Thăm lại “thủ đô” kháng chiến Lộc Ninh

Trở lại Lộc Ninh đúng vào dịp địa phương này đang long trọng kỷ niệm 40 năm giải phóng (7/4/1972-7/4/2012). Đi đến đâu cũng thấy rất rõ Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong huyện vô cùng phấn khởi đón chào một sự kiện trọng đại trong lịch sử đấu tranh cách mạng của huyện nhà. Đó là ngày thắng lợi của chiến dịch Nguyễn Huệ giải phóng hoàn toàn huyện Lộc Ninh. Sự kiện đó không chỉ làm nức lòng quân và dân trong huyện, mà còn mang lại một niềm vui lớn cho toàn Đảng, toàn quân và đồng bào cả nước.

Các cựu chiến binh thăm lại chiến khu xưa.

Theo cán bộ lão thành cách mạng Trịnh Lương Sơn, người cả cuộc đời đã sống, chiến đấu và làm việc cho đến nghỉ hưu ở huyện Lộc Ninh thì chiến thắng 7/4/1972, là chiến thắng của đường lối chính trị, quân sự đúng đắn của Đảng ta. Là thắng lợi của quá trình đấu tranh cực kỳ gian khổ hy sinh của quân và dân ta, đã phá tan bức tường thép bảo vệ cửa ngõ Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của Mỹ - ngụy, mở ra bước ngoặt chiến lược cách mạng ở vùng biên giới, thành lập chính quyền cách mạng, xây dựng đoàn thể quần chúng, góp phần làm suy yếu thế và lực của địch. Cổ vũ tinh thần đấu tranh của quân và dân toàn Miền Nam.

Chiến thắng 7/4/1972 tạo điều kiện cho Lộc Ninh trở thành một trong những trung tâm chính trị, quân sự quan trọng của cách mạng Miền Nam. Sau giải phóng, Lộc Ninh trở thành Thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, nơi đoạn cuối đường mòn Hồ Chí Minh, nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến lớn, nơi đặt căn cứ của Quân ủy - Bộ chỉ huy Miền và trụ sở làm việc với các phái đoàn quân sự 4 bên, tiếp khách Quốc tế theo tinh thần của Hiệp định Pari ký kết ngày 27 tháng giêng năm 1973, nơi đây đã diễn ra sự kiện xúc động là đón những người con ưu tú của Tổ quốc từ các nhà tù của Mỹ - ngụy chiến thắng trở về.

Trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Lộc Ninh vinh dự được chọn đặt sở chỉ huy của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, từ đây đã truyền đi những quyết định quan trọng của TW Đảng và Bộ chỉ huy chiến dịch trong những giờ phút trọng đại của dân tộc, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sắp kết thúc. Từ chiến thắng 7/4/1972 giải phóng Lộc Ninh, đến toàn thắng 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam là một sự phát triển liên tục của quá trình cách mạng không ngừng, thể hiện sinh động về tính đúng đắn của đường lối chính trị, quân sự của Đảng ta.

Theo Bí thư Huyện ủy Lộc Ninh, Nguyễn Thanh Vân, năm tháng rồi sẽ qua đi nhưng chiến thắng 7/4 đã đi vào lịch sử, kết tinh trong những giá trị thành quả hôm nay và mai sau.

40 năm đã trôi qua, Đảng bộ, quân và dân Lộc Ninh đã trải qua một chặng đường gay go thử thách, nhưng cũng đã viết tiếp được những trang sử rất đáng tự hào. Đi vào xây dựng, củng cố vùng mới giải phóng trong điều kiện bị chiến tranh tàn phá nặng nề, đời sống nhân dân còn vô vàn khó khăn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân huyện Lộc Ninh đã kiên trì dũng cảm vừa đẩy mạnh các hoạt động hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế; đặc biệt là giai đoạn trước giải phóng Sài Gòn 30/4/1975, Lộc Ninh đã chủ động đánh thắng kẻ địch, từng bước ổn định đời sống nhân dân, góp phần bảo vệ vững chắc vùng căn cứ cách mạng.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975), bước vào xây dựng cuộc sống mới chưa được bao lâu, Đảng bộ và nhân dân huyện nhà lại cùng cả nước đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, Lộc Ninh lại trở thành một chiến trường trọng điểm. Với truyền thống anh hùng và ý chí không ngại hy sinh gian khổ, vượt lên mọi khó khăn thử thách, kiên cường bám trụ, đóng góp mồ hôi, xương máu cùng quân, dân cả nước đập tan cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ An ninh Quốc gia và góp phần thực hiện nhiệm vụ Quốc tế cao cả với nước bạn Campuchia.

Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) là một sự nghiệp mới mẻ, phức tạp và không ít khó khăn đối với Lộc Ninh. Trong thời gian đầu mới giải phóng, là một địa bàn phức tạp về địa hình, cơ sở hạ tầng yếu kém sau những năm bị chiến tranh phá hoại, các cơ sở sản xuất bị tê liệt lại xa trung tâm văn hóa - kinh tế của tỉnh Bình Phước, trình độ dân trí thấp cùng với biết bao tồn đọng chiến tranh để lại. Với hành trang ấy, Lộc Ninh cùng với cả nước bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội trước những thách thức to lớn.

Qua 26 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng đã đưa đến cho Lộc Ninh một sự thay đổi vượt bậc. Mặc dù có những thời điểm đứng trước những khó khăn do thiên tai, tác động xấu của khủng hoảng tài chính và biến động của thị trường khu vực và thế giới, nhưng nền kinh tế xã hội của huyện vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định, bình quân hàng năm đạt trên 13%, đời sống xã hội có những bước tiến bộ đáng kể, thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2011 đạt 21 triệu đồng/người/năm. Từ sự tăng trưởng kinh tế xã hội đó đã tác động tích cực đến các lĩnh vực của đời sống xã hội tạo nên bộ mặt mới cho một huyện miền núi biên giới.

Hiện nay, ở Lộc Ninh hầu hết đường giao thông đã đảm bảo các loại xe vận tải đến được hầu hết các ấp, 100% xã có đường nhựa đến trung tâm, đến hết năm 2011, có 89,86% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Hầu hết các trụ sở làm việc của các cơ quan ban ngành và các xã đều được xây dựng mới, khang trang, sạch đẹp. Một số công trình khác như: Công viên văn hóa, nhà thiếu nhi, bệnh viện huyện đã được đầu tư xây dựng đi vào sử dụng làm cho bộ mặt huyện ngày càng thay đổi phát triển.

Công tác xóa đói giảm nghèo được Đảng bộ và các cấp các ngành đặc biệt quan tâm. Với phương châm: Phát huy tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau, tận dụng nhiều nguồn vốn, tổ chức nhiều phong trào để khắc phục tình trạng đói nghèo trong nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc ít người. Hiện nay, trong toàn huyện không còn hộ đói, hộ nghèo giảm xuống còn 8,34% . Đây là một thành công của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà.

Từ nay đến năm 2015, Đảng bộ và nhân dân Lộc Ninh quyết tâm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 13,5% trở lên. Tiếp tục đầu tư xây dựng nâng cấp các công trình phục vụ đời sống, từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Ưu tiên đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc, không để tái đói nghèo. 100% cơ sở y tế xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia. Duy trì tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được đến trường và kết quả phổ cập THCS, hoàn thiện mạng lưới trường lớp ở các cấp học. đến 2015, 100% xã-thị trấn có trường mẫu giáo, trường tiểu học và trung học cơ sở; số hộ sử dụng điện đạt 95%. Số hộ dân sử dụng nước sạch sinh hoạt đạt 96%, môi trường sinh thái được bảo vệ; xây dựng 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Việt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN