Sự cần thiết xây dựng chính quyền đô thị Tại hội thảo “Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị” mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã chỉ rõ những bất cập trong hoạt động của chính quyền ở cả 3 cấp tại Thủ đô hiện nay và sự cần thiết phải xây dựng chính quyền đô thị.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tổ chức và hoạt động của chính quyền tại các cấp của Thủ đô còn một số hạn chế, bất hợp lý về phân định nhiệm vụ, quyền hạn; cơ cấu tổ chức bộ máy; phương thức hoạt động, cơ chế điều hành, chính sách phân cấp quản lý trên một số lĩnh vực.
Một góc thành phố Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Ngoài ra, năng lực quản lý điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền đô thị các cấp tại Thủ đô còn nhiều yếu kém. Những lĩnh vực như phát triển nhà ở, xây dựng công trình dịch vụ đô thị, quản lý trật tự đô thị, quản lý dân cư, bảo vệ môi trường… luôn là những vấn đề "nóng" của thành phố…
Hạn chế trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau; trong đó, có thể nói nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những bất hợp lý về nhiệm vụ, quyền hạn; mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị thành phố Hà Nội.
Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị. Đặc biệt, tại Kết luận số 22-KL/TW ngày 07/11/2017 của Bộ Chính trị đã đồng ý để Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật.
Như vậy, với vai trò rất quan trọng của Thủ đô trong sự phát triển đất nước, cùng ảnh hưởng mô hình chính quyền điện tử và cuộc cách mạng 4.0, đã và đang dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ trong phương thức quản lý, đòi hỏi phải quản lý theo mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại các quận, thị xã của thành phố Hà Nội cho phù hợp, bà Ngô Thị Thanh Hằng nêu rõ.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý đều nhất trí cho rằng, đây là thời điểm hội tụ đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xây dựng mô hình chính quyền đô thị tại Việt Nam cũng như để Hà Nội thiết kế, thí điểm triển khai chính quyền đô thị cấp quận nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại các quận, thị xã theo hướng phát triển nhanh, bền vững.
“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” được các đại biểu chỉ ra gồm: Cơ sở pháp lý đầy đủ; kết luận 22 của Bộ Chính trị là căn cứ quan trọng; thực tiễn thời gian qua chúng ta đã và đang triển khai tổ chức lại bộ máy Nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả…
Tìm mô hình phù hợp Trong khuôn khổ xây dựng đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố, Thành ủy Hà Nội phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý… về các nội dung: Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị; thực trạng tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của HĐND, UBND quận, huyện, thị xã và đề xuất mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội; thực trạng và đề xuất mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, Mặt trận, các đoàn thể nhân dân và các cấp chính quyền trong điều kiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội…
Theo Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, chuyên đề “Thực trạng tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã và đề xuất mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội” có ý nghĩa quan trọng để Ban chỉ đạo hoàn thiện đề án.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, dự kiến mô hình tổ chức thí điểm chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội sẽ được thiết kế theo 3 phương án và thành phố chỉ thí điểm mô hình này ở cấp quận theo Kết luận 22 của Bộ Chính trị.
Đóng góp ý kiến cho đề án, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng, khi thiết kế mô hình chính quyền đô thị cần phù hợp với xu hướng phát triển và quản lý của thế hệ mới. Cụ thể, phải gắn với xã hội số, đô thị thông minh, đồng thời gắn với kinh tế thị trường và đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội. Đặc biệt, với chính quyền đô thị, có 2 vấn đề cần quan tâm là dân cư và tính thống nhất của hạ tầng kỹ thuật.
Tiến sỹ Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp lưu ý, khi xây dựng và thí điểm mô hình chính quyền đô thị cần làm rõ và đề cao vai trò của nhân dân trong mô hình chính quyền đô thị đó, mối quan hệ giữa nhân dân với chính quyền đô thị ra sao?
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia góp ý, đã thí điểm mô hình chính quyền đô thị, cần có tư duy thay đổi mạnh mẽ, nhất là phải có dự báo về xu hướng thay đổi trong nhiều năm tới để tránh tình trạng vừa thí điểm xong lại phải điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn…