Tin nổi bật ngày 5/2

Thêm 19 ca mắc COVID-19, tăng cường chi viện cho tỉnh Điện Biên chống dịch bệnh; Các tổ chức quốc tế sẽ hỗ trợ vaccine ngừa COVID-19 cho Việt Nam; Áp dụng biện pháp phòng dịch phù hợp, hạn chế tối đa bất lợi cho nhân dân; Bắt giữ 8 đối tượng nhập cảnh trái phép; Nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai bị khởi tố... là những thông tin nổi bật được bạn đọc quan tâm trong ngày 5/2.

Chú thích ảnh
Các chốt kiểm dịch COVID-19 của Bộ đội biên phòng tỉnh Gia Lai kết hợp công tác rà soát, không để lọt trường hợp xuất nhập cảnh trái phép dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Ghi nhận thêm 19 ca mắc COVID-19

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 5/2, Việt Nam ghi nhận 19 ca mắc mới trong cộng đồng, không có ca cách ly sau khi nhập cảnh, nâng số người dương tính với virus SARS-CoV-2 tại nước ta lên 1.976 trường hợp.

Trong đó, có 1.087 ca mắc do lây nhiễm trong nước (394 ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay). Trong số 19 ca mắc mới được ghi nhận chiều 5/2 có một trường hợp ở tại Hà Nội; 12 trường hợp ở Hải Dương; hai trường hợp ở Quảng Ninh; ba trường hợp ở Điện Biên và một trường hợp ở Hà Giang.

Cụ thể, bệnh nhân số 1.958 được ghi nhận tại Hà Nội là F1 của bệnh nhân 1814, liên quan ổ dịch thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Các bệnh nhân từ số 1.959 đến 1.968 và từ số 1.973 đến 1.975 được ghi nhận tại tỉnh Hải Dương.

Trong đó, hai ca là công nhân Khu công nghiệp thuộc thành phố Chí Linh đã được cách ly, không có nguy cơ lây ra cộng đồng; 8 ca liên quan Khu Công nghiệp thành phố Chí Linh và hai ca là F1 liên quan ổ dịch huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Các bệnh nhân số 1.968, 1.969 được ghi nhận tại tỉnh Quảng Ninh là F1 của bệnh nhân 1627, liên quan ổ dịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn điện tử POYUN, tỉnh Hải Dương.

Các bệnh nhân từ số 1.970 đến 1.972 được ghi nhận tại tỉnh Điện Biên, trong đó hai ca là F1 liên quan ổ dịch huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương và một ca đang điều tra dịch tễ. Bệnh nhân số 1.976 ghi nhận tại Hà Giang là F1 của các bệnh nhân số 1.871 và 1.872 liên quan ổ dịch huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 1.465 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; số ca tử vong vẫn là 35. Trong số các bệnh nhân đang được điều trị, hiện có 10 người có kết quả xét nghiệm âm tính lần một với virus SARS-CoV-2; ba trường hợp âm tính lần hai và hai trường hợp âm tính lần ba.

Cả nước hiện có 80.113 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe; trong đó 489 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 24.362 người cách ly tập trung tại cơ sở khác; 55.262 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Để hỗ trợ tỉnh Điện Biên chống dịch COVID-19, ngày 5/2, Bộ Y tế đã cử lực lượng tinh nhuệ bao gồm các chuyên gia chống dịch và điều trị hàng đầu của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục Y tế Dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai lên giúp đỡ ngành Y tế Điện Biên giám sát dịch tễ, các hoạt động đáp ứng dịch, xét nghiệm và thiết lập hệ thống điều trị.

Các tổ chức quốc tế sẽ hỗ trợ vaccine ngừa COVID-19 cho Việt Nam

Chiều 5/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tiếp Trưởng đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam: Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tại buổi tiếp, đại diện các tổ chức quốc tế thông tin về cơ chế phân bổ vaccine phòng COVID-19 trên toàn cầu (COVAX) do Tổ chức Y tế thế giới khởi xướng.

Trước diễn biến phức tạp, khó khăn của dịch bệnh trên toàn thế giới, các quốc gia đều đang chờ đợi vaccine ngừa COVID-19. Bên cạnh nguồn vaccine do các công ty tư nhân cung cấp, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Tổng Giám đốc WHO dành sự quan tâm cho các chương trình cung cấp vaccine cho các nước nghèo. Dự kiến, Cơ chế COVAX sẽ cung cấp miễn phí số lượng vaccine phù hợp cho các nước nghèo, hỗ trợ trên tinh thần công bằng. Chính phủ nước sở tại cung cấp kinh phí triển khai tiêm chủng. Theo đó, Việt Nam nằm trong số nước được các tổ chức này quan tâm.  

Tại buổi tiếp, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế UNDP, UNICEF, WHO đánh giá cao kết quả chống dịch COVID-19 của Việt Nam trong hơn 1 năm qua, đặc biệt, trong đợt bùng phát dịch mới đây. Qua theo dõi, đến nay, tình hình dịch ở Thủ đô Hà Nội, các địa phương lân cận và trên cả nước đã được kiểm soát tốt, không khí đón Tết Nguyên đán an toàn đang đến với người dân Việt Nam.  

Gửi lời cảm ơn đến các tổ chức quốc tế tại Việt Nam về thông tin nêu trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hiện nay, UNDP, UNICEF, WHO đang tích cực làm việc với Bộ Y tế, khẩn trương lên kế hoạch tiêm chủng của Việt Nam theo đúng yêu cầu của COVAX. Nếu trong điều kiện thuận lợi, trong quý I/2021, những liều vaccine đầu tiên của COVAX có thể về đến Việt Nam, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trong nước.

Áp dụng biện pháp phòng dịch phù hợp, hạn chế tối đa bất lợi cho nhân dân

Những ngày qua báo chí có phản ánh về việc “ngăn sông cấm chợ” và cách ly y tế không phù hợp tại một số địa phương.

Chú thích ảnh
Những người rời Quảng Ninh phải di chuyển bằng các phương tiện chuyển tải khách trên cao tốc Hạ Long - Bạch Đằng. Ảnh: Văn Đức/TTXVN.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với mức nguy cơ của từng khu vực trên địa bàn, bảo đảm khoanh vùng, cách ly, phong tỏa ở phạm vi gọn nhất, hạn chế tối đa các hoạt động bất lợi đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân và sản xuất kinh doanh, nhất là hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất trong dịp Tết Nguyên đán; có biện pháp cụ thể tạo thuận lợi cho nhân dân tiêu thụ hàng hóa, nông sản, nhất là tại vùng có dịch, vùng bị phong tỏa.

Thủ tướng lưu ý các tỉnh áp dụng biện pháp cách ly tập trung, cách ly tại nhà đối với với người đến từ vùng có dịch COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, Bộ Y tế kiểm tra, chỉ đạo, xác định cụ thể vùng có dịch theo nguyên tắc “khoanh gọn nhất có thể”, phục vụ mục tiêu kép để các địa phương áp dụng biện pháp phù hợp cho nhân dân đón Tết Nguyên đán, không gây cản trở không cần thiết.

Bắt giữ 8 đối tượng nhập cảnh trái phép

Qua công tác nắm tình hình, Công an thành phố Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) phát hiện 8 người nước ngoài nhập cảnh trái phép.  

Chú thích ảnh
8 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, bị Công an tỉnh Cao Bằng phát hiện, bắt giữ. Ảnh: TTXVN phát

Việc xác minh ban đầu cho thấy, có 5 đối tượng trú tại tỉnh Hồ Bắc và 3 đối tượng trú tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Các đối tượng khai nhận được một người Việt Nam (không rõ họ tên, địa chỉ do hai bên liên lạc qua mạng xã hội) dẫn vào lãnh thổ Việt Nam rồi bị bỏ lại tại phường Đề Thám.

Công an tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với các cơ quan chức năng đưa 8 đối tượng nói trên đi cách ly tập trung để phòng, chống dịch COVID-19. Công an tỉnh Cao Bằng đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ án, truy tìm đối tượng đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để xử lý theo pháp luật.

Nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai bị khởi tố  

Ngày 5/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phạm Văn Sáng, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai và ông Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai. Các quyết định trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai phê chuẩn.  

Theo đó, ông Phạm Văn Sáng bị khởi tố để điều tra về tội vi phạm quy định đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 224, Bộ luật Hình sự năm 2015. Ông Nguyễn Quang Tuấn bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí, theo Điều 219, Bộ luật Hình sự năm 2015.  Hiện lực lượng chức năng đã tiến hành các bước tố tụng, bắt tạm giam 4 tháng và khám xét nơi ở của ông Nguyễn Quang Tuấn.  

Quá trình khám xét, ông Phạm Văn Sáng không có mặt tại nơi ở và nơi cư trú. Cơ quan chức năng đang truy tìm ông Sáng để phục vụ công tác điều tra.  Được biết, qua giám định đối với hai dự án “Nhân rộng mô hình sản xuất rau, quả trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGAP” và “Nhà màng nông nghiệp”, cơ quan chức năng xác định, quá trình triển khai thực hiện đã gây thất thoát cho ngân sách nhà nước số tiền hơn 27 tỷ đồng.

Thời điểm xảy ra sai phạm, cá nhân ông Phạm Văn Sáng với cương vị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai và ông Nguyễn Quang Tuấn là Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai chịu trách nhiệm chính.  

Trước đó, tháng 7/2020, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Phạm Văn Sáng, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai.

Theo kết luận của Ban Bí thư, trong thời gian giữ cương vị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai, ông Phạm Văn Sáng đã vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng và phẩm chất đạo đức, lối sống, nêu gương, những điều đảng viên không được làm; vi phạm các quy định về công tác cán bộ; cố ý làm trái, vi phạm nghiêm trọng pháp luật của Nhà nước trong đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công và đầu tư, xây dựng cơ bản, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.

V.T/Báo Tin tức
Chiều 5/2, Việt Nam ghi nhận thêm 19 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng
Chiều 5/2, Việt Nam ghi nhận thêm 19 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng

Tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 5/2, Việt Nam ghi nhận thêm 19 ca mắc mới COVID-19, đều là ca cộng đồng. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN