Đến 18 giờ ngày 3/2: Việt Nam có thêm 20 ca mắc mới COVID-19, gần 50.000 được cách ly
Tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 3/2, Việt Nam có 20 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 19 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Đáng chú ý, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly tăng mạnh lên gần 50.000 người do tăng cường cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Thông tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số 20 ca mắc mới COVID-19 (BN1892-1911) có 19 ca cộng đồng tại Hải Dương (14 ca), Quảng Ninh (4 ca), Gia Lai (1 ca) và 1 ca nhập cảnh cách ly ngay tại Quảng Nam.
Gia Lai truy vết ca thứ 14 dương tính với SARS-CoV-2
Trưa 3/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Gia Lai phát thông báo khẩn về việc truy vết các trường hợp tiếp xúc, tiếp xúc gần với ca thứ 14 ở tỉnh dương tính SARS-CoV-2.
Bệnh nhân thứ 14 thường trú tại phường Ia Kring, thành phố Pleiku (Gia Lai), đã tiếp xúc gần với các bệnh nhân số 1840, 1875, 1877. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Gia Lai yêu cầu người dân đã đến các địa điểm có liên quan cần khẩn trương liên hệ với cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại đường dây nóng để được hỗ trợ, tư vấn.
Lịch trình di chuyển của ca bệnh thứ 14 ở Gia Lai.
TP Hồ Chí Minh phong toả quán cà phê ở Bùi Viện nơi BN 1883 từng đến
Sáng 3/2, lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh đã vào cuộc xác minh địa điểm quán cà phê mà BN 1883 (công chứng viên) từng đến sau khi từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh.
Theo điều tra dịch tễ, 6 giờ 30 sáng 29/1, BN bay vào TP Hồ Chí Minh trên chuyến bay của Vietnam Airline. Từ 9-10 giờ ngồi quán cà phê trên phố Bùi Viện, không nhớ rõ số nhà (số lẻ, đầu 2).
Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, có anh L. đón chở vào nhà anh họ ở số 5/20 đường Trường Sơn, anh họ tên Th. Bệnh nhân này ở đó khoảng 30 phút rồi đi bộ ra sân bay. Đến khoảng 21 giờ cùng ngày về đến Hà Nội (Bamboo Airway), gửi xe ở sân bay và tự đi về.
Ngay sau khi nắm được thông tin lịch trình của BN 1883 ở TP Hồ Chí Minh, ngày 3/2 các đơn vị y tế, công an phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) đã tiến hành kiểm tra, truy vết, tìm kiếm địa chỉ quán cà phê mà BN 1883 từng đến.
Bộ Y tế cũng công bố lịch trình của ca bệnh này tại TP Hồ Chí Minh.
Du khách hủy tour hàng loạt, ngành du lịch lại gặp khó
Trong những ngày vừa qua, nhiều công ty du lịch đang liên tục phải giải quyết việc hủy, đổi tour Tết cho du khách. Đây là lần thứ 3 ngành du lịch gặp khó khăn khi dịch COVID-19 lây lan trở lại trong cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, Hiệp hội vừa có công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, UBND TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh kiến nghị chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Nguyên nhân do dịch tái bùng phát ở Hải Dương, Quảng Ninh và Hà Nội… khiến nhiều người dân và du khách TP Hồ Chí Minh đồng loạt hoãn, hủy các tour du lịch, đặc biệt các tour du lịch Tết đăng ký trước đó.
Điều này đã tiếp tục gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp lữ hành. Cụ thể, trong đợt dịch tháng 3/2020, doanh nghiệp du lịch được áp dụng quy định giãn thời gian nộp thuế VAT là 6 tháng. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp vẫn phải đóng đủ, đúng thời gian. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, do hoạt động lỗ nên cũng không áp dụng chính sách này.
Đối với thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp chưa nhận được chính sách hỗ trợ nào và vẫn phải đóng đủ, đúng thời gian. Đối với bảo hiểm xã hội, Nhà nước cho giãn nộp với điều kiện phải cắt giảm trên 50% lao động, doanh nghiệp nào không cắt giảm lao động thì xem như vẫn đóng bình thường. Ngoài ra, việc giảm giá điện đối với cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn mới chỉ áp dụng đến hết năm 2020.
Giá cá chép tăng chóng mặt, tiểu thương chợ Yên Sở hết hàng từ sáng sớm
Tại chợ Yên Sở - chợ cá lớn nhất Thủ đô Hà Nội ngày 22 tháng Chạp, giá mỗi cân cá chép tăng gấp đôi, thậm chí gần gấp 3 so với ngày thường, nhiều tiểu thương không còn hàng để bán.
Từ sáng sớm, chợ cá Yên Sở (làng Sở Thượng, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội) tấp nập người mua kẻ bán. Cá chép ở đây có nguồn gốc từ các tỉnh Hà Nam, Phú Thọ, Ninh Bình... Thương lái từ các chợ đầu mối nhỏ ở Hà Nội như Ngã Tư Sở, Phú Đô, Dịch Vọng,... sẽ về đây lấy hàng. Ngoài ra nhiều tiểu thương ở các tỉnh lân cận cũng đến lấy cá về bán.
Ông Mao Văn Chín, tiểu thương bán cá tại chợ Yên Sở cho biết, trong hai ngày qua, giá cá chép tăng gấp đôi, dự kiến ngày 23 tháng Chạp sẽ tăng hơn nữa. Như sáng 3/2 (tức 22 tháng Chạp), cá chép có giá từ 280.000 – 300.000 đồng/kg. Cá chép cúng ông Công, ông Táo đang bán với giá 30.000 - 50.000 đồng/3 con.
Theo ông Chín, càng gần 23 tháng Chạp, người mua buôn càng đông, số lượng bán ra hiện tại của gia đình ông lên tới vài tạ một ngày, ngày cao điểm có thể bán được đến 1 tấn cá chép.
Hà Nội huỷ 30 điểm bắn pháo hoa vào đêm giao thừa
Hà Nội quyết định không tổ chức bắn pháo hoa tại 30 quận, huyện, thị xã như dự kiến; bên cạnh đó nghiên cứu phương án tổ chức bắn pháo hoa tầm cao đêm giao thừa tại 1 địa điểm thích hợp đáp ứng yêu cầu không tập trung đông người, để truyền hình trực tiếp phục vụ nhân dân.
Sau cuộc họp Thường trực Thành ủy Hà Nội về công tác chống dịch COVID-19 (chiều tối 2/2), trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thường trực Thành uỷ Hà Nội đã yêu cầu huỷ bắn pháo hoa tại 30 điểm trên địa bàn Thủ đô vào đêm giao thừa. Bên cạnh đó, Thành uỷ Hà Nội sẽ nghiên cứu phương án bắn pháo hoa tầm cao tại một điểm duy nhất. Địa điểm đó phải đáp ứng yêu cầu không tập trung đông người để hạn chế lây lan dịch COVID-19.
Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND thành phố nghiên cứu, xem xét mức độ và quyết định sự cần thiết của việc cho phép tổ chức các hoạt động, sự kiện cần thiết, các hoạt động phục vụ nhân dân vui Tết, đón Xuân... trên nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch là ưu tiên hàng đầu.