Nhất quán các giải pháp để đảm bảo an toàn cho học sinh quay trở lại trường học
Tiếp tục Phiên giải trình về tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh COVID-19 chiều 25/2, các đại biểu Quốc hội đề nghị tập trung làm rõ kế hoạch đảm bảo chất lượng giáo dục, cũng như sự an toàn khi trẻ quay lại trường học; việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi; thời điểm kết thúc năm học 2021-2022; xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học…
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, với hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương đã ban hành những kịch bản, lộ trình, các phương án, tổ chức diễn tập, chuẩn bị các điều kiện... quyết tâm đưa học sinh trở lại trường học. Đây là xu hướng tất yếu, không thể khác được. Trên thực tế, tính đến 11 giờ trưa 25/2, tỷ lệ học sinh từ mầm non đến phổ thông trở lại trường học trực tiếp trên cả nước đạt 88,25%. Căn cứ cấp độ dịch, cơ sở vật chất và sự linh hoạt từng địa phương, nhằm kiên định việc đưa học sinh quay trở lại trường học. Rất khó có phương án giải quyết tất cả các mục tiêu trong lúc này.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết: “Triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, người lớn thích ứng an toàn, linh hoạt, không thể không cho học sinh, sinh viên, trẻ em thích ứng. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ Bộ Y tế và các địa phương cho các em tới trường. Ngay từ trước Tết Nguyên đán, 55/63 địa phương có phương án cho trẻ mầm non đi học, 57/63 địa phương cho học sinh Tiểu học đi học trở lại, 59/63 địa phương cho học sinh Trung học cơ sở đi học... Trong khi đó, theo báo cáo cơ sở, chỉ có 18% học sinh lây nhiễm từ trường học, còn lại cơ bản lây từ gia đình trong dịp Tết. Như vậy, việc cho học sinh đi học trở lại là chủ trương đúng, là phương án không thể khác được và không có biện pháp nào an toàn một cách tuyệt đối”.
Việt Nam có 78.795 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, tăng 9.655 ca so với ngày trước đó
Tính từ 16h ngày 24/2 đến 16 giờ ngày 25/2, Việt Nam ghi nhận 78.795 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, Hà Nội vẫn tăng nhanh số ca mắc.
Trong số các ca nhiễm mới, có 21 ca nhập cảnh và 78.774 ca ghi nhận trong nước (tăng 9.655 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 54.345 ca trong cộng đồng). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 57.160 ca/ngày.
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 205 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại: TP Hồ Chí Minh (97), Quảng Nam (27), Hà Nội (18), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Kiên Giang (4), Quảng Ninh (20), Thanh Hóa (2), Hải Dương (2), Hải Phòng (1), Long An (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (2), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1), Hưng Yên (6), Bình Phước (1), An Giang (1).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.120.301 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 31.588 ca nhiễm). Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.112.985 ca, trong đó có 2.352.802 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (528.265), Bình Dương (295.560), Hà Nội (236.800), Đồng Nai (100.923), Tây Ninh (89.723). Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 15.835 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.355.619 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.235 ca.
Từ 17 giờ 30 ngày 24/2 đến 17 giờ 30 ngày 25/2, cả nước ghi nhận 78 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 86 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.962 ca, chiếm tỷ lệ 1,3% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Riêng Hà Nội từ 18 giờ ngày 24/2 đến 18 giờ ngày 25/2, Hà Nội ghi nhận 9.836 ca F0; trong đó có có 3.404 ca cộng đồng và 6.432 ca đã cách ly. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (904), Sóc Sơn (781), Hoài Đức (611); Nam Từ Liêm (542); Hoàng Mai (521); Bắc Từ Liêm (467). Số mắc cộng dồn tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 239.974 ca.
Chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ
Chiều 25/2, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, để đảm bảo nguồn cung ứng và tăng cường khả năng tiếp tận thuốc mới trong điều trị bệnh COVID-19, ngày 17/2/2022, Bộ Y tế đã có Quyết định số 69/QĐ-QLD cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện đối với 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước, cụ thể: Thuốc Molnupiravir 200mg của Công ty CP Hoá - Dược phẩm Mekophar; Molnupiravir 400mg của Công ty TNHH Liên doanh StellaPharm; Molnupiravir 400mg của Công ty Cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam.
Thuốc chứa Molnupiravir là thuốc mới, được cấp phép có điều kiện, là thuốc kê đơn, cần tiếp tục theo dõi về chất lượng, hiệu quả, an toàn của thuốc trong quá trình lưu hành. Việc sử dụng thuốc Molnupiravir cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế. Người dân không nên lo lắng, tích trữ và tự ý sử dụng thuốc, vì việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh đồng thời tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe do nguy cơ do các phản ứng có hại của thuốc. Để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) khuyến cáo người dân cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng thuốc Molnupiravir để điều trị COVID-19.
Theo Cục Quản lý Dược, Molnupiravir được sử dụng để điều trị COVID-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành dương tính với xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng. Molnupiravir dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu chứng dưới 5 ngày; không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp. Đặc biệt, Molnupiravir không được sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng COVID-19.
Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) khuyến cáo người dân chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng của thuốc nêu trên. Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, cần thông báo ngay cho bác sỹ hoặc dược sỹ để được tư vấn và xử trí kịp thời. Đặc biệt lưu ý người dân không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường, chỉ sử dụng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để đảm bảo chất lượng, hiệu quả điều trị và sức khỏe của chính mình.