Theo trang The Guardian (Anh), những quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe đáng ghen tị nhất trên thế giới – như Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc - sẽ chưa bắt đầu tiêm chủng phòng bệnh COVID-19 cho người dân cho đến cuối tháng 2 hoặc muộn hơn.
Theo các chuyên gia, sự chậm trễ này là có chủ ý. Họ muốn chờ thêm thông tin về vaccine, hiệu quả và tác dụng phụ của vaccine, trước khi triển khai tiêm chủng cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương và toàn bộ người dân. Khi đó, hàng triệu người đã được tiêm vaccine ở các quốc gia khác sẽ giúp cung cấp dữ liệu có giá trị cho những nước này.
Bộ trưởng Bộ Y tế Australia Greg Hunt hôm 7/1 tuyên bố Australia tự hào là một phần trong nhóm “các quốc gia đối phó với COVID-19 thành công nhất trên thế giới”. Ông cũng cho rằng Australia sẽ không bị áp lực khi bắt đầu triển khai tiêm chủng.
Hơn nữa, động lực khiến các quốc gia khác muốn nhanh chóng triển khai tiêm chủng chính là mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Mỹ đã ghi nhận kỷ lục 3.900 ca tử vong do virus SARS-CoV-2 vào hôm 6/1, khi các ca nhiễm tăng vọt ở hầu hết các bang. Ngày 7/1, số người chết ở Anh cũng đã tăng 1.162, mức tăng cao thứ 2 kể từ khi đại dịch bùng phát. Sự cấp thiết của vaccine ở những quốc gia này càng thể hiện rõ hơn khi các bệnh viện và nhà xác đang vật lộn trước số lượng người chết đang gia tăng, hay việc các nhân viên y tế đã kiệt sức từ nhiều tháng trước.
Trong khi đó, hầu hết các bang và vùng lãnh thổ của Australia đã không ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 địa phương trong nhiều tháng. New Zealand kể từ ngày 18/11 cũng không ghi nhận các trường hợp lây lan trong cộng đồng nào. Tại Đài Loan (Trung Quốc), các ca nhiễm hàng ngày vẫn ở mức một con số và các đợt bùng phát đều nhanh chóng bị dập tắt.
Giáo sư Jennifer Martin, một bác sĩ ở Australia, đồng thời cũng là thành viên của ủy ban cố vấn liệu pháp và trị liệu của Pharmac, hãng dược phẩm tại New Zealand, cho biết mọi người thường hỏi bà về tốc độ triển khai vaccine tại hai quốc gia này.
“Lý do quá trình phê duyệt ở Australia và New Zealand kéo dài như vậy là bởi có rất nhiều quy trình kiểm tra kỹ lưỡng và xem xét lại các số liệu thống kê. Nếu chúng tôi mắc lỗi, điều này sẽ trở thành một lỗi trên quy mô lớn khi lúc đó vaccine đã được tiêm chủng cho một lượng lớn dân số”, bà Martin cho biết.
Bà cho rằng không có gì là lạ khi các cơ quan quản lý vẫn đang xem xét dữ liệu tiêm chủng từ nhiều quốc gia khác.
“Vaccine có thể có phản ứng tốt với người châu Âu. Nhưng chúng tôi vẫn khá lo lắng về phản ứng của vaccine, dường như phản ứng của vaccien với người bản địa và người châu Á là khác nhau. Có lẽ Australia và New Zealand cho rằng: ‘Tại sao bạn lại khiến mọi người gặp rủi ro khi nếu đợi lâu hơn một chút, bạn có thể nhận được thêm nhiều thông tin hơn’”, bà nói.
Các cơ quan quản lý đang lấy thêm dữ liệu từ những người đã được tiêm chủng. Hôm 6/1, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ đã công bố dữ liệu về các phản ứng dị ứng với vaccine mRNA của Pfizer/ BioNTech ở Mỹ từ ngày 14 đến 23/12/2020.
Dữ liệu đó sẽ rất hữu ích đối với các quốc gia như Hàn Quốc, quốc gia đã đặt hàng đủ liều vaccine cho tất cả 52 triệu dân. Tuy nhiên, nước này vẫn đang trì hoãn việc tiêm chủng hàng loạt khi nhận thấy các tác dụng phụ có thể xảy ra ở những quốc gia khác. Trong khi đó, Bộ Y tế New Zealand cho biết các cơ quan quản lý đang chờ đợi để “xem xét các đánh giá của các cơ quan đáng tin cậy, chẳng hạn như ở Australia, Anh, châu Âu, Canada và Mỹ”.
Giáo sư Robert Booy, một chuyên gia về vaccine và bệnh truyền nhiễm tại Đại học Sydney, cho biết vaccine mRNA của Pfizer/BioNtech, đang lưu hành ở nhiều quốc gia, có “5 ưu điểm đáng kinh ngạc” so với các loại vaccine khác.
“Vaccine mRNA có thể được phát triển nhanh chóng, rẻ, hiệu quả và có vẻ an toàn. Nhưng mối quan tâm chung đó là chúng tôi chưa bao giờ sử dụng loại vaccine này trước đây. Vì vậy chúng tôi phải cố gắng hết sức giám sát để kiểm tra xem nó có phản ứng tốt hay không”, ông Booy nói.
Ông cho rằng luôn cần có một quốc gia đi đầu trong việc giới thiệu bất kỳ loại thuốc hoặc thiết bị y tế nào và không có bước nào bị bỏ qua, chẳng hạn như tiến hành các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Điều này có nghĩa là dù vaccine có thể rất an toàn, nhưng một số quốc gia buộc phải lựa chọn giữa tỉ lệ tử vong theo cấp số nhân và hệ thống y tế quá tải, hay giới thiệu vaccine trước khi có thời gian phân tích kết quả đầy đủ.
Nhật Bản hôm 7/1 đã ghi nhận 2.447 ca mắc COVID-19 mới và ban bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo, nhưng cũng chưa gấp rút triển khai vaccine. Các phương tiện truyền thông Nhật Bản đưa tin rằng việc tiêm chủng sẽ bắt đầu từ cuối tháng 2, ưu tiên tiêm chủng cho khoảng 10.000 nhân viên y tế tuyến đầu. Sau đó, những người trên 65 tuổi, nhân viên chăm sóc tại nhà và những người có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn sẽ được tiêm chủng vào tháng 3.
Bên cạnh đó, có nhiều lợi ích khác đối với các quốc gia đang thận trọng triển khai tiêm chủng. Các cơ quan y tế sẽ có nhiều thời gian để sắp xếp hậu cần vận chuyển vaccine hơn, một số trong số đó yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ siêu lạnh, trong các môi trường như sa mạc, rừng, đất bụi. Họ cũng có thời gian thiết lập công nghệ theo dõi liều lượng trong toàn bộ chuỗi cung ứng hay sự lãng phí vaccine. Có nhiều thời gian hơn để đào tạo nhân viên quản lý vaccine và thực hiện các chiến dịch giáo dục và an toàn để đảm bảo sự tin tưởng của công chúng.
Bà Martin cho rằng những người sống ở những quốc gia này, đang chờ đợi thêm dữ liệu trước khi phê duyệt và phân phối vaccine, nên cảm thấy biết ơn những người tiêm vaccine ở những nơi như Trung Quốc, Mỹ và Anh.
“Những người này đang giúp chúng tôi lấy dữ liệu, theo cách giống như bất kỳ bệnh nhân nào đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng và điều đó thực sự sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người”, bà nói.