Tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, việc triển khai xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị Hà Nội là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền thành phố, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị là nhiệm vụ quan trọng, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo thực hiện nhằm đáp ứng những yêu cầu thực tiễn về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền đô thị các cấp.
Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa quốc gia. Khu vực đô thị của thành phố với kết cấu hạ tầng kỹ thuật đã được xây dựng cơ bản đồng bộ, thống nhất và tương đối hoàn chỉnh, không phụ thuộc vào địa giới hành chính quận, phường. Tại các huyện, xã đang diễn ra quá trình đô thị hóa nhanh chóng, các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống của nhân dân có sự đan xen giữa các yếu tố của nông thôn và đô thị.
Tuy nhiên, tổ chức chính quyền các cấp ở Hà Nội hiện nay còn một số hạn chế, bất hợp lý trong phân định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy. Bên cạnh đó, phương thức hoạt động, cơ chế điều hành, chính sách phân cấp quản lý trên một số lĩnh vực chưa phù hợp với đối tượng, đặc thù quản lý ở đô thị và quá trình đô thị hóa ở khu vực nông thôn.
Dự thảo Đề án đã nêu hai phương án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hà Nội, dự kiến bắt đầu triển khai từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, phương án 1 là xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã) và một cấp hành chính (xã, phường, thị trấn). Phương án 2 là xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (thành phố), một cấp hành chính (quận, huyện, thị xã) và 1 cơ quan hành chính đại diện (xã, phường, thị trấn).
Tại hội thảo, 12 ý kiến tham luận của đại diện các quận, huyện và các xã, phường, thị trấn đã tập trung đánh giá thực trạng tổ chức bộ máy chính quyền cấp huyện và cấp xã của thành phố Hà Nội; đánh giá, bổ sung những ưu điểm, nhược điểm của từng phương án thí điểm tổ chức bộ máy chính quyền đô thị; đồng thời làm rõ tổ chức, hoạt động và mối quan hệ của tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ)và các tổ chức chính trị - xã hội trong mô hình thí điểm.
Đại đa số các đại biểu đều lựa chọn phương án 1, tổ chức hai cấp chính quyền và một cấp hành chính. Lựa chọn phương án này, ông Trần Văn Cương, Bí thư Huyện ủy Thanh Trì góp ý thêm, Đề án cần làm rõ những điểm tồn tại, hạn chế trong hoạt động của HĐND, UBND cấp huyện và mô hình chính quyền cấp xã, không đánh giá chung hai cấp vì cấp xã sẽ là cấp thay đổi nhiều nhất khi thực hiện Đề án.
Chung quan điểm với ông Cương, ông Nguyễn Văn Quân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, cho rằng HĐND cấp xã về thực chất chưa quyết định được những vấn đề quan trọng, hoạt động giám sát còn mang tính hình thức, năng lực của đại biểu còn hạn chế. Vì vậy, ông Quân đề xuất không tổ chức một cấp chính quyền đầy đủ mà thay vào đó tổ chức một cấp hành chính, tức là phương án 1. Tuy nhiên, khi không tổ chức HĐND cấp xã, việc thực hiện quyền đại diện và quyền làm chủ của nhân dân ở xã, phường, thị trấn và quyền giám sát nên chuyển giao cho Ủy ban MTTQ và đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở tổ dân phố.
Ông Trương Đức Long, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, cho rằng hoạt động của HĐND cấp xã thời gian qua bộc lộ nhiều yếu kém, mang tính hình thức, bởi vậy lựa chọn phương án 1 là hợp lý. Ông Long đề xuất thành phố thực hiện thí điểm ngay mô hình này tại một số xã vùng ven và nếu có hiệu quả thì triển khai thí điểm trên diện rộng vào năm 2021. Ngoài ra, ông Long cho biết, đội trật tự xây dựng cấp xã hiện nay thừa nhân lực, riêng tại xã Tứ Hiệp hiện có 4 người. Để hoạt động của bộ máy tổ chức được hiệu quả, tránh lãng phí nhân lực, ông Long đề xuất thành phố khi thực hiện Đề án nên giảm nhân lực đội trật tự xây dựng cấp xã và tăng cường phối hợp công tác với cán bộ địa chính trong quá trình hoạt động.
Đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, những ý kiến này sẽ là cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng cho việc hoàn thiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.