Hỗ trợ Quảng Ninh mở rộng diện xét nghiệm
Chiều 4/2, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 họp trực tuyến với lãnh đạo Bộ Y tế và tỉnh Quảng Ninh về công tác phòng chống dịch tại Quảng Ninh hiện nay.
Báo cáo tóm tắt công tác phòng chống dịch COVID-19, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Trọng Diện cho biết, tỉnh đã truy vết 81.698 trường hợp, trong đó trên 2.000 trường hợp F1, trên 17.000 trường hợp F2, trên 30.000 trường hợp F3, trên 30.000 trường hợp F4…; qua đó, phát hiện 42 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Quảng Ninh đã làm xét nghiệm cho 36.267 trường hợp, đồng thời đẩy mạnh công tác truy vết trên tinh thần thần tốc, mở rộng đối tượng; nâng cao năng lực xét nghiệm, trả kết quả sớm cho các vùng có dịch.
Ông Nguyễn Trọng Diện cho biết thêm, hiện Quảng Ninh gặp phải một số khó khăn như: việc phối hợp, cung cấp thông tin đôi khi chưa kịp thời; số lượng người mắc COVID-19 lớn dẫn đến số ca cần truy vết nhiều, từ đó gây khó khăn cục bộ về sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị; mất nhiều nhân lực để truy vết, lấy mẫu xét nghiệm… “Tỉnh Quảng Ninh mong muốn Bộ Y tế hỗ trợ nguồn sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế, máy xét nghiệm, quần áo bảo hộ, khẩu trang N95…”, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết.
Tỉnh Quảng Ninh đã họp khẩn cấp để thống nhất cơ chế, cùng với năng lực tại chỗ, Quảng Ninh sẽ thuê dịch vụ xét nghiệm từ các đơn vị đã cung cấp cho một số địa phương bùng phát dịch trước đó (như Hải Dương, Đà Nẵng); từ đó, tăng năng lực lấy mẫu, xét nghiệm, truy vết để làm chủ tình hình dịch bệnh. "Quảng Ninh hoàn toàn làm chủ tình hình, mục tiêu không chỉ không bùng phát, lây lan mà còn đảm bảo tình hình sản xuất kinh doanh, nhất trong dịp Tết Nguyên đán", Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết.
Nhấn mạnh việc cách ly, phong tỏa liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, Phó Thủ tướng biểu dương tỉnh Quảng Ninh trong việc kiên trì thực hiện phương châm “cách ly, phong tỏa trên quy mô nhỏ nhất có thể”. “Nếu chúng ta "vung tay" khoanh vùng cách ly rộng nhất, dài nhất, dễ dàng cho người quản lý nhưng người dân rất khổ. Thay vì phong tỏa cả một huyện, chúng ta chỉ phong tỏa một vài xã. Thay vì phong tỏa một xã, chúng ta phong tỏa một vài thôn và cần tiếp tục phát huy tinh thần đó”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Yêu cầu các nước tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông
Chiều 4/2, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo thường kỳ theo hình thức trực tuyến. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng giải đáp một số câu hỏi của phóng viên liên quan đến Biển Đông.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề Biển Đông, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Việt Nam ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Hoạt động của các bên ở Biển Đông cần đóng góp vào mục tiêu chung này.
Trước đề nghị của phóng viên cho biết phản ứng của Việt Nam khi mới đây, Nhật Bản gửi Công hàm phản đối một Công hàm của Trung Quốc về Biển Đông, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhắc lại lập trường của Việt Nam về các vấn đề liên quan đến Biển Đông là nhất quán và đã được thể hiện trong nhiều dịp khác nhau. Các dân tộc, cộng đồng quốc tế có lợi ích chung về việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông. Theo đó, việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 là thiết yếu.
“Với tinh thần đó, cùng các nước ASEAN, Việt Nam mong rằng tất cả các nước, trong đó có các nước đối tác của ASEAN sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, vì lợi ích chung phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Một lần nữa xin khẳng định, Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này”, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.
Nêu quan điểm liên quan đến việc ngày 1/2 vừa qua, Luật Hải cảnh Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định rõ: Trong việc ban hành và triển khai văn bản pháp luật quốc gia liên quan đến biển, các quốc gia phải có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp, chính đáng đó.
“Việt Nam yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, có trách nhiệm thực thi một cách thiện chí luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, không có các hành động gia tăng căng thẳng, tích cực đóng góp vào việc tạo dựng lòng tin, giữ gìn hòa bình, ổn định, thúc đẩy trật tự quốc tế trên biển, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông”, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Y, bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy lên Gia Lai chống dịch: 'Không có Tết, khi nào hết dịch thì trở về'
Nhận được lệnh của Bộ Y tế, 4 y bác sĩ trong Đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy đã cấp tốc lên đường ngay trong trưa 4/2 để chi viện và xây dựng bệnh viện dã chiến tại Gia Lai.
Đây là đội phản ứng nhanh thứ 2 của Bệnh viện Chợ Rẫy trực tiếp lên đường nhận nhiệm vụ phòng, chống dịch tiếp theo đội số 1 đã lên đường vào sáng 3/2.
Khi lên đến Gia Lai, đội phản ứng nhanh sẽ có nhiệm vụ hướng dẫn quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, sắp xếp phân luồng cách ly, chuẩn bị phòng mổ cho bệnh nhân COVID-19, quản lý điều trị và đặc biệt thành lập bệnh viện dã chiến.
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đội phản ứng nhanh của bệnh viện có hai nhiệm vụ chính. Nhiệm vụ thứ nhất là cùng với Sở Y tế Gia Lai khảo sát và xây dựng hoàn chỉnh 1 bệnh viện dã chiến. Nhiệm vụ thứ 2 là làm việc với Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai, xem đến thời điểm này có cần thiết phải phong tỏa toàn bệnh viện, hay chỉ phong tỏa 1-2 khoa theo đúng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.
Ê kip số 2 lên đường đến Gia Lai lần này gồm bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức tích cực là trưởng đoàn; Ths Điều dưỡng Vương Thị Nhật Lệ, Phó phòng Điều dưỡng; Ths Kỹ sư Lê Hữu Hoàng, Phó khoa Sinh hóa; Kỹ thuật viên Nguyễn Công Doanh, Khoa Huyết học.
Chiều 4/2, Việt Nam có thêm 9 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng
Từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều 4/2, Việt Nam ghi nhận thêm 9 ca mắc COVID-19, đều là lây nhiễm trong cộng đồng.
Tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 4/2, Việt Nam có thêm 9 ca mắc mới COVID-19, đều là các ca cộng đồng.
Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 4/2, Việt Nam có tổng cộng 1068 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 375 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 65.451 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 413 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 24.312 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 40.726 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 4/2, có thêm 4 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh gồm: BN1507, BN1539, BN1545, BN1546.
Hà Nội dừng các hoạt động lễ hội, phố đi bộ quanh hồ Gươm
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Chỉ thị 03 yêu cầu các quận huyện, sở ngành thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết từ ngày 3/2. Đồng thời, không tổ chức liên hoan tất niên, gặp mặt đầu xuân; thực hiện việc hiếu, hỷ văn minh, hạn chế tối đa tập trung đông người và đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tránh lây lan dịch bệnh.
Chỉ thị cũng nêu rõ, thành phố Hà Nội quyết định tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, game, internet cho đến khi có chỉ đạo cho phép hoạt động trở lại của thành phố. Đối với các cơ cở kinh doanh dịch vụ khác phải thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch như trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và đảm bảo giãn cách khi tiếp xúc.
Đối với hoạt động kinh doanh ăn uống, cà phê giải khát là nơi có nguy cơ lây nhiễm trực tiếp, do vậy cần thực hiện giãn cách tối thiểu 2m giữa người với người hoặc giữ khoảng cách 1m và có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà.
Thành phố đồng ý đề xuất của UBND quận Hoàn Kiếm về việc tạm dừng hoạt động Phố đi bộ, từ ngày 5/2/2021 cho đến khi có chỉ đạo mới.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu các quận, huyện, sở, ngành vận động người dân không ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bắt buộc như đeo khẩu trang, không tập trung đông người nơi công cộng, giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; thực hiện khai báo y tế theo quy định; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, viêm phổi... phải đến ngay cơ quan y tế để được hướng dẫn và khám, điều trị kịp thời.
Bốn thanh niên tung tin giả về dịch COVID-19 bị phạt 30 triệu đồng
Đăng thông tin chưa được kiểm chứng lên Facebook, 4 nam nữ thanh niên tại Hà Nội vừa bị xử phạt vì phát tán thông tin giả mạo, sai sự thật với mức phạt 30 triệu đồng.
Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hoàng Thu Tr. (SN 1990) ở Nam Từ Liêm, Hà Nội vì hành vi phát tán tin giả trên Facebook.
Vào ngày 28/1, Tr. đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để đăng tải nội dung và hình ảnh kèm theo về lịch trình di chuyển của một bệnh nhân COVID-19 liên quan đến việc đi hát karaoke có "tay vịn".
Theo Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội, nội dung bài viết trên được các cơ quan chức năng kiểm chứng và khẳng định là thông tin sai sự thật, bịa đặt, gây hoang mang dư luận. Hành vi của Tr. đã vi phạm quy định tại Điều 5, Nghị định số 72/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Một trong các hành vi bị cấm theo quy định này là lợi dụng dịch vụ Internet để đưa thông tin xuyên tạc, vu khống và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật gây xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Hành vi này sẽ bị xử phạt theo Điểm d, Khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin (CNTT) và giao dịch điện tử. Với vi phạm này, bà Trang sẽ phải nộp phạt số tiền là 7,5 triệu đồng và buộc phải gỡ bỏ thông tin vi phạm.
Cùng ngày, Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội cũng đã ra quyết định xử phạt đối với 3 trường hợp khác là Phạm Mạnh Đ. (SN 1993, Hoàn Kiếm - Hà Nội), Trần Thị H. (SN 1993, Thanh Trì, Hà Nội), Hoàng Ngọc A. (SN 1992, Cầu Giấy, Hà Nội).
Phạm Mạnh Đ. bị xử phạt vì đăng tin giả mạo, sai sự thật về đoàn phóng viên, biên tập viên của VTV được vợ BN 1553 phục vụ ăn uống khi thực hiện chương trình “Chiều cuối năm” ở Vân Đồn (Quảng Ninh).
Với Trần Thị H. và Hoàng Ngọc A., cả 2 người này đều cùng chia sẻ thông tin sai sự thật về việc một bệnh nhân COVID-19 đi hát karaoke "tay vịn".
Theo Sở TT&TT Hà Nội, những trường hợp trên đều bị xử phạt về hành vi đưa tin giả, tin sai sự thật và phải nộp phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng. Tổng mức xử phạt của Sở TT&TT Hà Nội đối với 4 trường hợp vi phạm là 30 triệu đồng.