Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Vấn đề đại biểu chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể xoay quanh các giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn; giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT). Trong đó, nóng nhất vấn là vấn đề xử lý các dự án BOT.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, chủ trương phát triển BOT là một chủ trương đúng, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hiện nay vì ngân sách của chúng ta rất hạn chế, nợ công đang ở mức cao. Việc triển khai rất quyết liệt những dự án BOT đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, tạo nền tảng cho hệ thống giao thông hoàn chỉnh. Việc quản lý, đấu thầu, tổ chức khai thác các trạm BOT thời gian qua còn nhiều bất cập và được xã hội rất quan tâm.
Thừa nhận chưa hoàn thiện thể chế về BOT, các luật, nhất là Luật Đầu tư công, Bộ trưởng cho biết, sai phạm trong thực hiện các dự án BOT đã được thanh tra, kiểm tra, Bộ đang tiếp thu, khắc phục triệt để. Đảng, Nhà nước sẽ giao cho các ngành chức năng như Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an vào cuộc quyết liệt để xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương làm ảnh hưởng đến người dân. Bộ Giao thông Vận tải quán triệt trong ngành làm nghiêm túc, chỉ rõ sai phạm, cương quyết xử lý cán bộ thuộc quyền.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Giao thông Vận tải đã có 36 đại biểu đặt câu hỏi, 18 đại biểu Quốc hội với 21 lượt tranh luận. Còn lại 17 đại biểu Quốc hội xin đề nghị gửi câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng để Bộ trưởng trả lời bằng văn bản. Đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho thấy, mặc dù mới đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng chưa đầy 8 tháng, nhưng với kinh nghiệm đã từng công tác trong ngành Giao thông Vận tải, với những kết quả và biện pháp chỉ đạo, điều hành trong thời gian qua, Bộ trưởng đã cơ bản bao quát được vấn đề, nắm chắc tình hình thực trạng và đã trả lời làm rõ hầu hết các vấn đề được đại biểu Quốc hội chất vấn. Bộ trưởng cũng thắng thắn nhận trách nhiệm với những tồn tại, hạn chế của ngành. Tuy nhiên, trong trả lời còn một số nội dung đại biểu chưa hài lòng, chưa thỏa đáng nên đã tranh luận để tiếp tục làm rõ.
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm.
Ngay sau phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Nội dung chính được Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải đáp trong chiều nay, đó là hiện tượng đầu cơ đất đai tại 3 địa phương được quy hoạch trở thành đặc khu kinh tế; tình trạng quản lý đất đai yếu kém tại nhiều nơi; giải pháp xử lý ô nhiễm bụi, không khí ở các thành phố lớn; kiểm soát, giảm thiểu tình hình ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước…
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, việc ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn liên quan đến giao thông và hoạt động xây dựng. Bộ Tài nguyên và Môi trường với tư cách là cơ quan quản lý đã tham mưu Thủ tướng ban hành quyết định về kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí trong cả nước, trong đó xác định các địa phương đầu tư hệ thống giám sát môi trường không khí, từ đó biết nguồn ô nhiễm chính ở đâu, khi nào, sau đó công bố toàn bộ số liệu để nhân dân biết chính xác. Bên cạnh đó cần giảm nguồn thải giao thông, kiểm soát ô nhiễm bụi từ hoạt động này, kiểm soát ô nhiễm từ các loại xe, các phương tiện khi vào thành phố; khắc phục tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch…
Theo chương trình, sáng mai (5/6), Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn.