống COVID-19

Ngày 23/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 170/CĐ-TTg gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiêm vaccine và một số biện pháp đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan trong hệ thống chính trị, các bộ, ngành, các cấp, nhân dân và doanh nghiệp giữ vững bản lĩnh, kiên trì, kiên định, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và không hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh trong phòng chống dịch COVID-19; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm các mục tiêu, yêu cầu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, biện pháp, phương pháp đã được Đảng, Nhà nước đề ra và thực hiện có hiệu quả trên thực tế, nhất là Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành có liên quan.

Chủ tịch UBND tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các bộ, ngành lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa việc tổ chức tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành trong Quý I năm 2022; tiêm mũi thứ 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, hoàn thành trong tháng 2 năm 2022; chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vaccine. 

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, các địa phương có liên quan tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc Chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân năm 2022 an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả và thần tốc hơn nữa cho tất cả các đối tượng được tiêm ở tất cả các địa phương; bảo đảm kịp thời, chất lượng, đủ vaccine để thực hiện Chiến dịch theo quy định...

Bộ Y tế trả lời về tình trạng khan hiếm và biến động giá kit test xét nghiệm SARS-CoV-2

Chú thích ảnh
Xét nghiệm nhanh phát hiện ca nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh: TTXVN

Trước thông tin phản ánh những ngày gần đây có hiện tượng khan hiếm và biến động về giá kit test xét nghiệm SARS-CoV-2, ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) đã có trả lời về vấn đề này.

Về nhu cầu tự test COVID-19 của người dân tăng cao đột ngột trong thời gian gần đây, trong khi giá kit test xét nghiệm trên thị trường không thể kiểm soát, ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết: "Bộ Y tế đã nắm được thông tin hiện nay có tình trạng khan hiếm cục bộ và giá cả không thống nhất đối với kit test nhanh SARS-CoV-2. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng kit test xét nghiệm SARS-CoV-2 của người dân tăng cao do sau Tết, người dân quay trở lại làm việc, đi du lịch, đi lễ hội hay như học sinh, sinh viên quay trở lại trường học… Qua các kênh thông tin cho thấy đã có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán trang thiết bị y tế bất hợp lý. Để kịp thời có những biện pháp phù hợp, ngày 23/2, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu kit test xét nghiệm SARS-CoV-2. Bộ Y tế nhận thấy cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Cụ thể, Bộ Y tế đã đề nghị các đơn vị sản xuất, nhập khẩu kit test xét nghiệm SARS-CoV-2 chủ động tăng cường hoạt động sản xuất, nhập khẩu sản phẩm để đảm bảo nguồn cung trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng sản phẩm; thực hiện công khai và cập nhật giá, trong đó có yêu cầu các nhà phân phối, bán lẻ thực hiện niêm yết giá, không gom hàng và tăng giá; không để tình trạng giá công bố cao nhưng giá bán thấp, tạo kẽ hở cho các nhà phân phối, bán lẻ lợi dụng làm lũng đoạn thị trường; không bán cho các đơn vị thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu trong nước đang tăng cao, gây khan hiếm thị trường.

Để tăng cường các biện pháp nhằm ổn định giá kit test xét nghiệm SARS-CoV-2 trên thị trường, Bộ Y tế sẽ phối hợp với cơ quan quản lý giá, quản lý thị trường, hải quan và các đơn vị liên quan thực hiện việc thanh tra, kiểm tra một số đơn vị về việc kê khai và công khai giá bán theo quy định để đảm bảo giá bán ra phù hợp với với các chi phí đầu vào, không bán qua nhiều cấp trung gian, tăng giá bất hợp lý để đảm bảo bình ổn giá bán trên thị trường.

F0 liên tục vượt mốc kỷ lục, người dân Hà Nội ùn ùn ra trạm y tế xin xét nghiệm; quán xá buồn hiu hắt

Chiều 23/2, nhiều người dân phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phải xếp hàng tại Trạm Y tế phường Hoàng Liệt, đợi xét nghiệm COVID-19 để có thể được công nhận là F0.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng nộp bản cam kết cách ly y tế tại nhà. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức

Trong khi đó, trước việc số ca mắc mới COVID-19 tại Hà Nội liên tục lập kỷ lục từ sau đợt Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay, nhiều quán ăn, cà phê rơi vào tình trạng ế ẩm vì người dân ít ra đường, chưa kể tiết trời rét buốt kéo dài.

Trước tình hình số ca mắc tăng cao (trong ngày 23/2 với 7.419 trường hợp mắc COVID-19), lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng nặng, tử vong. Đây là mục tiêu cao nhất, phải làm bằng được, phải được thực hiện bằng mọi nỗ lực...

Theo đó, ngày 23/2, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chủ trì phiên họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo chống COVID-19 đến các quận, huyện.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tuần qua, số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội tăng cao, có ngày ghi nhận lên đến 6.860 ca và dự báo tiếp tục tăng trong các tuần tiếp theo. Sở Y tế khẳng định, dịch bệnh vẫn được kiểm soát, thành phố cũng tăng cường công tác điều trị, thực hiện trực 4 cấp với thời gian 24/24h tại các bệnh viện, cơ sở thu dung để sẵn sàng thu nhận người bệnh khi chuyển tầng; tăng cường kết nối thông tin hỗ trợ và cấp phát thuốc kịp thời cho người dân. Việc tiêm vét theo chỉ đạo của Thủ tướng được thực hiện hiệu quả, cơ bản hoàn thành… Kết quả đã khống chế tỷ lệ chuyển tầng ở mức 0,36%, tỷ lệ tử vong là 0,19%.

Tại cuộc họp, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phân tích thêm, số ca tăng cao cơ bản nằm trong dự báo của thành phố và lãnh đạo thành phố đã có những chỉ đạo cụ thể với từng nhiệm vụ rõ ràng. Mỗi quận, huyện cần có thêm các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế ở địa bàn.

TP Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức dạy và học tại các cơ sở giáo dục

Liên quan đến thông lan truyền trên mạng xã hội về việc Thành phố Hồ Chí Minh dừng học trực tiếp, chiều 23/2, trao đổi với báo chí, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố vẫn tiếp tục tổ chức dạy và học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục tổ chức dạy và học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Ảnh: TTXVN

Trước đó, trong chiều 23/2, trên mạng xã hội lan truyền thông tin “Học sinh TP.HCM chuẩn bị dừng học trực tiếp. Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức họp khẩn để đưa ra quyết định?”. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, đây là thông tin giả mạo, hiện tại ngành Giáo dục Thành phố vẫn tiếp tục tổ chức dạy và học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục theo đúng kế hoạch của UBND Thành phố đề ra.

Trong chiều 23/2, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản khẩn gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, UBND thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện về hướng dẫn kiểm soát dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục. Hướng dẫn này nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị trường học trong bối cảnh số ca nhiễm tăng, trong đó số ca nhiễm cao ở hai bậc Tiểu học và Trung học Cơ sở.

Liên quan đến việc số ca mắc COVID-19 trong trường học, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 14 - 22/2, số ca mắc mới ở trẻ em tăng cao gấp 3 lần so với tuần trước (từ 7 - 13/2). Cụ thể, trong tuần qua ghi nhận 7.505 ca mắc trong trường học, bao gồm 706 giáo viên và 6.799 học sinh, trong đó cấp Mầm non có 394 em, Tiểu học 2.786 em, Trung học Cơ sở 1.875 em, Trung học phổ thông – Giáo dục thường xuyên có 1.744 em. Số trường học phát sinh ca nhiễm tuần qua cũng tăng, với 201 trường.

Phú Yên: Duy trì việc học trực tiếp trong điều kiện thích ứng với dịch COVID-19

Dịch COVID-19 tại tỉnh Phú Yên đang diễn biến phức tạp khi số ca mắc tăng cao liên tục. Nhiều phụ huynh học sinh tỏ ra khá lo lắng cho sức khỏe con em mình. Trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã yêu cầu các trường học phải chủ động các phương án phòng dịch để duy trì việc dạy học trực tiếp được an toàn.

Số ca mắc COVID-19 của tỉnh Phú Yên trong những ngày qua liên tục tăng cao (ngày 22/2 ghi nhận 656 ca mắc mới). Tỷ lệ tiêm vaccine của địa phương ở mức cao, đạt 95,95% dân số trên 18 tuổi. Riêng độ tuổi từ 12 đến 18, tỷ lệ tiêm chủng đạt 99,09%. Cùng với sự chủ động trong phòng dịch của các trường, tỉnh Phú Yên vẫn duy trì việc học trực tiếp trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19.

Ông Đào Mỹ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cho biết: Dựa theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường học đang tăng cường phòng dịch COVID-19. Một số trang điện tử đưa tin tỉnh Phú Yên tạm dừng cho học sinh đến trường học trực tiếp vì COVID-19, nhưng thực tế đây là thông tin sai sự thật khiến phụ huynh hoang mang. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã yêu cầu Sở Y tế phải triển khai các phương án để hỗ trợ học sinh điều trị, xử lý tình huống khi phát hiện các ca mắc COVID-19 trong trường học. Đối với trẻ từ 5 đến 12 tuổi, tỉnh Phú Yên đã có kế hoạch chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 và đang chờ Bộ Y tế phân bổ vaccine.

M.T/Báo Tin tức (tổng hợp)
Tổng hợp COVID-19 ngày 22/2: Đề cao các biện pháp chống dịch, giảm tối đa các ca tử vong do COVID
Tổng hợp COVID-19 ngày 22/2: Đề cao các biện pháp chống dịch, giảm tối đa các ca tử vong do COVID

Quyết liệt các biện pháp chống dịch, giảm tối đa tử vong; Đảm bảo an toàn trong trường học; Quan tâm, chăm lo cho trẻ mồ côi do dịch COVID-19… là những thông tin được bạn đọc quan tâm trong ngày 22/2.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN