Ngày 17/2, Trung Quốc đưa quân bộ sang Việt Nam. 600.000 quân chia thành 3 mũi tấn công: Lào Cai, Cao Bằng và Lạng Sơn. Trong tình hình đó, Bộ Quốc phòng Liên Xô (cũ) đã quyết định thành lập một tổ tác chiến Quân đội Liên Xô đứng đầu là Đại tướng Gennady Obaturov.
40 năm đã trôi qua, Đại tướng Obaturov đã không còn sống, nhóm công tác khẩn cấp nhiều người cũng đã không còn. Ở thủ đô Moskva chỉ duy nhất còn lại Thiếu tướng Viktor Demyanenko.
Phóng viên TTXVN thường trú tại LB Nga đã có cuộc trò chuyện với vị tướng già đã ngoài 90 tuổi, những ký ức về những ngày tháng làm chuyên gia quân sự tại biên giới phía Bắc Việt Nam vẫn còn vẹn nguyên trong ông.
Vì những đóng góp của mình Thiếu tướng V.Demyanenko được tặng thưởng huân chương vì thành tích trong chiến đấu do đích thân Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Lê Trọng Tấn trao.
Lạng Sơn chỉ còn lại một cây cầu
Ngày 18/2 chúng tôi rời Moskva và ngày 19/2/1979 máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Chúng tôi được đón tiếp và đưa về khách sạn Kim Liên tại Hà Nội, sau đó chúng tôi được Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Văn Tiến Dũng tiếp tại nhà khách Bộ ở số 33 Phạm Ngũ Lão. Sau khi viếng Lăng Hồ Chủ tịch là chúng tôi bắt tay ngay vào công việc.
Chúng tôi được làm quen với kế hoạch tác chiến của Việt Nam, với tình hình mặt trận. Mỗi cố vấn quân sự trong nhóm chúng tôi được phân công một nhiệm vụ mà chúng tôi thực hiện cùng với các cấp dưới là quân nhân Việt Nam. Tôi làm việc với tư cách là cố vấn Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu Quân đội Việt Nam. Ngày 19/2 quân Trung Quốc đã vào đến Lào Cai và tiếp tục tấn công theo hướng Cao Bằng và Lạng Sơn.
Chúng tôi di chuyển chủ yếu bằng ô tô cùng với bảo vệ Việt Nam. Tôi còn nhớ phiên dịch của tôi tên là Kiêu (Kiều, Cường?) người thấp nhỏ và rất giỏi tiếng Nga, còn cần vụ tên là Hạnh (Thành?).
Chặng đường đầu tiên của chúng tôi tại Việt Nam vậy là sân bay, khách sạn Kim Liên, nhà khách 33 Phạm Ngũ Lão và tỉnh Lạng Sơn. Quãng đường đó còn được chúng tôi lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt thời gian làm cố vấn cho Quân đội Việt Nam. Tôi từng tham gia Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại 1941-1945 và giờ đây trước mắt tôi tái hiện cảnh đoàn người rồng rắn nhau đi sơ tán, toàn phụ nữ và trẻ em thôi, họ đi bộ, còn tất cả đàn ông đều ở lại chiến đấu. Tôi không thể nào quên những câu nói cầu cứu được nghe ngày ấy trên đường. Người dân đã mất tất cả nhà cửa, nhiều người mất người thân.
Lạng Sơn đón chúng tôi chỉ bằng toàn những hoang tàn đổ nát, tôi nhớ chỉ còn sót lại duy nhất một cây cầu đường sắt. Cho đến nay tôi chưa có dịp quay trở lại nơi đó song được biết là Việt Nam đã thay da đổi thịt, xây dựng lại to đẹp hơn nhiều.
Người đích thân lên biên giới đầu tiên là Tướng Obaturov. Ông đến Lạng Sơn, nơi đang diễn ra các giao tranh ác liệt với lực lượng quân vượt trội của Trung Quốc. Lạng Sơn là nơi trọng yếu vì đây là cửa ngõ về thủ đô Hà Nội, chỉ cách có 150 km. Trung Quốc cũng cử lực lượng đông nhất tấn công vào mũi này.
Không sức mạnh nào bằng chính nghĩa
Chiến thắng trong cuộc chiến tranh ấy theo tôi là công đầu của tinh thần quả cảm, quyết tâm của Quân đội Việt Nam. Tôi còn nhớ lực lượng chiến đấu ở các địa phương này chủ yếu là dân quân tự vệ, nhưng họ đã thể hiện lòng dũng cảm và hy sinh cao nhất để chống lại quân Trung Quốc.
Ngày nay ai cũng biết về quyết định của Tổng bí thư rút một quân đoàn chủ lực từ biên giới Tây Nam về chi viện cho biên giới phía Bắc, và tôi tự hào là một trong ba người đã góp ý kiến tham vấn cho Tổng bí thư để đi đến quyết định đó. Ba người đó gồm Tướng Obaturov, lãnh đạo nhóm tình báo và tôi. Lực lượng tăng cường đó cùng với đơn vị pháo phản lực BM-21 đã tạo thành tấm lá chắn bảo vệ thủ đô kể cả khi Lạng Sơn thất thủ.
Song cho dù với vũ khí hay chuyên gia thế nào, thì cũng chỉ có lòng quả cảm, tinh thần yêu nước, quyết tâm sắt đá bảo vệ lãnh thổ của quân đội Việt Nam mới đẩy lùi được quân Trung Quốc.
Vì là chuyên gia nên chúng tôi không tham chiến trực tiếp mà chỉ làm công tác cố vấn về chiến lược. Chúng tôi không có mặt tại trận địa, song đọng lại trong tôi và các tướng lĩnh khác trong nhóm là hình ảnh của cả một dân tộc Việt Nam anh dũng, đã quyết thà hy sinh chứ nhất định không để mất một tấc đất quê hương. Dù ít hơn, dù được trang bị kém hơn, nhưng chính bằng lòng dũng cảm và tự tin vào chính nghĩa khi bảo vệ lãnh thổ mà quân và dân Việt Nam đã từng bước làm suy yếu các cuộc tấn công của địch để rồi quân Trung Quốc phải rút quân hoàn toàn từ ngày 5/3. Họ đã thực hiện đúng từng lời Bác Hồ nói: “Không có gì gì quý hơn độc lập, tự do”.
“Phải bảo vệ Việt Nam bằng mọi giá”
Bên cạnh đó, là một nhà chiến lược quân sự chính quy, tôi cần chỉ ra rằng những cuộc tập trận chiến lược lớn mà Liên Xô tiến hành lúc bấy giờ ở biên giới phía Bắc Trung Quốc đã góp phần khiến Trung Quốc chùn chân tại Việt Nam.
"Đọng lại trong tôi và các tướng lĩnh khác trong nhóm là hình ảnh của cả một dân tộc Việt Nam anh dũng, đã quyết thà hy sinh chứ nhất định không để mất một tấc đất quê hương".
Nhóm chuyên gia chúng tôi có nhiệm vụ tổng hợp, phân tích thông tin từ chiến trường, từ đó đưa ra các kết luận và đề xuất thích hợp trong tác chiến. Hàng ngày chúng tôi đều có báo cáo về Bộ Tổng tham mưu Quân đội Liên Xô, trong điều kiện khó khăn lúc đó nhưng đường dây liên lạc trực tiếp giữa chúng tôi và Tổng tham mưu trưởng luôn được duy trì. Ví dụ việc Lạng Sơn thất thủ không hề là bất ngờ. Trước đó tôi đã báo cáo với Tổng tham mưu trưởng Nikolai Ogarkov rằng với tương quan lực lượng như vậy thì Lạng Sơn sẽ khó mà cầm cự được quá hai ngày. Thực tế đã diễn ra đúng như vậy.
Khi nhóm chúng tôi được thành lập tại Moskva, mệnh lệnh cho chúng tôi từ Bộ Tổng tham mưu là: “Hãy tìm mọi biện pháp, mọi phương tiện để bảo vệ Việt Nam”.
Là một cựu chiến binh Chiến tranh Vệ quốc, tôi có thể nói rằng cuộc chiến lúc đó tại biên giới Việt Nam là chiến tranh thực thụ với tất cả những tàn phá điển hình của nó. Trung Quốc đưa quân đội chính quy với vũ khí hiện đại sang tấn công, các trận chiến diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam.
Lực lượng của Việt Nam ít hơn hẳn, và vừa trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ khốc liệt, thêm vào đó còn phải cùng lúc căng mình trên nhiều mặt trận: phía Tây Nam với Khmer Đỏ, phía biên giới Lào với phỉ Vàng Pao, phía miền Trung với lực lượng Phun-rô. Do đó quân đội Việt Nam đã chọn cách đánh kiểu du kích, không tấn công trực diện mà gây quấy rối liên tục, không để kẻ thù yên ổn, theo dõi và tấn công bất ngờ.
Sau Việt Nam, tôi trở về Liên Xô và tiếp tục phục vụ trong quân đội. Sau đó tôi còn được bổ nhiệm làm trưởng nhóm chuyên gia và cố vấn quân sự Liên Xô tại Cuba. Thú vị là tại Cuba tôi đã gặp lại các bạn Việt Nam của mình cũng đang là chuyên gia tại đây. Chúng tôi đều là các chiến sĩ quốc tế.
Những bài học chiến tranh
Là người lính cống hiến 45 năm cuộc đời cho binh nghiệp tôi tất nhiên cho rằng bài học thứ nhất là phải có một quân đội mạnh, trang bị hiện đại, có đầy đủ các lực lượng. Là nhân chứng những ngày lịch sử nơi biên giới phía Bắc Việt Nam, bài học thứ hai là sức mạnh nằm ở lòng yêu nước, tình yêu Tổ quốc và sự hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Hai bài học đó cũng là điểm chung giữa nhân dân Liên Xô và nhân dân Việt Nam, là nền tảng để tình hữu nghị giữa hai nước bền chặt như ngày nay.
Trong chiến tranh không phải lúc nào kẻ mạnh cũng thắng kẻ yếu, nhất là khi chính nghĩa không thuộc về phe mạnh. Suốt những ngày chiến tranh ác liệt đó, kể cả khi cục diện chiến trường hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam, tôi không bao giờ nhận thấy ở các sĩ quan Việt Nam quanh tôi một dấu hiệu nghi ngờ nào vào chiến thắng! Song là người đi qua chiến tranh, tôi không bao giờ muốn lặp lại những ngày tháng đó.
Khi nhận nhiệm vụ đi Việt Nam, chúng tôi đều để lại gia đình ở Liên Xô. Chia tay tôi, vợ tôi giấu kín nỗi lo lắng khi chồng mình đi đến điểm nóng chiến sự ở một đất nước quá xa xôi mà chỉ chúc tôi mạnh khỏe, để thực hiện nghĩa vụ của người lính quốc tế một cách có thể tự hào. Và tôi có thể nói rằng trong cuộc binh nghiệp của mình, tôi đã không hề phân biệt Việt Nam, Liên Xô hay Cuba, luôn cố gắng bảo vệ Việt Nam như tôi đã bảo vệ đất nước mình. Tôi tự coi mình là người yêu nước Việt Nam.