Quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ
Là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, lại vừa phải đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược của tập đoàn Pol Pot Ieng Sary ở biên giới Tây Nam nên Việt Nam không muốn có chiến tranh và luôn tìm mọi cách để tránh điều đó.
Tuy nhiên, rạng sáng ngày 17/2/1979, chúng ta đã phải đương đầu với một cuộc chiến trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, diễn ra trên địa bàn 6 tỉnh, từ Quảng Ninh cho đến Lai Châu được phân chia thành 2 cánh: Cánh chủ yếu và cánh thứ yếu. Cánh quân chủ yếu tiến công chính diện từ Cao Bằng đến Móng Cái, cánh quân thứ yếu tiến công chính diện từ Hà Tuyên đến Lai Châu.
Cuộc chiến diễn ra trong thời gian ngắn (từ 17/2 đến 18/3/1979), quy mô lớn, tiến công đồng loạt, ồ ạt với nhiều trọng điểm, chiều sâu trung bình từ 10 - 20 km, có nơi vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam tới 40 - 50 km như thị xã Cao Bằng, Tài Hồ Xìn, phố Lu…
Sau gần một tháng đánh chiếm nhiều địa bàn trọng yếu và tàn phá hạ tầng cơ sở kinh tế, văn hóa ở các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam, trước sức ép phản đối kịch liệt của dư luận trong nước, quốc tế và bị tổn thất nặng nề; ngày 5/3/1979, quân xâm lược buộc phải tuyên bố rút quân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Với mong muốn có hòa bình và củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị cho quân và dân trên tuyến biên giới phía Bắc ngừng mọi hoạt động tiến công quân sự để cho đối phương được rút quân và phương tiện chiến tranh về nước. Tuy nhiên, trên đường rút họ vẫn tiếp tục phá hoại nhiều cơ sở kinh tế, công trình văn hóa... tại các tỉnh biên giới của Việt Nam. Và những xung đột còn kéo dài suốt 10 năm sau đó.
40 năm đã trôi qua, nhưng nỗi đau của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc vẫn còn đó. Mảnh đất này vẫn còn nhiều những dấu tích chiến tranh. Cho đến nay, vẫn chưa có con số thống kê chính xác những tổn thất về người và vật chất của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và chống lấn chiếm ở biên giới phía Bắc.
Tuy nhiên, chỉ thống kê ở một mặt trận Vị Xuyên thôi cũng đủ thấy sự khốc liệt của cuộc chiến và những đau thương, mất mát. Theo thống kê của Ban liên lạc Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, từ năm 1984 đến năm 1989, đã có hơn 4.000 bộ đội Việt Nam hy sinh, hàng nghìn người bị thương, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt.
Dẫu vậy, người dân các tỉnh biên giới phía Bắc, những người lính đã từng chiến đấu tại đây, kể cả những người may mắn được sống sót trở về cũng như những vong hồn của những người đã hòa mình vào lòng đất biên cương của Tổ quốc vẫn có quyền tự hào, bởi họ là những người viết nên khúc tráng ca bất tử trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc.
Cuộc chiến đấu của quân dân Việt Nam chứng minh tính chính nghĩa tất thắng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; phản ánh đúng hiệu quả của sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam thời hiện đại.
U22 Việt Nam quyết tâm giành chiến thắng
Trận đấu giữa U22 Việt Nam gặp U22 Phillippines trong khuôn khổ giải U22 Đông Nam Á - LG Cúp 2019 sẽ diễn ra vào lúc 15h30 hôm nay 17/2.
Phát biểu tại cuộc họp báo trước trận đấu, HLV trưởng đội tuyển U22, Nguyễn Quốc Tuấn một lần nữa khẳng định quyết tâm sẽ cùng các học trò nỗ lực hết mình trong từng trận đấu để giành chiến thắng ở đấu trường này.
HLV Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, toàn đội rất hào hứng để bước vào giải đấu. Dù U22 Việt Nam không thể mang đến giải đội hình tốt nhất nhưng đây cũng sẽ là cơ hội để các cầu thủ khác phát huy khả năng của mình.
“Chúng tôi sẽ tập trung cao độ để giải quyết từng trận đấu một và qua đó giành chiến thắng. Đội tuyển U22 Việt Nam đã sẵn sàng tuyệt đối để hướng đến trận đấu đầu tiên”, HLV Nguyễn Quốc Tuấn cho biết.
Đối thủ của U22 Việt Nam vào chiều 17/2 là U22 Philippines không được chuẩn bị tốt cho giải đấu này. Theo trợ lý Anto Gonzales, đội chỉ có 2 tuần tập trung chuẩn bị cho giải đấu. Về lực lượng, phần lớn các tuyển thủ Philippines tham dự giải trưởng thành từ các trường Đại học của Phillippines và chỉ một số ít đang thi đấu cho vài đội thuộc giải VĐQG Phillippines.
Viện Kiểm sát kháng nghị một phần bản án sơ thẩm vụ án Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm
Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 06/QĐ-VKS (P3) kháng nghị một phần Bản án hình sự sơ thẩm số 48/2019/HS-ST ngày 30/1/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử bị cáo Phan Văn Anh Vũ (sinh năm 1975, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Xây dựng Bắc Nam 79, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Nova Bắc Nam 79; cựu Thượng tá, Phó Trưởng Phòng Tổng cục V, Bộ Công an) và 4 đồng phạm về các tội: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong quyết định kháng nghị, VKSND thành phố Hà Nội nhận định: Bản án hình sự sơ thẩm số 48/2019/HS-ST ngày 30/1/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xác định thiệt hại và quyết định áp dụng biện pháp tư pháp trong vụ án là không đúng bản chất và trái quy định của pháp luật.
Cụ thể, đối với việc xác định thiệt hại của Nhà nước tại 7 dự án bất động sản, kết quả điều tra xác định: Phan Văn Anh Vũ cùng đồng phạm đã lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ để được nhận 7 dự án nhà, đất công sản không phải qua đấu giá và được hưởng các ưu đãi khác nhằm hưởng lợi bất chính, như vậy việc giao các dự án này là trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Tính đến thời điểm khởi tố, tại các dự án trên, Vũ là người trực tiếp quản lý, sử dụng và được hưởng lợi. Trong thời gian này, Nhà nước đã mất đi quyền quản lý, khai thác sử dụng các tài sản công. Hành vi phạm tội của Vũ cùng đồng phạm không phải là hành vi chiếm đoạt mà là hành vi gây thiệt hại cho Nhà nước vì mục đích vụ lợi và được kéo dài từ thời điểm được giao tài sản đến thời điểm bị khởi tố.
Do đó, theo Viện Kiểm sát, thiệt hại trong trường hợp này cần phải được tính tại thời điểm khởi tố là hơn 1.159 tỷ đồng mới phù hợp với thực tế. Việc bản án sơ thẩm chỉ tính thiệt hại ngay tại thời điểm giao đất với số tiền hơn 135 tỷ đồng là chưa đánh giá đúng bản chất của vụ án cũng như hậu quả mà các bị cáo đã gây ra cho Nhà nước và xã hội.
Mặt khác, VKSND thành phố Hà Nội cho rằng, việc Tòa án tuyên thu hồi 7 dự án nhà, đất đã kê biên nêu trên để nộp vào ngân sách Nhà nước là không đúng quy định, bởi các dự án này do UBND thành phố Đà Nẵng và UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất là trái các quy định tại các Điều 55, 56 và 118 - Luật Đất đai năm 2013 nên phải áp dụng pháp luật chuyên ngành là Luật Đất đai năm 2013 làm căn cứ để giải quyết. Viện Kiểm sát đã viện dẫn các quy định tại Điều 64, Điều 66 - Luật Đất đai năm 2013, thẩm quyền thu hồi đất thuộc UBND cấp tỉnh.
Như vậy, việc xử lý 7 dự án nhà đất công sản trên cần phải tuyên theo hướng: Hủy các quyết định giao đất trái pháp luật của UBND thành phố Đà Nẵng và UBND Thành phố Hồ Chí Minh; giao cho UBND thành phố Đà Nẵng và UBND Thành phố Hồ Chí Minh thu hồi, quản lý và xử lý theo quy định của pháp luật 6 cơ sở nhà đất; giao cho Bộ Công an phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất biện pháp thu hồi đảm bảo không thất thoát tài sản Nhà nước đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho những người có liên quan.
Trên cơ sở những nhận định này, VKSND thành phố Hà Nội đã quyết định kháng nghị phần xác định thiệt hại của vụ án và quyết định về biện pháp tư pháp của Bản án hình sự sơ thẩm số 48/2019/HS-ST ngày 30/1/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
Đồng thời, đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng sửa Bản án hình sự sơ thẩm về việc xác định thiệt hại, thu hồi tài sản và tịch thu tài sản sung quỹ Nhà nước như đã phân tích trên theo đúng quy định của pháp luật.