Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã: Phải đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

Sáng 26/3, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch sắp xếp, mẫu hồ sơ đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021. 

Nhiều băn khoăn khi sáp nhập đơn vị hành chính

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ tạo ra sự thay đổi tích cực, phát huy nguồn lực, tiềm năng phát triển của địa phương, giúp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế... Tuy nhiên, đây là việc khó, nhạy cảm, nên cần phải thống nhất cao trong nhận thức và hành động. 

Hà Nội từ năm 1976 đến nay đã qua 3 lần chia tách, sáp nhập. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, hợp nhất Hà Nội với Hà Tây, Hà Nội đã bàn bạc rất kỹ. Sau 10 năm cho thấy, việc hợp nhất này đem lại tiềm năng phát triển to lớn cho thành phố, đời sống nhân dân nâng lên rõ rệt cả vật chất và tinh thần.

Kinh nghiệm thực tiễn của Hà Nội là trước khi sắp xếp phải nhận diện rõ các đơn vị hành chính từ huyện đến xã và đề ra nguyên tắc, tiêu chí khung trong việc sắp xếp. Ngoài quy mô dân số, diện tích, cần xem xem xét về cơ cấu kinh tế, kết nối hạ tầng, vị trí địa lý, yếu tố lịch sử văn hóa,... bởi mỗi thôn làng đều có yếu tố văn hóa riêng nên các cơ quan tham mưu cần nghiên cứu kỹ và phải làm tốt công tác tuyên truyền, nhất quán từ  nhận thức đến hành động.

"Việc sắp xếp tách ra thì dễ nhưng sáp nhập vào là việc rất khó, đòi hỏi phải thống nhất cao trong nhận thức và hành động triển khai thực hiện", bà Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý. 

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng, sau sáp nhập bao giờ cũng có dư dôi cán bộ, vì vậy việc quan tâm giải quyết chế độ chính sách cho số cán bộ này. Bà đồng tình về lộ trình khi sáp nhập, hợp nhất mỗi năm giảm 20% biên chế; đề nghị Bộ Nội vụ cần có hướng dẫn cơ chế chính sách đặc thù cho cán bộ dôi dư. Nếu không làm tốt việc này sẽ tạo nguy cơ mất ổn định. Lộ trình thực hiện sáp nhập, hợp nhất huyện xã nên làm từng bước, không làm đồng bộ một lúc sẽ gây xáo trộn, ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2019 – 2020.

Đại diện Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An bày tỏ băn khoăn có nên chia ra 2 lộ trình sáp nhập xã và huyện, nếu nhập xã giao cho tỉnh còn nhập huyện giao cho Trung ương quyết định. Về lựa chọn cán bộ đứng đầu sau sáp nhâp, Bộ Nội vụ cần hướng dẫn cụ thể nếu nhập 2-3 xã thì ai là Chủ tịch? Hay Bí thư đoàn thanh niên, Chủ tịch MTTQ cũng quy định bầu trong Đại hội nhưng chưa tổ chức Đại hội thì bầu ai, cử ai, lựa chọn thế nào? 

Còn theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải, nếu việc sáp nhập thực hiện 2 đợt vào năm 2019 và 2020 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đại hội Đảng bộ các cấp. Đến quý I/2020 mới sáp nhập các xã cuối cùng thì tính toán, sắp xếp nhân sự cũng như chuẩn bị phương án nhân sự cho đại hội không thể kịp. Nếu kéo dài tiến độ đại hội cấp xã thì ảnh hướng đến đại hội cấp huyện, cấp tỉnh. Ông đề nghị sáp nhập huyện, xã 1 lần trong năm 2019, không kéo dài sang năm 2020. 

“Việp sắp xếp không phải sáp nhập bằng mọi giá, chỉ khuyến khích thêm những nơi có điều kiện nên không chia thành 2 giai đoạn làm gì”, ông Ngô Đông Hải nói.

Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa, Trần Quốc Huy cho hay, là tỉnh có diện tích lớn, dân số đông và nhiều đơn vị hành chính, theo Nghị quyết, đợt này Thanh Hóa phải sáp nhập 66 xã, chưa kể lồng ghép 26 thị trấn, lộ trình, thủ tục khá phức tạp. Xuất phát từ thực tế, tỉnh chủ động triển khai trước khi Nghị quyết 653 ban hành, tập huấn cho cán bộ cấp huyện về mặt nghiệp vụ và cụ thể hóa một số việc phù hợp tình hình thực tế ở địa phương. Thanh Hóa đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Chủ tịch UBND làm trưởng ban với sự tham gia của cấp trưởng các cấp, ngành.

Ông Trần Quốc Huy lo lắng sáp nhập xã sẽ gặp khó trong vấn đề cán bộ. Trong lộ trình 5 năm bảo lưu vị trí, vẫn phải đảm bảo trả đủ chính sách. Ông cho rằng, nếu đơn vị hành chính có 3 xã sáp nhập lại, các chức danh được bầu sẽ phải luân chuyển chứ không thể ở đó bảo lưu chế độ.  

Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng băn khoăn về vấn đề xã miền núi sáp với miền xuôi thì áp dụng chính sách theo khu vực miền núi hay miền xuôi ? 

Không sắp xếp bằng bất cứ giá nào

Giải đáp băn khoăn của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, trong quá trình sáp nhập, nếu không cẩn thận sẽ mang tính cơ học. Ông đề nghị các địa phương bám sát Nghị quyết của Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có nguyên tắc sáp nhập phải đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

“Đây là dịp thực hiện tốt Nghị quyết 18 về sắp xếp, tinh gọn bộ máy nên hết sức tránh hợp nhất hết đội ngũ cán bộ công chức của 2,3 xã vào nhau mang tính cơ học. Khi sáp nhập cố gắng rà soát đánh giá, phân loại cán bộ công chức. Đội ngũ dôi dư có nhiều trường hợp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì giải quyết theo chính sách tinh giản biên chế; những trường hợp có đủ điều kiện tiêu chuẩn có thể dự tuyển vào các cơ quan khác, bố trí công việc khác", Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, đây là hội nghị quan trọng, cố gắng từ nay đến cuối tháng 3/2019 trình Chính phủ kế hoạch để đầu tháng 4/2019 có thể thực hiện. Ông đề nghị Ban Tổ chức Trung ương có hướng dẫn, sắp xếp bộ máy trong hệ thống chính trị, tiến tới Đại hội Đảng các cấp thời gian tới. Các đơn vị trong Bộ xây dựng hướng dẫn sắp xếp, phân loại đô thị để ngay khi Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện thì các địa phương cũng có hướng dẫn này. Căn cứ tiêu chuẩn đơn vị hành chính, Sở Nội vụ giúp UBND tỉnh rà soát các đơn vị hành chính, trong đó có dân số diện tích dưới 50%, khuyến khích các xã tự nguyện sáp nhập. Diện tích tự nhiên tính theo diện tích tự nhiên đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dân số theo số liệu của Tổng cục Thống kê thời gian gần nhất. Các đơn vị cung cấp cho các địa phương ngay trong tháng 4, không cần chờ Nghị quyết của Chính phủ.

Bộ trưởng Nội vụ cũng đề nghị các địa phương thực hiện, trừ trường hợp đặc thù, Bộ Nội vụ sẽ có hướng dẫn nếu ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, văn hóa. Các đơn vị hành chính mới sáp nhập phải đạt đủ điều kiện, tiêu chí. Trường hợp 2 đơn vị sáp nhập nhưng bị chia cắt về vị trí địa lý thì không phải sáp nhập. Địa phương cũng cần cân nhắc vấn đề truyền thống lịch sử, văn hóa, đảm bảo sắp xếp ổn định và phát triển, không sắp xếp bằng bất cứ giá nào.

Ông đề nghị Sở Nội vụ giúp các địa phương rà soát, báo cáo, cố gắng hoàn thành sắp xếp cấp xã, huyện trong năm 2019. Các xã, huyện tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện cho hộ gia đình chứ không phải tất cả những người từ 18 tuổi trở lên. Trong quá trình rà soát, sắp xếp đơn vị hành chính, thực hiện đánh giá lại đội ngũ cán bộ. Sở Nội vụ có kế hoạch và lộ trình sắp xếp, sau 5 năm trở lại biên chế ban đầu đối với biên chế được giao, không giao mỗi năm 20%. Trong quá trình sắp xếp cần chú trọng việc chuyển đổi giấy tờ và ổn định cuộc sống cho người dân. Chứng minh nhân dân hết hạn mới đổi, sổ đỏ khi chuyển đổi mới cần đổi, khai sinh là suốt đời…

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
Lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Ngày 17/12, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức hội nghị lấy ý kiến về các nội dung cần được sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN