Ngày 1/3, Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố Hồ Chí Minh khóa VIII đã họp kỳ thứ 8. Đây là kỳ họp chuyên đề nhằm lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các đại biểu HĐND đã chia làm 6 tổ góp ý về dự thảo.
Kỳ họp chuyên đề của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lấy ý kiến nhân dân xây dựng Hiến pháp. |
Tham gia góp ý về các điều khoản liên quan đến Chương chính quyền địa phương, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X đã nêu vấn đề tổ chức xây dựng chính quyền đô thị. Đề án xây dựng chính quyền đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh đã được đề cập tới từ những năm 2000 - 2005, trong Nghị quyết Đại hội VII của Đảng bộ thành phố đã đề xuất Trung ương cho phép thành phố xây dựng chính quyền đô thị. Ông Lê Hoàng Quân khẳng định, nói tới mô hình chính quyền đô thị sẽ có nhiều vấn đề về cơ chế chính sách, phương pháp điều hành, hệ thống quản lý... , vì vậy khi xây dựng các tiêu chí phải xem xét để làm sao phát huy được sức mạnh của chính quyền đô thị.
Ông Lê Hoàng Quân cho biết thêm, thành phố hiện có rất nhiều khu đô thị nhưng ngoài việc xây dựng nhà cửa, công trình, khu đô thị kiểu mẫu còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Thành phố đang nghiên cứu đề nghị Bộ Xây dựng công nhận khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) là khu đô thị phát triển bền vững, khu đô thị kiểu mẫu.
Ngoài điều 115 được đặc biệt quan tâm, tại tổ thảo luận các đại biểu còn góp ý thêm về quyền con người, quyền công dân; điều 65 về phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; trong đó, nhiều đại biểu cho rằng, qua kinh nghiệm của các nước tiên tiến phát triển, chỉ nên đặt giáo dục và đào tạo lên quốc sách hàng đầu, bởi trong đó đã bao hàm cả nội dung về khoa học công nghệ.
lTại Hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do HĐND thành phố Đà Nẵng tổ chức, nội dung lấy ý kiến tập trung vào chế độ chính trị; kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Nhiều ý kiến tán thành Dự thảo Hiến pháp quy định về quyền con người, quyền công dân có nhiều điểm mới. Có ý kiến cho rằng, tại Điều 39 không nên ghi rõ nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn mà chỉ nên ghi pháp luật Nhà nước thừa nhận hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ là đủ. Như thế sau này nếu Nhà nước thừa nhận hôn nhân đồng giới như một số nước trên thế giới thì không phải sửa Hiến pháp chỉ vì chi tiết này.
Tại các hội nghị lấy ý kiến các nhà hoạt động chính trị, các nhà khoa học do UBND thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố tổ chức, các ý kiến đều thống nhất, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này có nhiều điểm tiến bộ, thể hiện được ý chí của toàn Đảng, toàn dân, góp phần thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Văn kiện Đại hội XI của Đảng, qua đó góp phần thực hiện dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể trước những vấn đề hệ trọng của đất nước..
.
lNgày 1/3, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các tầng lớp thanh niên về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được chuẩn bị công phu, phản ánh nhiều tư tưởng mới. Ngay tại Lời nói đầu của dự thảo đã thể hiện được bước tiến lớn về chủ thể của quyền lập hiến, chủ quyền nhân dân ngày càng được thể hiện rõ nét hơn.
Trên cơ sở đánh giá vai trò quan trọng của thế hệ trẻ trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đa số ý kiến đều cho rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần giữ lại quy định tại Điều 66 của Hiến pháp hiện hành. Đại biểu Thào Thị Thùy Linh (dân tộc Mông, tỉnh Yên Bái) đề nghị Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần giữ lại và chỉnh sửa, bổ sung Điều 66 của Hiến pháp năm 1992: "Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc". Theo đại biểu đây là điều khoản nhấn mạnh vai trò của thanh niên trong xã hội, bởi thanh niên là một bộ phận quan trọng của xã hội, tiêu biểu cho sức mạnh của dân tộc.
Đề cập sâu tới các quy định liên quan đến chính quyền địa phương trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, TS Nguyễn Văn Cương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) đánh giá việc sửa đổi các quy định về chính quyền địa phương có thể có tác động đáng kể tới thực tiễn tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương hiện nay. Nói về khoản 1 của Điều 115, TS Cương cho rằng việc phân định các đơn vị hành chính lãnh thổ của nước thành tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương là hợp lý nhưng việc phân định đơn vị hành chính lãnh thổ dưới cấp tỉnh như dự thảo là chưa hợp lý, chưa tạo điều kiện cho việc đổi mới quan niệm về cách thức tổ chức và vận hành chính quyền đô thị trong giai đoạn tới. Phó Chủ tịch thường trực Hội LHTN Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam Nguyễn Thị Hoàng Uyên đề xuất cần bổ sung điều khoản khẳng định về tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương để tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội.
TTN