Đề án Chính quyền đô thị ở TP Hồ Chí Minh đang được hoàn thiện để báo cáo với Bộ Chính trị và trình Quốc Hội xem xét, phê chuẩn trong thời gian tới. Theo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án Thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị, TP Hồ Chí Minh có vị trí quan trọng đặc biệt đối với việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, vì vậy, việc tổ chức một chính quyền đô thị là phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại.
Xu thế phát triển tất yếu
Mô hình chính quyền đô thị được kỳ vọng sẽ giúp TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh và mạnh hơn, đóng góp ngân sách cho Trung ương ngày càng lớn và người dân sẽ được thụ hưởng nhiều lợi ích thông qua việc phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nền hành chính công hiệu quả, không phiền hà.
Sơ đồ chính quyền đô thị TP Hồ Chí Minh. |
Theo đề án này, chính quyền đô thị TP Hồ Chí Minh sẽ là một đô thị đặc biệt được tổ chức phù hợp với đặc điểm phát triển và tính chất yêu cầu hợp lý của từng địa bàn, bao gồm địa bàn đã phát triển, địa bàn đang đô thị hóa và địa bàn nông thôn. Chính quyền đô thị TP Hồ Chí Minh được tổ chức theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Trong đó TP Hồ Chí Minh trực thuộc Trung ương, là đô thị đặc biệt có HĐND và UBND. Chính quyền đô thị trực thuộc TP Hồ Chí Minh, gọi là thành phố trực thuộc, được thành lập từ địa bàn các quận, huyện. Trong đó các quận 2, 9, Thủ Đức là “thành phố Đông”; quận 7, Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh và một phần huyện quận 8 hợp thành “thành phố Nam”; quận Tân Bình, một phần quận 8 và một phần huyện Bình Chánh hợp thành “thành phố Tây”; quận 12 và huyện Hóc Môn trở thành “thành phố Bắc”.
Các thành phố trực thuộc này là một cấp chính quyền hoàn chỉnh có HĐND và UBND. Dưới thành phố trực thuộc là các đơn vị hành chính phường không có HĐND mà chỉ có UBND. Các đơn vị hành chính quận ở địa bàn 13 quận nội thành hiện hữu cũng tương tự, dưới quận có các đơn vị hành chính phường. Các đơn vị hành chính ở ba huyện còn lại trên địa bàn nông thôn là cấp hành chính không có HĐND, chỉ có UBND. Dưới đơn vị hành chính là các xã, thị trấn được tổ chức thành cấp chính quyền hoàn chỉnh có HĐND và UBND.
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân, hiện nay, điều kiện đã chín muồi để triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo hướng tổ chức chính quyền địa phương với cơ quan đại diện của nhân dân có quyền hạn và trách nhiệm tương đương với quyền làm chủ của nhân dân, có cơ chế tự chủ và trách nhiệm cao hơn. Thực tế triển khai thí điểm việc không tổ chức HĐND quận, huyện, phường trên toàn thành phố từ năm 2009 đến nay cũng cho thấy việc này phù hợp yêu cầu, nguyện vọng của đa số các tầng lớp nhân dân, đáp ứng được yêu cầu khách quan về đổi mới công tác tổ chức quản lý hành chính Nhà nước đối với một đô thị đặc biệt.
Người dân sẽ được phục vụ tốt hơn
Về vấn đề “người dân được thụ hưởng gì từ chính quyền đô thị?”, TS Nguyễn Văn Nhứt - Trưởng khoa Quản lý hành chính Trường Cán bộ TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Nhìn một cách tổng thể, chính quyền đô thị sẽ tạo được tính liên thông trong vấn đề quản lý hạ tầng. Chính đặc trưng này giúp cho việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng sẽ rất tốt, đạt hiệu quả cao, hạn chế được tình trạng “cắt khúc” quản lý theo địa phương, quận, huyện. Thực tế quản lý hiện nay là Trung ương phân cấp cho thành phố, thành phố phân cấp cho quận, huyện. Theo đó, thành phố lên quy hoạch tổng thể nhưng quận, huyện lại xây dựng quy hoạch chi tiết, từ đó trong 24 quận huyện sẽ có 24 quy hoạch chi tiết sẽ mang “sắc thái” riêng từng quận, huyện.
“Một ví dụ nhỏ như con đường Phan Xích Long thuộc địa bàn 2 quận, với cách quản lý kiểu ‘cắt khúc’ này đã tạo ra tình trạng phía phần đường do quận Bình Thạnh quản lý thì trồng một loại cây, phía quận Phú Nhuận trồng một loại cây khác, ngay cả cách chăm bón cũng khác, nên con đường mỗi đoạn một kiểu khác nhau, thiếu đồng bộ và không đẹp. Hoặc như chuyện quản lý đô thị cũng tương tự. Phường 12 và 26, quận Bình Thạnh cách nhau một cây cầu, khi chính quyền ra quân lập lại trật tự lòng lề đường thì các đối tượng buôn bán lấn chiếm chỉ việc chạy qua giữa cầu, hết địa phận của phường, thì lực lượng chức năng của phường không làm gì được nữa vì không có quyền thực hiện dẹp lòng lề đường bên địa bàn phường 26 nên phải dừng lại”, TS Nguyễn Văn Nhất chia sẻ.
Với Đề án chính quyền đô thị, tình trạng cắt khúc này sẽ được giải quyết, vì từ 24 quận, huyện giờ chỉ còn một thành phố trung tâm và 4 thành phố vệ tinh, nên tính liên thông sẽ rộng hơn. Chính quyền đô thị cũng sẽ tăng tính chủ động, là điều kiện để thành phố linh động hơn trong việc đầu tư, phát triển hạ tầng cũng như triển khai các chính sách an sinh xã hội một cách hiệu quả hơn, nhờ chủ động trong ngân sách cũng như huy động các nguồn lực xã hội.
Mặt khác, bộ máy chính quyền đô thị cơ bản sẽ rất tinh gọn nhờ bỏ HĐND cấp quận, huyện, đội ngũ cán bộ công chức cũng buộc phải chuyên sâu, đa năng trình độ chuyên môn cao, các cơ quan chuyên môn sẽ được giao quyền nhiều hơn, đòi hỏi năng lực cán bộ công chức được nâng lên. Người dân sẽ được phục vụ tốt hơn. Các cơ quan hành chính quận, huyện, phường, trước đây là một cấp chính quyền thì nay chỉ là cơ quan hành chính. Cán bộ công chức cơ sở thực ra là cán bộ công chức thành phố, chế độ tiêu chuẩn cũng tốt hơn, năng lực chuyên môn được chuẩn hóa, người dân sẽ được phục vụ tốt hơn đặc biệt là trong lĩnh vực giải quyết về thủ tục hành chính.
TS Nguyễn Văn Nhứt - Trường Cán bộ TP Hồ Chí Minh: Nghị quyết TW 5 khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính có đề cập đến cần phân biệt rạch ròi giữa chính quyền nông thôn và đô thị. Hiện nay, chúng ta cũng có những phân biệt giữa nông thôn và đô thị, tuy nhiên vẫn còn khá chung chung, hệ thống tổ chức ở xã, huyện cũng tương tự như phường, quận… trong khi thực tế đặc thù giữa phường và xã khác nhau rất nhiều và công tác quản lý cũng khác nhau, tiêu chuẩn cán bộ cũng khác nhau nhiều. Với đề án chính quyền đô thị, TP Hồ Chí Minh sẽ thành một chuỗi đô thị, với một thành phố trung tâm và 4 thành phố vệ tinh. Trong các thành phố vệ tinh có một thành phố mang mô hình chính quyền nông thôn. Đây là một sự phân biệt rạch ròi giữa nông thôn và đô thị để quản lý tốt hơn và hiệu quả hơn, phục vụ người dân tốt hơn. Ông Nguyễn Văn Đua - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh: Xây dựng chính quyền đô thị chính là cơ cấu lại tổ chức, mô hình, nhiệm vụ… cho phù hợp hơn với đặc thù của TP Hồ Chí Minh, của từng vùng trong thành phố. Từ nhiệm vụ cụ thể của từng cấp chính quyền, từng ngành sẽ xác định được trách nhiệm của từng nơi. Điều này sẽ giúp hoạt động quản lý hành chính hiệu quả hơn, khắc phục được tình trạng quan liêu, xa dân của cán bộ. Thạc sỹ Huỳnh Văn Sinh - Giảng viên Khoa xây dựng Đảng trường Cán bộ TP Hồ Chí Minh: Ngoài những hiệu quả có thể nhận thấy từ chính quyền đô thị, khi triển khai mô hình này cũng đặt ra hàng loạt những khó khăn cần giải quyết. Đó là hệ thống pháp luật cần phải có sự điều chỉnh. Dự thảo đề án cho thấy có khoảng 102 văn bản cần phải điều chỉnh cho phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành. Cần phải tính đến việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại bộ máy hành chính, công tác tổ chức cán bộ. HĐND sẽ không còn cấp quận, huyện, chức danh cán bộ công chức cũng ít hơn hiện nay, nên sẽ có một đội ngũ công chức hiện tại buộc phải chuyển sang công tác khác. Cán bộ công chức buộc phải đào tạo lại cho phù hợp và có thể vận hành chính quyền đô thị. Ngay cả nguồn ngân sách cũng phải tính toán, cân đối cho phù hợp để xây dựng một bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, tránh việc phát sinh những phần việc không cần thiết, làm cho bộ máy chính quyền trở nên cồng kềnh. |