Quá trình đô thị hóa đã và đang diễn ra nhanh chóng, dẫn đến sự khác biệt lớn về điều kiện kinh tế - xã hội giữa đô thị và nông thôn. Thế nhưng, chính quyền ở địa bàn đô thị lại được tổ chức giống với mô hình chính quyền nông thôn. Thực tế cho thấy, mô hình này không phù hợp với thực tiễn cuộc sống và địa bàn đô thị cần có một mô hình tổ chức chính quyền mới.
Vấn đề cấp thiết của đô thị
Đô thị Việt Nam ít nhiều đã mang dáng dấp của đô thị hiện đại và quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng. Tổng cục Thống kê cho biết, 1/4/2009, dân số đô thị chỉ chiếm trên 29%, đến 1/4/2012 tỷ lệ này đã tăng lên gần 32%. Theo dự báo, đến năm 2020, dân số đô thị ở nước ta sẽ là 46 triệu người, chiếm 45% dân số toàn quốc.
Đô thị phát triển mạnh sẽ xuất hiện nhu cầu đổi mới, cần một mô hình tổ chức chính quyền đô thị thích hợp với quản lý nhà nước ở đô thị. |
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, chính quyền ở địa bàn đô thị hiện được tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn như chính quyền ở địa bàn nông thôn cùng cấp. Trong khi đó, địa bàn đô thị còn liên quan đến các vấn đề về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng hạ tầng đô thị, ùn tắc giao thông, quản lý dân cư và trật tự an toàn xã hội. Nếu địa bàn nông thôn được quản lý theo lãnh thổ thì địa bàn đô thị phải được quản lý theo ngành.
Đồng tình với ý kiến trên, PGS. TS Vũ Thư (Viện Nhà nước và Pháp luật - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội) cũng cho rằng, ở đô thị, các yếu tố cấu thành cơ sở hạ tầng, như: hệ thống đường sá, điện, công viên, trường học, môi trường... có tính chất liên thông. Do vậy, việc chia cắt, quản lý theo đơn vị hành chính - lãnh thổ làm cho việc quản lý kém hiệu quả. Việc chia cắt dân cư theo lãnh thổ tạo ra những bất tiện cho cư dân. PGS.TS Vũ Thư lấy ví dụ: Trong một đô thị, trường học có thể ở gần nhà nhưng thuộc đơn vị hành chính, điều này làm cho con em người dân sống gần trường khó hoặc không được học tại ngôi trường ấy. Cộng đồng dân cư đô thị cũng sống trong điều kiện đặc thù, nơi tập trung trí tuệ, lượng thông tin nhiều, nhiều thông tin đa chiều, nhạy cảm với các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa... Sống trong điều kiện như vậy, nên sự quan tâm của cư dân đô thị về dân chủ, đường lối và hiệu quả quản lý của chính quyền... có mức độ sâu và rộng hơn người dân vùng nông thôn. Cách mà cư dân đô thị biểu lộ với chính quyền cũng mạnh mẽ, quyết liệt và có lý lẽ hơn.
Do vậy, theo PGS.TS Vũ Thư khi đô thị phát triển mạnh sẽ xuất hiện nhu cầu đổi mới; cần một mô hình tổ chức chính quyền đô thị thích hợp với quản lý nhà nước ở đô thị.
Cần mô hình phù hợp
Ông Nguyễn Duy Thăng cho biết, theo đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị mà Bộ Chính trị đã có ý kiến đồng ý cho tiến hành thí điểm tại TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng thì chính quyền đô thị được tổ chức trong phạm vi nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương và nội thành, nội thị của thành phố thuộc tỉnh và của thị xã. Đối với thành phố trực thuộc Trung ương, chính quyền đô thị của thành phố chỉ có một cơ quan đại diện là Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố, còn quận, phường không tổ chức HĐND và có đủ ba cấp hành chính là UBND thành phố, UBND quận và UBND phường.
Đối với thành phố thuộc tỉnh, chính quyền đô thị của thành phố chỉ có một cơ quan đại diện là HĐND thành phố, còn phường trong khu vực nội thành không tổ chức HĐND; và có hai cấp hành chính là UBND thành phố thuộc tỉnh và UBND phường.
Đối với thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và thị xã thuộc tỉnh, chính quyền đô thị của thị xã chỉ có một cơ quan đại diện là HĐND thị xã, còn phường trong khu vực nội thị không tổ chức HĐND và có hai cấp hành chính là UBND thị xã và UBND phường.
Ông Thăng cũng cho rằng, đề án đã phân cấp rõ ràng, rành mạch nhiệm vụ, thẩm quyền giữa các cấp hành chính; làm rõ các vấn đề phải đưa ra bàn bạc, quyết định của UBND và các vấn đề do Chủ tịch UBND được quyền quyết định nhằm đảm bảo hiệu quả điều hành, quản lý của Chủ tịch UBND theo cơ chế đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Mới đây, HĐND TP Hồ Chí Minh đã thông qua đề án thí điểm chính quyền đô thị và giao cho UBND thành phố tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện đề án, trình Chính phủ. Đề án thí điểm của TP Hồ Chí Minh đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình, đồng thời cũng đưa ra nhiều băn khoăn như: Giải quyết như thế nào khi mô hình thí điểm sẽ vênh với Hiến pháp và 102 văn bản quy phạm pháp luật? Có hay không sự xung đột lợi ích giữa TP và Trung ương do thẩm quyền TP tăng lên, thẩm quyền của một số bộ, ban, ngành Trung ương bị thu hẹp? TP đã chuẩn bị đội ngũ cán bộ đúng chuẩn cả về trình độ, năng lực và thực tiễn để tiếp quản mô hình chính quyền đô thị hay chưa?...
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là những vấn đề thành phố cần phải tập trung nghiên cứu làm rõ, trước khi trình các cấp có thẩm quyền quyết định.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng: Sẽ đề xuất xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương Cần sớm triển khai thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở TP Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Việc thực hiện thí điểm cần đề xuất thí điểm toàn diện và về mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và phương thức hoạt động của chính quyền đô thị có sự phân biệt với chính quyền nông thôn. Căn cứ kết quả thí điểm, các địa phương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và đề xuất với Quốc hội xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, trong đó có nội dung phân biệt chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn là vấn đề hệ trọng, liên quan đến toàn bộ hệ thống chính trị ở địa phương và mối quan hệ giữa chính quyền địa phương với Trung ương. Vì vậy, rất cần có chủ trương, quyết sách và quyết tâm của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; cần có sự tham gia của nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân: Đảm bảo nguyên tắc tự chịu trách nhiệm TP Hồ Chí Minh kiến nghị triển khai thí điểm tổ chức chính quyền đô thị trên toàn địa bàn: địa bàn đô thị ở 13 quận nội thành, địa bàn đang đô thị hóa của 6 quận và 2 huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh; và địa bàn nông thôn thuộc 3 huyện còn lại. Chính quyền đô thị TP Hồ Chí Minh được tổ chức dựa trên nguyên tắc chủ yếu: Chính quyền địa phương có hai cấp, gồm cấp thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở. Cấp cơ sở bao gồm cấp thành phố trực thuộc TP Hồ Chí Minh và xã, thị trấn. Riêng địa bàn của 13 quận nội thành chỉ có một cấp chính quyền vì do địa bàn này có chung kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Với các đơn vị hành chính thì quận, huyện, phường không tổ chức thành cấp chính quyền, mà ở đó chỉ có cơ quan đại diện hành chính của cấp trên. Việc tổ chức đảm bảo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền theo nội dung được phân cấp; bảo đảm tính tập thể trong lãnh đạo, nhưng phát huy cao nhất trách nhiệm của cá nhân được phân công. PGS. TS Vũ Thư - Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội): Phải thí điểm, không thể mạo hiểm bằng lý thuyết Việc thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị là việc làm rất cần thiết vì đây là vấn đề lớn, không thể mạo hiểm bằng lý thuyết. Tuy nhiên, thí điểm thì sẽ động chạm đến Hiến pháp và các luật, nhưng đã là thí điểm thì không thể đòi hỏi hoàn toàn tuân theo Hiến pháp hay các luật. Bởi nếu thực hiện theo luật thì sẽ không gọi là thí điểm nữa. Cũng không nên đặt vấn đề tổ chức thí điểm là vi hiến hay phạm luật. Hiện nay, tổ chức chính quyền nói chung và chính quyền đô thị nói riêng về căn bản được quy định trong Hiến pháp 1992, Luật Tổ chức HĐND và UBND 2003. Khi làm thí điểm, cần xác định khuôn khổ những vấn đề có tính nguyên tắc liên quan đến Hiến pháp, luật như: tổ chức chính quyền địa phương trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ hay tự quản? HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước hay cơ quan tự quản? UBND là cơ quan hành chính nhà nước hay là cơ quan chấp hành của HĐND cùng cấp?... Trên cơ sở đó mà xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Trong tháng này, Quốc hội sẽ thông qua Hiến pháp 1992 sửa đổi, nhưng Hiến pháp chỉ quy định những vấn đề cơ bản về chính quyền địa phương, trong đó có chính quyền đô thị. Phần còn lại là do luật điều chỉnh. |
Huyền Tím thực hiện