Với sự tham gia, đóng góp ý kiến của các nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND thành phố qua các thời kỳ, Hội thảo nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp hơn cho việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị ở các quận, thị xã của Hà Nội.
Thành phố Hà Nội hiện có 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã với 177 phường. Tất cả các đơn vị hành chính ở 3 cấp đều tổ chức HĐND và UBND. Chuyên đề “Thực trạng tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của HĐND, UBND quận, thị xã và đề xuất các giải pháp đổi mới chính quyền đô thị ở các quận, thị xã của thành phố Hà Nội” là Chuyên đề 03 của Đề án chính quyền đô thị.
Trong chuyên đề này, Ban Chỉ đạo xây dựng đề án đã chỉ ra tổ chức và hoạt động của chính quyền quận, thị xã, phường của thành phố hiện còn những hạn chế, thiếu sót như: HĐND quận, thị xã, phường về thực chất chưa quyết định được những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội trên địa bàn; UBND quận, thị xã trong hoạt động quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là các lĩnh vực liên quan đến quản lý đô thị, việc tổ chức cung ứng một số dịch vụ hành chính công, sự nghiệp công của UBND theo quy định của pháp luật còn yếu...
Một góc thành phố Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Bên cạnh đó, năng lực, trách nhiệm của đại biểu HĐND cũng như của cán bộ, công chức của chính quyền quận, thị xã, phường còn nhiều hạn chế, trong khi phải kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau của cấp ủy Đảng, của chính quyền và các đoàn thể; một số quy định của pháp luật hiện hành về tổ chức, hoạt động của HĐND quận, phường chưa phù hợp với tính chất của đơn vị hành chính nội bộ đô thị.
Trên cơ sở nhận thức những tồn tại, hạn chế, quán triệt các nguyên tắc tổ chức chính quyền đô thị, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chính quyền đô thị Hà Nội dự kiến thiết kế 3 phương án xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Phương án thứ nhất là xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (thành phố), một cấp hành chính (quận) và một cơ quan hành chính đại diện (phường); cơ quan hành chính Nhà nước tại các đơn vị hành chính tổ chức theo thiết chế chủ trương hành chính.
Theo đó, tổ chức chính quyền thành phố, thị xã, xã, thị trấn gồm HĐND và cơ quan hành chính; chính quyền quận, huyện không tổ chức HĐND, chỉ tổ chức cơ quan hành chính quận, huyện; riêng tổ chức chính quyền phường chỉ gồm Ban đại diện hành chính phường.
Phương án thứ hai là xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (thành phố), một cấp hành chính (quận) và một cơ quan hành chính đại diện (phường); cơ quan hành chính Nhà nước tại các đơn vị hành chính tổ chức theo thiết chế ủy ban. Với phương án này, tổ chức chính quyền thành phố, thị xã, xã, thị trấn vẫn tổ chức HĐND và UBND; chính quyền quận, huyện không có HĐND, chỉ tổ chức cơ quan hành chính quận, huyện; riêng chính quyền phường chỉ tổ chức Ban đại diện hành chính phường.
Phương án thứ ba là xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền ở đô thị (thành phố và quận), ba cấp chính quyền ở nông thôn (thành phố, huyện, xã), một cơ quan hành chính đại diện (tại phường); cơ quan hành chính Nhà nước tại các đơn vị hành chính tổ chức theo thiết chế ủy ban. Theo phương án này, ngoại trừ tổ chức chính quyền phường chỉ có Ban đại diện hành chính phường, các cấp chính quyền khác vẫn giữ nguyên tổ chức HĐND và UBND.
Tại hội thảo, đã có 7 ý kiến của đại diện lãnh đạo HĐND thành phố qua các thời kỳ được đưa ra. Các đại biểu đều khẳng định, HĐND các cấp thành phố đóng vai trò không nhỏ trong việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Hoạt động của HĐND các cấp tuân theo những yêu cầu của pháp luật, có nhiều đổi mới, góp phần nâng cao vị thế Thủ đô, khẳng định chủ trương đúng đắn được thể hiện trong Hiến pháp và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Đặc biệt, Hà Nội đã thể hiện rõ quyết tâm đổi mới trong tổ chức chính quyền địa phương khi chủ động đề xuất và được Bộ Chính trị cho phép thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị quận, thị xã.
Đánh giá về Đề án chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội, các đại biểu đều cho rằng, xây dựng chính quyền đô thị là vấn đề hệ trọng nhưng không mới, thành phố đã đặt ra từ nhiều năm trước. Đề án được chuẩn bị công phu, có khảo sát ở các quận, huyện, sở, ngành, tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến chuyên gia và đã đề xuất được 3 phương án xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở thành phố Hà Nội. Trong từng phương án đã bước đầu chỉ ra những khó khăn, thuận lợi. Tuy nhiên, trong Đề án chưa đề xuất được phương án chọn.
Các ý kiến đề nghị Thường trực HĐND nêu rõ thái độ về phương án chọn trên cơ sở phù hợp với Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, phù hợp với điều kiện thực tế của Hà Nội và không gây xáo trộn lớn. Đa số các đại biểu đều gợi ý lựa chọn phương án 3 nhưng yêu cầu Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án bổ sung một số nội dung như công tác kiểm tra, giám sát tại nơi không tổ chức HĐND, mối quan hệ giữa HĐND cấp trên với cấp dưới và các tổ chức Đảng.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị HĐND thành phố nghiên cứu kỹ báo cáo đánh giá của Quốc hội về các mô hình thí điểm không tổ chức HĐND tại 10 tỉnh, thành phố và một số quận, huyện trên cả nước, đặc biệt là về những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân để liên hệ thực tế, tìm giải pháp khắc phục.