Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến đối với 7 nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Chính phủ. Cụ thể, nội dung thay đổi thứ nhất, Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện (bổ sung tại khoản 3, Điều 23).
Thứ hai, bổ sung vào Điều 23 theo hướng giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định tiêu chí thành lập tổ chức thuộc cơ cấu của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn đặc thù thuộc cấp tỉnh… ; bỏ khoản 10 Điều 28 quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc “Quyết định các tiêu chí, điều kiện thành lập hoặc giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện”.
Thứ ba, bỏ cụm từ “và thống nhất” trong quy định tại điểm b khoản 2 Điều 28, bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương (tại điểm b khoản 2 Điều 28). Thứ tư, bổ sung quy định về phân cấp của Chính phủ trong việc quản lý công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính của bộ máy nhà nước đối với những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ.
Thứ năm, bỏ quy định thẩm quyền của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc “quyết định thành lập các tổ chức phối hợp liên ngành” (tại khoản 8 Điều 34). Đồng thời, cần sửa đổi quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết định thành lập các tổ chức phối hợp liên ngành (tại khoản 10 Điều 28). Thứ sáu, bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định thực hiện thí điểm những mô hình mới về tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ…; sửa đổi khoản 5 Điều 34 và khoản 9 Điều 34.
Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, có 5 nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung gồm sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản liên quan đến việc thực hiện cơ chế phân quyền, phân cấp, ủy quyền trong các cơ quan của HĐND và UBND các cấp; sửa đổi, bổ sung các điều, khoản liên quan đến việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, HĐND và UBND các cấp; đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tổ chức của HĐND và UBND các cấp để tinh gọn bộ máy; đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc quy định mới một số nội dung liên quan đến việc quy định rõ, cụ thể hơn cơ chế, cách thức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ đại biểu HĐND và việc tổ chức hội nghị trao đổi, đối thoại giữa UBND cấp xã với nhân dân; sửa đổi, bổ sung quy định việc nhập đơn vị hành chính giải quyết tranh chấp địa giới đơn vị hành chính.
Sau khi lấy ý kiến góp ý, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ tập hợp để trình lên Quốc hội xem xét, thông qua những nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.