Hướng dẫn sử dụng, công bố giá thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã công bố giá bán thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 vừa được Bộ Y tế cấp phép.
Giá bán các loại thuốc như sau: Thuốc Molnupiravir (400 mg) dạng viên nang cứng do Công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam sản xuất có giá là 11.500 đồng/viên. Dạng hộp có 1, 2, 5 vỉ x 10 viên/vỉ.
Giá của thuốc Molnupiravir (200 mg) dạng viên nang của Công ty Cổ phần hóa - dược phẩm Mekophar có giá 8.675 đồng/viên. Dạng hộp 10 vỉ x 10 viên.
Thuốc của Công ty Trách nhiệm hữu hạn liên doanh Stellapharm chi nhánh 1 có giá 12.500 đồng/viên (dạng viên nang cứng), mỗi hộp 1 vỉ hoặc 2 vỉ x 10 viên.
Theo đó, liều khuyến cáo cho người bệnh trưởng thành là uống 800mg Molnupiravir mỗi 12 giờ trong 5 ngày. Độ an toàn và hiệu quả của Molnupiravir khi sử dụng trong khoảng thời gian dài hơn 5 ngày chưa được xác định.
"Nên uống Molnupiravir sớm nhất có thể sau khi được chẩn đoán mắc COVID-19 và trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng. Nếu quên một liều trong vòng 10 giờ so với thời điểm cần sử dụng thuốc, bệnh nhân nên uống ngay khi có thể và tiếp tục uống theo chế độ liều thông thường. Nếu quá 10 giờ, bệnh nhân không nên uống lại liều đã quên mà cần uống liều kế tiếp theo lịch trình. Không dùng gấp đôi liều để bù lại liều đã quên”, Cục Quản lý Dược lưu ý.
Không được sử dụng Molnupiravir quá 5 ngày liên tiếp. Không sử dụng Molnupiravir để dự phòng trước hay sau phơi nhiễm. Không sử dụng để điều trị khởi đầu cho bệnh nhân cần nhập viện do COVID-19 do chưa ghi nhận lợi ích của Molnupiravir khi khởi đầu sử dụng ở đối tượng này.
Các bệnh nhân đã được sử dụng Molnupiravir trước khi nhập viện có thể tiếp tục sử dụng thuốc cho đủ liệu trình điều trị.
Tăng cường kiểm tra, xử phạt việc găm hàng, tăng giá bộ xét nghiệm, máy SpO2
Bộ Y tế vừa ban hành văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Y tế cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế (bộ xét nghiệm SARS-CoV-2, máy đo nồng độ bão hòa oxy trong máu SpO2...) tăng cao dẫn đến việc khan hiếm nguồn cung, có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán trang thiết bị y tế bất hợp lý.
Để sẵn sàng và đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh thành phố phối hợp chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn.
Theo đó, đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế: Chủ động tăng cường hoạt động sản xuất, kinh doanh, khả năng cung ứng trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt đối với bộ xét nghiệm SARS-CoV-2, Máy đo nồng độ bão hòa oxy trong máu SpO2...
Đảm bảo bình ổn giá các trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19, không bán cho các đơn vị thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu trong nước đang tăng cao, gây khan hiếm thị trường.
Việt Nam sẽ tiếp nhận công nghệ sản xuất vaccine mRNA theo sáng kiến của WHO
Ngày 23/2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tổ chức buổi họp báo, trong đó công bố thêm 5 nước gồm Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Serbia và Việt Nam được lựa chọn tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA theo sáng kiến của Trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA được WHO thành lập tại Nam Phi.
Việt Nam cùng với Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Serbia là các nước đủ điều kiện, năng lực được WHO công bố nhận chuyển giao công nghệ, cùng với hỗ trợ đào tạo có thể chuyển sang giai đoạn sản xuất khá nhanh chóng. Trước đó, WHO đã công bố 6 nước tiếp nhận tại châu Phi là Ai Cập, Kenya, Nigeria, Senegal, Nam Phi, Tunisia; 2 nước tiếp nhận tại Mỹ Latinh là Argentina và Brazil.
Buổi họp báo có sự tham dự và phát biểu cả trực tiếp và trực tuyến của Tổng giám đốc WHO, quan chức của các nước Hàn Quốc, Argentina, Indonesia, Serbia và Việt Nam. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Một trong những rào cản chủ yếu đối với chuyển giao công nghệ ở các nước có thu nhập thấp và trung bình là thiếu lực lượng lao động có tay nghề cao và hệ thống quản lý yếu kém”. Ông Ghebreyesus cho rằng “xây dựng những kỹ năng đó sẽ đảm bảo rằng họ có thể sản xuất các sản phẩm y tế mà họ cần với tiêu chuẩn chất lượng tốt để họ không còn phải chờ đợi ở cuối hàng.”
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã tham dự và phát biểu trực tuyến, nhấn mạnh rằng “Việt Nam là một nước đang phát triển nhưng đã có nhiều kinh nghiệm trong phát triển vaccine trong nhiều thập kỷ qua, hệ thống quản lý chất lượng vaccine quốc gia của Việt Nam cũng đã được WHO công nhận. Chúng tôi tin tưởng rằng khi tham gia sáng kiến này Việt Nam có thể sản xuất vaccine mRNA trên quy mô lớn không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn cung cấp cho các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần khắc phục sự bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine”.
Việc được lựa chọn nằm trong danh sách các nước nhận chuyển giao công nghệ mRNA cho thấy WHO đánh giá cao năng lực của Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ và sản xuất vaccine quy mô lớn với chất lượng cao, đồng thời sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam được tiếp nhận các hỗ trợ của WHO và các đối tác quốc tế để phát triển và sản xuất thành công vaccine mRNA phòng COVID-19 và các bệnh khác trong tương lai. Ngoài ra, việc nhận chuyển giao công nghệ này cũng sẽ đóng góp vào việc tăng cường năng lực sản xuất vaccine ở khu vực, góp phần vào các nỗ lực bảo đảm an ninh y tế quốc gia và khu vực.
Tại buổi họp báo, WHO tái khẳng định nỗ lực hỗ trợ các nước quan tâm đến việc chuyển giao công nghệ vaccine mRNA, trước mắt tập trung ưu tiên những nước thu nhập thấp và trung bình không có công nghệ mRNA nhưng có cơ sở hạ tầng và năng lực sản xuất sinh phẩm. WHO sẽ thảo luận với các nước khác muốn tham gia và sẽ công bố thêm các nước tiếp nhận công nghệ mRNA trong những tháng tới. Các nước tiếp nhận sẽ được WHO hỗ trợ xây dựng kế hoạch, cung cấp đào tạo, tập huấn chuyên môn dự kiến từ tháng 3/2022.
Việt Nam có 69.128 ca mắc mới COVID-19; đợt dịch thứ tư đã có trên 3 triệu ca bệnh
Tính từ 16 giờ ngày 23/2 đến 16 giờ ngày 24/2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 69.128 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2. Hà Nội, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh là các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó.
Trong các ca nhiễm mới có 9 ca nhập cảnh và 69.119 ca ghi nhận trong nước (tăng 8.781 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố. Trong đó, cả nước có 48.179 ca trong cộng đồng.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.041.506 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 30.791 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 3.034.211 ca, trong đó có 2.336.967 ca bệnh đã được công bố khỏi bệnh.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 87 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.884 ca, chiếm tỷ lệ 1,3% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia.