COVID-19 tại ASEAN hết 10/1: Thêm 14.826 ca mắc mới; Myanmar ca bệnh và tử vong tăng trở lại

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 10/1, 8 quốc gia ASEAN ghi nhận 14.826 ca mắc COVID-19 và 210 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên 1.653.685 ca, trong đó 37.045 người tử vong. 

Diễn biến dịch COVID-19 tại ASEAN vẫn phức tạp khi một số nước trong khu vực ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm và tử vong mới trong 24 giờ qua.

Ngày 10/1, Indonesia thông báo nước này có thêm 9.640 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 828.026 ca. Trong 24 giờ qua, Indonesia có thêm 182 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 24.129 người. 

Indonesia không chỉ là điểm dịch "nóng" nhất Đông Nam Á trong một thời gian dài, hiện nay "quốc gia vạn đảo" còn là quốc gia ghi nhận số ca mắc bệnh và tử vong mới vì virus SARS-CoV-2 cao nhất châu Á.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế làm việc tại khu điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Nam Tangerang, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Dịch COVID-19 đã lây lan trên toàn bộ 34 tỉnh của Indonesia. Đặc biệt, trong 24 giờ qua, thủ đô Jakarta ghi nhận 2.711 ca mắc mới, Tây Java có thêm 1.468 ca mắc, tiếp đến là Trung Java (1.045 ca), Đông Java (1.004 ca) và Nam Sulawesi (585 ca).

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati nhấn mạnh rằng phục hồi kinh tế không nên chỉ phụ thuộc vào chi tiêu của chính phủ vì nguồn tiền này sẽ không đủ để bù đắp cho hoạt động kinh tế đang chậm lại do đại dịch COVID-19 trong bối cảnh thâm hụt ngân sách năm 2020 đạt mức cao kỷ lục.

Bộ trưởng Sri Mulyani cho biết một khoản tiền lớn chưa từng thấy đã được đổ vào nền kinh tế vào năm ngoái để duy trì hoạt động kinh doanh và ứng phó với đại dịch COVID-19, đồng thời cảnh báo rằng ngân sách nhà nước có giới hạn và không thể một mình giải cứu nền kinh tế.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Shah Alam, bang Selangor, Malaysia ngày 8/1. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 10/1, Malaysia ghi nhận số ca mắc mới nhiều thứ hai ASEAN với 2.433 ca, nâng tổng số ca mắc lên 135.992 ca. Malaysia có 9 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch tới nay lên 551. 

Đây là ngày thứ sáu liên tiếp số ca mắc COVID-19 hàng ngày ở Malaysia ở trên mức 2.000. Trong số 2.433 ca mắc mới, có 2,426 ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Trước đó, Bộ trưởng Y tế Malaysia, ông Adham Baba ngày 9/1 cho biết hoạt động đi lại giữa các bang và các quận có thể bị siết chặt nhằm nỗ lực giảm số ca lây nhiễm COVID-19. Thủ tướng Muhyiddin Yassin dự kiến công bố chính thức về quyết định này vào ngày 11/1.

Ông Noor Hisham Abdullahquan, một quan chức cấp cao Bộ Y tế Malaysia, cho biết nước này đã chấp thuận đăng ký có điều kiện đối với vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 do hãng Pfizer sản xuất.

Chia sẻ trên tài khoản Facebook và Twitter cá nhân, ông Noor Hisham Abdullah cho biết trong phiên họp lần thứ 352 của Cơ quan kiểm soát ma túy Malaysia, việc đăng ký đã được thông qua, điều này có nghĩa vaccine của Pfizer có thể được sử dụng tại quốc gia Đông Nam Á này.  Tuy nhiên, quan chức này cũng nhấn mạnh Pfizer vẫn cần phải cung cấp một số dữ liệu quan trọng trong thời gian quy định trước khi được phép sử dụng.

Hiện Malaysia đã ký các thỏa thuận mua 12,8 triệu liều vaccine phòng chống COVID-19 với Pfizer và BioNTech. Ngoài ra, quốc gia Hồi giáo này cũng sẽ nhận 6,4 triệu liều khác từ AstraZeneca cùng một số nhà cung cấp vaccine COVID-19 khác.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt tại một lễ cưới ở Makati, Philippines, ngày 15/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Philippines (DOH) thông báo có 1.906 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 487.690 ca. Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 8 ca, lên 9.405 ca. Số bệnh nhân đã bình phục tăng thêm 8.592 người, lên 458.198 người. Với dân số khoảng 100 triệu dân, Philippines đã xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với 6,59 triệu người kể từ khi dịch xuất hiện hồi tháng 1 năm ngoái.

Philippines đang nỗ lực thực hiện mọi biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Philippines cũng đang cân nhắc cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp 3 loại vaccine COVID-19, bao gồm vaccine Sputnik V của Nga, vaccine do Pfizer (Mỹ) bào chế cùng vaccine của hãng AstraZeneca (Anh). Chính phủ nước này đang đàm phán với 7 hãng dược phẩm với mục tiêu đảm bảo tối thiểu 148 triệu liều vaccine COVID-19 và có thể triển khai tiêm phòng cho khoảng 50 - 70 triệu người dân trong năm nay.

Trong thời gian từ ngày 10-15/1, Philippines sẽ cấm các du khách từ Áo nhập cảnh nước này nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, vốn đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trước đó, nước này cũng đã cấm du khách từ 27 quốc gia khác nhập cảnh với lý do tương tự. Chính phủ cũng yêu cầu người dân tạm hoãn các kế hoạch du lịch cho tới ngày 15/1 tới. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVId-19 tại tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, Thái Lan đang đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 tồi tệ nhất với hơn 200 ca mắc mới được ghi nhận mỗi ngày, chủ yếu lây nhiễm trong cộng đồng. Trong số 245 ca mắc mới được ghi nhận vào ngày 10/1 có 224 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong khi 21 ca khác liên quan người trở về từ nước ngoài.

Tới nay, Thái Lan đã ghi nhận 10.298 ca mắc, với 8.157 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 2.141 ca nhập cảnh; số ca tử vong vẫn là 67 ca.

Hiện 57 tỉnh của Thái Lan đã ghi nhận các ca mắc COVD-19. Chính phủ Thái Lan đã thông báo xếp thủ đô Bangkok và 28 tỉnh khác là “vùng đỏ”, tức là vùng áp dụng mức kiểm soát dịch tối đa. Tại các khu vực này, việc đi lại và kinh doanh bị siết chặt, nhân viên công sở được yêu cầu làm việc tại nhà, giờ làm việc phải điều chỉnh, các hoạt động tụ tập đông người bị cấm, đồng thời việc đi lại giữa các tỉnh cũng không được khuyến khích.

Chú thích ảnh

Myanmar ngày 10/1 cũng ghi nhận số ca bệnh mới tăng cao trở lại. Theo đó, quốc gia thành viên này chứng kiến thêm 555 ca mắc COVID-19, 20 người tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong vì đại dịch ở Myanmar lên lần lượt 130.604 ca và 2.846 ca.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ còn Lào, Timor Leste và Brunei là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 10/1

Thùy Dương/Báo Tin tức
Bác sĩ riêng của Giáo hoàng tử vong vì COVID-19
Bác sĩ riêng của Giáo hoàng tử vong vì COVID-19

Báo L’Osservatore Romano của Tòa thánh Vatican đưa tin ông Fabrizio Soccorsi, bác sĩ riêng của Giáo hoàng Francis đã tử vong vì biến chứng liên quan COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN