Việt Nam thêm 308 ca mắc COVID-19 mới
Chiều 19/6 (từ 12 giờ đến 18 giờ), Việt Nam ghi nhận thêm 102 ca mắc mới COVID-19. Cụ thể, có 12 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Ninh Bình (8 ), Đà Nẵng (2), An Giang (1), Quảng Nam (1) và 90 ca ghi nhận trong nước bao gồm: Tại TP. Hồ Chí Minh (31), Bắc Giang (18), Bình Dương (18), Bắc Ninh (7), Đà Nẵng (5), Long An (3), Lạng Sơn (2), Đồng Nai (2), Hà Tĩnh (2), Nghệ An (1), Nam Định (1); trong đó 81 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Như vậy, trong ngày 19/6 (từ 6 giờ đến 18 giờ), Việt Nam ghi nhận thêm 308 ca mắc COVID-19 mới; riêng tại TP Hồ Chí Minh ghi nhận 95 ca.Theo HCDC, tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 19/6, Thành phố ghi nhận thêm 95 trường hợp mắc COVID-19 mới đã được Bộ Y tế công bố. Đa số các trường hợp này là các tiếp xúc do được điều tra, truy vết, đã được cách ly hoặc nằm trong khu phong tỏa. Như vậy, từ 18 giờ ngày 18/6 đến 18 giờ ngày 19/6, Thành phố ghi nhận tổng cộng 135 trường hợp.
Tính đến 18h ngày 19/6, Việt Nam có tổng cộng 11.213 ca ghi nhận trong nước và 1.687 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 9.936 ca, trong đó có 2.280 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 21 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Tây Ninh, Gia Lai, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Trà Vinh, Thái Bình) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng.
Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 2.445.591 xét nghiệm cho 5.418.646 lượt người.
Thêm 2 bệnh nhân COVID-19 tuổi cao, bệnh nền nặng tử vong
Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 vừa thông báo các ca tử vong thứ 63 và 64, đều có bệnh nền nặng. Cụ thể:
Ca tử vong thứ 63 là BN12151, nữ, 90 tuổi, có địa chỉ tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Ngày 12/6, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và được điều trị tại cơ sở thu dung bệnh nhân COVID-19 đặt tại Công ty CP Đầu tư phát triển Fuji Bắc Giang.
Ngày 14/6, bệnh nhân ho có đờm, tức ngực, khó thở nhẹ, người mệt mỏi, được hội chẩn và chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang. Ngày 17/6, bệnh nhân hôn mê sâu, bệnh không đáp ứng điều trị. Bệnh nhân tử vong lúc 3 giờ 44 phút ngày 18/6/2021.
Chẩn đoán tử vong: Viêm phổi nặng do SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển, sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan trên bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, hoại tử cẳng tay trái, lão suy.
Ca tử vong thứ 64 là BN3866, nam, 67 tuổi, có địa chỉ tại Hà Trung, Thanh Hoá. Bệnh nhân có tiền sử ung thư phế quản (T), di căn xương và màng phổi, theo dõi di căn dưới nhện.
Bệnh nhân điều trị ung thư phổi tại tại khoa Nội 2, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, ngày 15/5 có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và được chuyển tới BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bệnh nhân được điều trị và theo dõi tích cực, sử dụng thuốc chống viêm, điều chỉnh rối loạn đông máu và kháng sinh phổ rộng điều trị bội nhiễm.
Bệnh nhân tử vong hồi 0 giờ 45 phút ngày 19/6/2021. Chẩn đoán tử vong: Viêm phổi do SARS-CoV-2, sốc nhiễm khuẩn, nhiễm nấm candida xâm lấn, trên bệnh nhân ung thư phế quản trái giai đoạn IV, di căn màng phổi và xương.
TP Hồ Chí Minh ngày đầu triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19
Sáng 19/6, TP Hồ Chí Minh tổ chức triển khai Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Khu Công nghệ cao thành phố Thủ Đức. Trong 5-7 ngày tới, TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức tiêm cho gần một triệu người tại 1.000 điểm tiêm chủng.
500 nhân viên Công ty FPT Software tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh là những người đầu tiên được tiêm vaccine COVID-19. Đây là chương trình khởi động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay tại TP Hồ Chí Minh, cũng là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, từ ngày 27/4 đến nay, TP Hồ Chí Minh bước vào "trận chiến" thứ 4 với COVID-19, ghi nhận hơn 1.000 ca. Đây là “trận chiến” có diễn biến phức tạp, khó lường nhất, do có nhiều biến chủng lây bệnh với khả năng lây nhanh hơn, rộng hơn, mạnh hơn, nặng hơn. Vì thế, số lượng ca mắc nhiều và đã ảnh hưởng đến rất nhiều mặt của cuộc sống, từ sức khỏe, thói quen sinh hoạt, gây xáo trộn các hoạt động xã hội và ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
Để quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh, Chính phủ đã phân bổ 836.000 liều vaccine của Astrazeneca để Thành phố thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng. Đây là phần vaccine trong số 966.320 liều do Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam. Tuy nhiên, số vaccine phân bổ đợt này chỉ đáp ứng một phần trong số 2,3 triệu người cần được ưu tiên tiêm tại TP Hồ Chí Minh, nên công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất và lực lượng công an, quân đội được ưu tiên tiêm trước.
Theo Phó Thủ tướng, hiện nguồn cung vaccine khan hiếm, Việt Nam đang tận dụng mọi khả năng để có vaccine nhiều, nhanh và sớm hơn nữa. Vaccine chính là giải pháp chống dịch bệnh, tuy nhiên người dân vẫn cần có ý thức áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo thông điệp 5K. Tiêm vaccine vẫn có nguy cơ nhiễm, chỉ là nhiễm nhẹ, không triệu chứng, không bệnh nặng.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: "Để đảm bảo nguồn cung vaccine, TP Hồ Chí Minh cũng đang đẩy mạnh tiến độ đàm phán mua vaccine COVID-19, mục tiêu đến hết năm nay có 2/3 người dân Thành phố được tiêm. Chúng tôi sẽ tổ chức sàng lọc, theo dõi kỹ, đảm bảo tiêm tới đâu an toàn tới đó, giám sát xử trí bất lợi sau tiêm chủng".
Trước đó, chiều 17/6, 836.000 liều vaccine Astrazeneca đã được chuyển đến TP Hồ Chí Minh, chuẩn bị sẵn sàng cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất tại Thành phố.
Tập huấn tại 700 điểm cầu về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban An toàn tiêm chủng Bộ Y tế, đằng sau mỗi mũi tiêm là sức khỏe, tính mạng của mỗi con người. Để đảm bảo công tác tiêm chủng, ngành Y tế phải nỗ lực từng khâu từ giám sát chặt chẽ việc bảo quản và vận chuyển vaccine để đảm bảo chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm; đảm bảo tiêm chủng an toàn, đúng đối tượng; xử lý nhanh chóng và hiệu quả các trường hợp phản ứng sau tiêm (nếu có). Do đó, các cán bộ y tế phải thực hiện đúng các hướng dẫn chuyên môn, quan tâm đến công tác xử trí, cấp cứu, đảm bảo tiêm mũi nào, an toàn mũi tiêm ấy.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng ban An toàn tiêm chủng của Bộ Y tế đưa ra bài toán: Để đạt được miễn dịch cộng đồng, phải tiêm trên 75% dân số, 100 triệu dân tại Việt Nam phải thực hiện 70-75 triệu người, tương đương với 150 triệu mũi tiêm an toàn.
Chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất từ trước đến nay với số lượng lớn vaccine, phải hoàn thành trong năm 2021, thời gian không nhiều, trên diện rộng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê đề nghị các tỉnh phải đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng tại địa phương trên nguyên tắc 4 tại chỗ; phải thành lập Ban an toàn tiêm chủng cấp tỉnh với 7 nhiệm vụ và tổ chức đội cấp cứu lưu động để hỗ trợ kịp thời các điểm tiêm chủng.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, trong thời gian qua đã ghi nhận một số phản ứng bất lợi, phản vệ độ 3, độ 4 tại một số địa phương và so với thế giới tỷ lệ tai biến tiêm chủng của Việt Nam ở mức thấp, nhưng không được phép chủ quan.
“Ai cũng có thể tiêm được nhưng xử trí cấp cứu chỉ có bác sỹ xử trí được”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh. Hiện hệ thống khám chữa bệnh có 1.400 bệnh viện công, hơn 300 bệnh viện ngoài công lập, 30 phòng khám ngoài công lập, 11.000 trạm y tế, bên cạnh đó hệ thống y tế ngành, Y tế Công an, Y tế Quân đội cũng phải tham gia vào chiến dịch tiêm chủng này.
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê đề nghị các cán bộ y tế phải khám sàng lọc, kiểm tra sức khỏe trước những người được tiêm, tại khu dân cư, công nghiệp, nhà máy… để mỗi mũi tiêm thực hiện đều đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất rủi ro.
Một số địa điểm tại TP Hồ Chí Minh áp dụng Chỉ thị 16
Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, thành phố đang xuất hiện thêm những ổ dịch mới tại quận Bình Tân và huyện Hóc Môn. Vì vậy, nhằm quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh, UBND TP quyết định chỉ phong tỏa một số phường, khu phố tại quận Bình Tân, huyện Hóc Môn; không áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ cho toàn Thành phố.
Tính đến nay, TP đã có hơn 1.200 ca nhiễm, sắp tới dự kiến sẽ còn nhiều ca nhiễm mới trong cộng đồng. Nguyên nhân là vì trong hai tuần giãn cách xã hội toàn thành phố theo chỉ thị 15; riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, Quận 12 áp dụng theo Chỉ thị 16 của Chính phủ; vẫn chưa làm nghiêm.
“Về cơ bản, sau hai tuần giãn cách xã hội, chúng ta đã ngăn chặn nhóm siêu lây nhiễm Hội truyền giáo Phục hưng. Tuy nhiên, trong hai tuần đó, TP cũng đã và đang tiếp tục phát hiện ổ dịch mới tại quận Bình Tân, huyện Hóc Môn. Nhận thấy hai ổ dịch này nghiêm trọng hơn các ổ dịch trước, vì vậy Thành phố đã họp khẩn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP Hồ Chí Minh và quyết định sẽ siết chặt các kỷ cương trong công tác chống dịch; các đơn vị, ban ngành, UBND quận, huyện phải quyết liệt thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của UBND thành phố, nhằm chặn đứt lây lan dịch bệnh trên địa bàn”, ông Dương Anh Đức nói.
Theo đó, từ 0 giờ ngày 20/6, TP Hồ Chí Minh sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn theo Chỉ thị 16 của Chính phủ là thực hiện phong tỏa tại khu phố 2,3,4 phường An Lạc, quận Bình Tân và ấp Tân Thới 2, ấp Tân Thới 3 cùng một phần ấp Thới Tây 1 thuộc xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn. Thời gian áp dụng phong tỏa là 14 ngày. Nguyên tắc phong tỏa tại các điểm trên là "nội bất xuất, ngoại bất nhập", người dân ai ở đâu thì ở yên ở đó, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết.
Liên quan đến nhiều tin đồn thất thiệt TP Hồ Chí Minh sẽ áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ trên toàn thành phố, dẫn đến chuyện người dân đổ xô đi mua hàng hàng hóa tích trữ, gây mất an toàn cho công tác phòng dịch, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố cam kết nhiều lần là đảm bảo 100% hàng hóa trong mọi tình huống khẩn cấp của mùa dịch. Vì vậy, người dân không nên đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ, dễ dẫn đến tụ tập đông người. Điều này không chỉ gây nguy cơ lây lan dịch, mà một số hàng hóa tích trữ quá nhiều sẽ dẫn đến hết hạn, gây ảnh hưởng cho sức khỏe người dân.
Tương tự, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 2 tuần tới, TP Hồ Chí Minh thực hiện thiết lập vùng phòng tỏa tại một số điểm, một số khu phố đang có dịch bệnh ở mức nguy cơ cao và tăng cường siết chặt công tác phòng dịch ở mức cảnh giác cao trên toàn địa bàn.
Đáng chú ý, TP Hồ Chí Minh cũng ra thông báo khẩn kể từ 0 giờ ngày 20/6, yêu cầu dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động các chợ tự phát; không tụ tập trên 03 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tuân thủ triệt để quy tắc 5K của Bộ Y tế; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 1,5 mét giữa người với người tại các địa điểm công cộng; tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các cá nhân, tổ chức. Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố nếu để tập trung quá 3 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện
Giãn cách xã hội 3 phường ở TP Thuận An, Bình Dương
Trước đó, từ 0 giờ ngày 19/6, Ủy ban nhân dân thành phố Thuận An (Bình Dương) cũng đã áp dụng biện pháp giãn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với 3 phường trên địa bàn.
Theo đó, thành phố thống nhất áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với các địa bàn sau: Toàn bộ phường Bình Chuẩn; Khu phố 1B của Phường An Phú; các khu phố Đồng An I, Đồng An II, Đồng An III, Đông Ba của Phường Bình Hòa từ 0 h ngày 19/6 đến khi có quyết định mới.
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Bình Dương, trong ngày 19/6, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 19 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Tích lũy đến nay, tại Bình Dương đã có 120 ca mắc COVID-19, gồm: 32 công dân Việt Nam về từ nước ngoài, 6 chuyên gia nước ngoài nhập cảnh, 74 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 1 ca nhập cảnh trái phép từ Campuchia, 1 ca tái dương tính sau khi hoàn thành cách ly tại tỉnh Khánh Hòa về Bình Dương.
Ngành y tế tỉnh Bình Dương nhận định, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã xâm nhập vào nhiều công ty, lây lan ra các khu nhà trọ công nhân. Đáng chú ý, ổ dịch tại phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên có tốc độ lây lan rất nhanh, đến nay đã có tổng cộng 55 trường hợp mắc; trong đó có nhiều công nhân, người lao động.
Do đó, tỉnh rất khó kiểm soát và dự báo có thể tiếp tục xuất hiện các ca bệnh trong thời gian tới. Ngành y tế đề nghị lập bệnh viện dã chiến để điều trị tập trung những trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong thời gian tới.
Đà Nẵng tạm dừng hoạt động tắm biển, ăn uống phục vụ tại chỗ từ 12 giờ ngày 20/6
Trong khi đó, UBND Đà Nẵng ban hành Công văn số 3770/UBND-KGVX về việc tạm dừng hoạt động tắm biển, ăn uống phục vụ tại chỗ (chỉ được mua hàng mang đi, bán qua mạng, giao hàng tận nơi) từ 12 giờ ngày 20/6.
Tại cuộc họp bàn về biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng Phan Văn Sơn cho hay, tính từ 13 giờ ngày 18/6 đến 17 giờ ngày 19/6, Đà Nẵng ghi nhận thêm 24 ca dương tính lần 1 với SARS-CoV-2 do lây nhiễm trong nước. Các trường hợp này đều trú trên địa bàn quận Thanh Khê, xung quanh khu tam giác đường Hoàng Hoa Thám, Lê Duẩn, Lý Thái Tổ. Hiện thành phố đã truy vết 530 trường hợp F1. Liên quan trường hợp mắc COVID-19 bán vải tại Đà Nẵng (người Nghệ An) thành phố đã truy vết các F1,F2,F3; thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và đều có kết quả âm tính.
Ông Phan Văn Sơn đề xuất siết chặt quản lý các phương tiện ra vào tại các chốt kiểm soát, yêu cầu các phương tiện vận tải phải khai báo trước khi vào thành phố; các chủ doanh nghiệp, sở, ban, ngành phải chịu trách nhiệm trước việc giao nhận hàng hóa và kịp thời báo cáo lại chính quyền thành phố.