Những nguyên nhân dẫn đến thành công của chiến dịch tiêm phòng tại Israel đã được công khai một cách nhanh chóng: Israel có 4 tập đoàn y tế quốc gia hoạt động rất hiệu quả. Hạ tầng dữ liệu được số hóa cao. Các bệnh viện cung cấp đủ nhân lực, vật lực cho công tác tiêm chủng. Nhiều địa điểm tiêm chủng dã chiến được dựng lên nhanh chóng, vô cùng thuận tiện cho người dân.
Nhưng vẫn còn một thông tin vẫn chưa được công bố cho báo giới: Làm thế nào chỉ trong thời gian ngắn Israel có được nhiều vaccine trên một thị trường“vài người bán, vạn kẻ mua” như vậy?
Ngày 18/11/2020, sau khi hãng dược phẩm Pfizer thông báo vaccine của họ có hiệu quả chống COVID-19 lên tới 95%, các quan chức y tế cấp cao của Israel hẳn đã rất hụt hẫng. Trước đó, họ đã “chọn mặt gửi vàng” nhầm người khi đặt mua hàng triệu liều vaccine của hãng Moderna và AstraZeneca, mà bỏ qua cái tên Pfizer-BioNTech.
Gần như ngay lập tức, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhấc điện thoại gọi tới Giám đốc điều hành Pfizer, Albert Bourla. Rất may, ông là một trong những người đầu tiên liên hệ với Pfizer. Kết quả là, Israel đã nhận được khoảng 4-5 triệu liều vaccine Pfizer trước khi năm 2020 điểm những tiếng chuông cuối cùng, đủ để tiêm chủng cho ít nhất 2 triệu người dân Israel.
Trong bối cảnh sắp diễn ra bầu cử và nền chính trị rối ren, ông Netanyahu đã cố gắng tạo một ấn tượng tốt với cử tri; và chắc chắn rằng cuộc điện thoại sớm của ông (nếu đúng) đã giúp Israel nhanh chân đặt hàng được nhiều vaccine như vậy. Nhưng dư luận còn tò mò về một vấn đề hấp dẫn khác: Israel đã trả bao nhiêu để có vaccine?
Chính phủ Israel từ chối tiết lộ bất kỳ chi tiết nào về số lượng đặt hàng từ Pfizer hoặc mức giá phải trả. Tuy nhiên, một số báo cáo cho rằng Israel đã chấp nhận trả tới 59 USD/người(mỗi người tiêm2 liều theo quy định) – cao hơn gần gấp rưỡi so với mức giá 40 USD theo hợp đồng đặt hàng của Mỹ.
Một lý do nữa giúp Israel “nẫng tay trên” các nước khác trong đặt mua vaccine là rất nhiều (thậm chí hầu hết) các hợp đồng Israel ký với các công ty dược phẩm đều không quy định ngày giao hàng. Truyền thông Đức đưa tin vào cuối tháng 11/2020, Đức đã ký một hợp đồng đặt mua 30 triệu liều vaccine Pfizer (ngoài số lượng đặt mua chung của EU), nhưng Đức cũng sẽ chỉ nhận được 4 triệu liều đầu tiên vào cuối tháng 1 này. Trong khi đó, cuối tháng 12/2020, ước tính Israel đã nhận được có khoảng 4-5 triệu liều vaccine Pfizer, mặc dù đặt hàng sau Đức tới vài tuần.
Điều thú vị là, mặc dù cũng đã song song đặt mua hàng triệu liều vaccine từ hãng Moderna, nhưng theo dự kiến Israel sẽ chỉ nhận được lô đầu tiên sau tháng 3/2021. Có thể Israel cũng đã ký hợp đồng không ràng buộc thời gian giao hàng. Theo thông lệ, các hợp đồng kiểu này thường bao gồm điều khoản thời gian giao hàng, chẳng hạn 30 ngày hoặc 60 ngày kể từ khi nhà cung cấp vaccine nhận được giấy phép của FDA. Nhưng với tình hình dịch bệnh hiện nay, thị trường là của người bán và họ sẽ không thích bị ràng buộc bởi một điều khoản như vậy.
Vấn đề đặt ra là liệu Israel có nhận được thêm vaccine trong những tuần sắp tới để có thể tiếp tục chiến dịch tiêm chủng hay không. Với tốc độ tiêm hiện nay, Nhà nước Do Thái sẽ cạn kiệt vaccine vào cuối tuần này (9/1) và buộc phải đợi đến đầu tháng 2 khi có thêm lô hàng vaccine Pfizer mới cập cảng.
Rất có thể khoảng trống này sẽ được Pfizer bù đắp. Giới quan sát cho rằng Pfizer sẽ cung cấp đầy đủ và nhanh chóng cho Israel,bởi cái họ nhận lại là một hình ảnh quảng cáo không thể đẹp hơn: Một quốc gia tiêm chủng cho toàn bộ người dân và nhanh chóng đánh bại COVID-19. Còn hiện tại, Pfizer không thể cấp tập chuyển hàng đến Israel vì đang phải chịu một áp lực lớn đến từ các quốc gia khác, những khách hàng giàu có và đang ghen tị với tốc độ tiêm chủng tại Israel.
Ngoài ra, cũng có những thông tin chưa được xác nhận cho biết Moderna có thể sẽ gửi nhanh vài triệu liều vaccine tới Israel trong tháng 1, sớm hơn kế hoạch. Có lẽ những thông tin này được cố tình tung ra để kích động Pfizer, vốn đang nôn nóng được đứng bên cạnh Israel trên bục chiến thắng trong cuộc chiến chống COVID-19.
Tất nhiên, những suy đoán nói trên vẫn là dựa trên giả định vaccine sẽ giúp ngăn chặn hoàn toàn virus Corona, như kết quả thử nghiệm của các hãng dược phẩm. Trước mắt, trong vài tháng sắp tới, Israel sẽ vẫn là tâm điểm để thế giới nhìn vào xem liệu vaccine có thực sự giúp nhân loại chiến thắng được đại dịch COVID-19 hay không, hay vẫn còn những bất ngờ khác nữa?