Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tại Kỳ họp này, đại biểu Quốc hội đã gửi 93 phiếu chất vấn các thành viên Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các thành viên Chính phủ trả lời bằng văn bản gửi đến đại biểu Quốc hội.
Các phương tiện qua trạm BOT Biên Cương (Quảng Ninh). Ảnh minh họa: Trung Nguyên/TTXVN |
Cảm ơn Quốc hội đã cơ bản đồng tình và có những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc đối với các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ, các thành viên Chính phủ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế yếu kém, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành, nỗ lực cao nhất, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội.
Xử lý tồn tại các dự án BOT Liên quan đến vấn đề dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) và xử lý tồn tại các dự án BOT được đại biểu Quốc hội quan tâm đề cập trong những ngày qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó có đầu tư theo hình thức BOT là chủ trương rất cần thiết và đúng đắn, được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 13-NQ/TW (khóa XI) và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là đối với kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều vướng mắc, yếu kém và sai phạm.
Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan (trong đó có Nghị định số 30/2015/NĐ-CP về đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư BOT); thực hiện nghiêm Nghị quyết số 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sớm nghiên cứu, xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành công khai, minh bạch quá trình thực hiện dự án, nhất là việc tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu.
Về xử lý tồn tại của các dự án BOT, Chính phủ đã và đang chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm. Trên cơ sở kết quả kiểm toán, thanh tra, rà soát từng dự án BOT, khẩn trương quyết toán, điều chỉnh giảm phí BOT phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về đất đai Đối với vấn đề đại biểu quan tâm về quản lý đất đai, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách trong các lĩnh vực này; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tăng cường quản lý và hiện đại hóa hệ thống thông tin đất đai. Chú trọng giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Trong lĩnh vực môi trường, quan tâm hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường, trước hết tại các khu công nghiệp. Xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường để lựa chọn, sàng lọc loại hình, công nghệ trong thu hút đầu tư. Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý đất đai, môi trường; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường hợp tác quốc tế; giám sát tác động môi trường xuyên biên giới; có giải pháp ngăn chặn hiệu quả dịch chuyển công nghệ, thiết bị sản xuất lạc hậu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chính phủ thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Xây dựng cơ chế đối tác công tư, ưu đãi đầu tư đối với các dự án ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu; chú trọng các giải pháp phòng chống sạt lở, chống xâm nhập mặn và xây dựng các cơ chế, chính sách mang tính đột phá về chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp.
Sớm ban hành chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới Đối với lĩnh vực giáo dục, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ sẽ quyết liệt sắp xếp lại, đổi mới cơ chế hoạt động và tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII. Trình Quốc hội cho ý kiến các dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao tự chủ tài chính, có lộ trình phù hợp tính đúng, tính đủ chi phí đối với dịch vụ giáo dục, y tế gắn với giải pháp hỗ trợ đối tượng chính sách, hộ nghèo.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học theo các định hướng nghiên cứu, ứng dụng và thực hành, đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0; kiểm định, công khai các điều kiện về chất lượng, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và các sản phẩm khoa học công nghệ của cơ sở giáo dục đại học; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các cơ sở không đáp ứng tiêu chuẩn.
Theo Phó Thủ tướng, sẽ đẩy nhanh tiến độ, sớm ban hành chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Khắc phục tình trạng sĩ số lớp quá đông và sắp xếp hợp lý các điểm trường, lớp ở vùng sâu, vùng xa. Thực hiện đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ giáo viên.