Phát biểu tại Hội thảo, Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết, Công ước chống tra tấn là một trong 9 công ước cốt lõi về quyền con người của Liên hợp quốc, được thông qua ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987. Nội dung Công ước phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong bảo vệ quyền con người, do đó, Việt Nam đã tích cực, khẩn trương phê chuẩn Công ước.
Ngày 28/11/2014, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 về việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn. Ngày 7/3/2015, Công ước chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam. Việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn là sự kiện pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc bảo vệ quyền con người và thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, góp phần thực thi Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Theo Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Anh, ngay sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Công ước chống tra tấn, ngày 17/3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 364/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước.
Trên cơ sở đó, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ nhất về các biện pháp Việt Nam đã tiến hành để thực hiện nghĩa vụ thành viên Công ước theo hướng dẫn của Liên hợp quốc, có tham khảo kinh nghiệm từ báo cáo quốc gia của các thành viên khác của Công ước và hướng dẫn của các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế.
Sau nhiều nỗ lực của Ban soạn thảo và các cơ quan, đơn vị có liên quan, ngày 28/4/2017, Báo cáo quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi đệ trình lên Ủy ban chống tra tấn của Liên hợp quốc theo quy định tại Điều 19 của Công ước.
Bà Caitlin Wiesen, Giám đốc quốc gia, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam đã trở thành thành viên của 7/9 công ước cơ bản về quyền con người và một số nghị định thư của các công ước này. Hiện nay có 164 quốc gia tham gia công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và nhiều quốc gia khác tham gia phê chuẩn.
Phạm vi của Công ước không chỉ liên quan đến chống tra tấn mà còn nhằm phòng chống các hình vi đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Mỗi công ước đều có cơ chế theo dõi riêng, trong đó đòi hỏi việc rà soát thực hiện công ước theo định kỳ vài năm một lần.
Giám đốc quốc gia, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, Quy trình Báo cáo này là cơ hội để Việt Nam nhìn lại về những kết quả đạt được cho đến nay cũng như chia sẻ những thành tựu với các quốc gia khác. Việc báo cáo này cũng là dịp để Việt Nam xác định lĩnh vực cần tiếp tục được cải thiện và giúp Việt Nam bảo vệ thành công Báo cáo về thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn tại Geneva vào tháng 11 tới.
Tại Hội thảo các đại biểu trong và ngoài nước đã đóng góp ý kiến về kết cấu, nội dung, các thông tin cần được trình bày trong Bài phát biểu của Trưởng đoàn công tác liên ngành của Việt Nam trước Ủy ban chống tra tấn của Liên hợp quốc, cũng như các nội dung dự kiến cần trả lời Ủy ban liên quan đến quá trình thực thi Công ước nhằm hoàn thiện hồ sơ bảo vệ Báo cáo của Việt Nam.
Đến nay, Hồ sơ bảo vệ Báo cáo quốc gia của Việt Nam về thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn bao gồm các tài liệu chính sau: Báo cáo quốc gia của Việt Nam và 14 phụ lục đã được đệ trình lên Liên hợp quốc; Dự thảo Bài phát biểu của Trưởng đoàn công tác liên ngành của Việt Nam tại Phiên bảo vệ Báo cáo (dự kiến do Thứ trưởng Bộ Công an trình bày); Danh mục tham khảo một số Bài phát biểu mở đầu của các Trưởng đoàn tại Phiên bảo vệ báo cáo quốc gia của các quốc gia thành viên Công ước; Danh mục cập nhật các thông tin, số liệu có liên quan phục vụ cho việc bảo vệ Báo cáo quốc gia của Việt Nam.
Sau khi kết thúc Hội thảo, Phiên bảo vệ giả định tiến hành với sự tham dự của 45 đại biểu là thành viên Đoàn công tác liên ngành và Tổ thư ký bảo vệ báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam và chuyên gia quốc tế, các chuyên viên của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam. Tại Phiên bảo vệ giả định, các đại biểu được cung cấp thông tin về quy trình, cách thức làm việc của Ủy ban liên quan đến việc xem xét báo cáo quốc gia các thành viên; làm rõ về quy trình đánh giá Báo cáo quốc gia của Ủy ban chống tra tấn; kinh nghiệm và cách thức trình bày Báo cáo…