Tin nổi bật tuần từ 4-10/1

Tuần từ 4-10/1/2021, dư luận quan tâm tới các thông tin về dịch COVID-19; vụ xét xử Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương; băng giá xuất hiện tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc…

Xét xử Vũ Huy Hoàng và đồng phạm

Sáng 7/1, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công Thương và Thành phố Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm, liên quan đến Dự án "Xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê" trên khu đất 6.080 m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh).

Cùng ra Tòa với cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (sinh năm 1953) còn có 9 đồng phạm, gồm: Phan Chí Dũng (sinh năm 1957, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương), Nguyễn Hữu Tín (sinh năm 1957, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh), Lâm Nguyên Khôi (sinh năm 1955, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh), Đào Anh Kiệt (sinh năm 1957, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh), Lê Văn Thanh (sinh năm 1962, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh), Lê Quang Minh (sinh năm 1957, nguyên Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Thanh Chương (sinh năm 1974, nguyên Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh), Trương Văn Út (sinh năm 1970, nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Lan Châu (sinh năm 1975, nguyên chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh).

Trong đó, bị cáo Vũ Huy Hoàng và Phan Chí Dũng bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo quy định tại Điều 219, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015. Tám bị cáo còn lại bị Viện Kiểm sát truy tố về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" theo quy định tại Điều 229, khoản 3, điểm b - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (viết tắt là Sabeco, thuộc Bộ Công Thương quản lý) được giao khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) có tổng diện tích 6.080 m2 dùng để sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và nộp tiền thuê đất hàng năm.

Quá trình thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với Sabeco, Vũ Huy Hoàng, Hồ Thị Kim Thoa (nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương) và Phan Chí Dũng đã chỉ đạo các cán bộ cấp dưới thuộc Bộ Công Thương và Sabeco thực hiện các thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất trên và tiền của Sabeco để thành lập Công ty liên doanh Sabeco Pearl cùng với các doanh nghiệp tư nhân đầu tư thực hiện Dự án "Xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê" ở khu đất này.

Do bị can Hồ Thị Kim Thoa đã bỏ trốn nên Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra các Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bị can, Quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can và Quyết định truy nã đối với bị can Hồ Thị Kim Thoa. Khi nào bắt được, Cơ quan công an xem xét, xử lý sau.

Băng giá, mưa tuyết xuất hiện ở nhiều nơi

Chú thích ảnh
Băng tuyết phủ trắng cây cối trên nhiều ngọn núi cao của xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Ảnh: Minh Tâm - TTXVN

Trong hai ngày (8-9/1), không khí lạnh mạnh kết hợp mưa phùn khiến nhiệt độ một số vùng núi cao tại các tỉnh phía Bắc xuống thấp, có nơi dưới -1 độ C, thậm chí có nơi dưới - 9 độ C. Tình trạng băng giá đã xuất hiện ở các đỉnh núi thuộc tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái…. Đây là đợt xuất hiện băng giá nhiều nhất trong mùa đông, tỉnh đến tháng 1/2021.

Băng giá xuất hiện đã thu hút du khách đổ về các vùng núi để chiêm ngưỡng. Trong khi đó, không khí lạnh tràn về, nhiệt độ giảm sâu đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân. Cuộc sống người dân vùng núi bị đảo lộn, các hoạt động gần như ngưng trệ, không ai ra đồng làm việc, trẻ con và người già đóng cửa đốt lửa sưởi ấm.

Người dân ở đây đã có ý thức bảo vệ gia súc, vật nuôi khá tốt nên không có hiện tượng thả rông gia súc ra đồng như trước nữa. Do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, nhiều người già và trẻ em đã phải nhập viện do các bệnh liên quan đến hô hấp, huyết áp tăng nhanh. Nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở và mầm non đã cho học sinh nghỉ học để tránh rét.

Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết, từ đêm 10/1, tình trạng rét đậm, rét hại tiếp tục diễn ra ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế với nhiệt độ thấp nhất 7-10 độ C, vùng núi 4-7 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ C và có khả năng xảy ra mưa tuyết, băng giá.

Việt Nam đàm phán với 4 quốc gia để mua vaccine phòng chống dịch COVID-19

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cung cấp thông tin tại buổi họp báo.

Tại buổi Họp báo thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP sáng 4/1, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng: Việt Nam hiện có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19. Đó là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vaccien và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC); Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) và Công ty TNHH Dược Nanogen (NANOGEN).

Trong đó, NANOGEN đã tiêm thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 (Nano Covax) trên người từ ngày 17/12/2020 và đã tiêm 2 liều (25 mcg và 50 mcg trên người tình nguyện).

Hiện sức khoẻ người tình nguyện sau tiêm đều khỏe mạnh và không xuất hiện triệu chứng bất thường. IVAC là nhà sản xuất có tiến độ nghiên cứu vaccine COVID-19 nhanh thứ hai hiện nay tại Việt Nam. IVAC đã đề nghị Bộ Y tế cho phép thử nghiệm vaccine COVID-19 Covivac trên người tình nguyện vào tháng 1/2021, sớm hơn gần 2 tháng so với kế hoạch ban đầu.

Hà Nội xử lý nghiêm vụ để người rời khu cách ly mới nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2

Chú thích ảnh
Đảm bảo nghiêm ngặt công tác cách ly phòng dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN

Chiều 5/1, Sở Y tế Hà Nội đã họp rà soát, chấn chỉnh hoạt động tại các khu cách ly tập trung sau khi xảy ra sự việc một du học sinh sau khi rời khu cách ly mới nhận kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết: “Sở Y tế Hà Nội đã có biện pháp xử lý với những người liên quan đến sự việc. Việc ký xác nhận cho người cách ly được về nhà khi chưa có kết quả xét nghiệm âm tính là không đúng quy định. Sở Y tế Hà Nội đang khẩn trương thực hiện xử lý về công tác cán bộ và truy xét các đối tượng để cách ly theo quy định”.

Theo đó, Sở Y tế Hà Nội đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác ông Tạ Văn Thiềng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ vì để xảy ra sự việc. Đồng thời, giao Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ tiếp tục rà soát các cán bộ có liên quan để xử lý.

Cũng theo ông Trần Văn Chung, sự việc xảy ra được cho là do nhầm lẫn kết quả xét nghiệm gây ra. Cụ thể, Hà Nội hiện đang thực hiện xét nghiệm gộp mẫu với 5 mẫu/lần xét nghiệm. Trước đó, ngày 2/1, có 89 mẫu xét nghiệm lần 2 tại khu cách ly tập trung ở Trung đoàn 59 (Sư đoàn 301 ở Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) được chuyển đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội để xét nghiệm; trong đó có 84 mẫu có kết quả âm tính và 1 mẫu gồm 5 mẫu gộp cho kết quả nghi ngờ dương tính với virus SARS-CoV-2. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã giữ lại 5 mẫu này để xét nghiệm lại và gửi trả lại khu cách ly kết quả 84 mẫu âm tính.

Tuy nhiên, khi tiếp nhận các mẫu xét nghiệm được trả lại, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ đã ký giấy nhận đủ 89 mẫu âm tính. Vì vậy, ông Tạ Văn Thiềng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ đã ký giấy hoàn thành thời gian cách ly tập trung cho cả 89 người này, trong đó có ca dương tính với virus SARS-CoV-2 là bệnh nhân Đ.T.N (22 tuổi, du học sinh từ Mỹ trở về Việt Nam; quê ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh).

Cũng ngày 5/1, Sở Y tế Hà Nội đã ký văn bản số 05 về rà soát chấn chỉnh các cơ sở cách ly, đặc biệt với các Trung tâm y tế để siết chặt công tác cách ly phòng dịch.

PV/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 10/1: Thêm 14.826 ca mắc mới; Myanmar ca bệnh và tử vong tăng trở lại
COVID-19 tại ASEAN hết 10/1: Thêm 14.826 ca mắc mới; Myanmar ca bệnh và tử vong tăng trở lại

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 10/1, 8 quốc gia ASEAN ghi nhận 14.826 ca mắc COVID-19 và 210 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên 1.653.685 ca, trong đó 37.045 người tử vong. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN