Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Ngành chăn nuôi có cơ hội, triển vọng lớn

Ngày 15/9 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn  2020-2030, tầm nhìn 2040. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã tham dự và chỉ đạo tại hội nghị.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, ngành chăn nuôi vẫn còn nhiều thời cơ và vận hội lớn. Bởi, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi trên thị trường trong nước và quốc tế đang ngày càng tăng cao, nhất là nhu cầu cao về chất lượng sản phẩm.

Ngành chăn nuôi Việt Nam có cơ hội lớn và có triển vọng lớn hướng tới xuất khẩu. Đây là những nền móng quan trọng để ngành phát triển trong giai đoạn tới. Vì vậy, việc xây dựng Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 là yêu cầu cấp thiết để ngành chăn nuôi có định hướng, cơ sở phát triển.

Trên cơ sở các ý kiến của các bộ ngành, địa phương, các đại biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn  2020-2030, tầm nhìn 2040 để trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thời gian qua, nhờ việc thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án… Việt Nam đã có bước tiến ngoạn mục trong chăn nuôi, với tốc độ đạt từ 4 - 6%. Đặc biệt, trong 10 năm, ngành chăn nuôi đạt được thành tựu nổi bật, hoàn thành khuôn khổ pháp lý theo hội nhập với 2 luật là Luật Chăn nuôi và Luật Thú y và các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo cho ngành vận hành theo hướng hiện đại.

Đã có các ngành hàng lớn cơ cấu theo hướng hiện đại như ngành hàng sữa. Nhiều đối tượng vật nuôi đã có những tiến bộ kỹ thuật về giống. Cùng với đó, ngành có hệ thống doanh nghiệp đầu tư từ sản xuất thức ăn đến chăn nuôi.

Chú thích ảnh
 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành chăn nuôi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng mất cân đối. Điển hình thịt lợn còn chiếm 70% trong rổ hàng hóa thực phẩm, nên rủi ro cao và không phù hợp với nhu cầu thực phẩm đa dạng. Ngành mới đảm bảo khâu sản xuất, lò mổ thủ công còn phổ biến, nhà máy chế biến hiện đại còn ít.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành chăn nuôi phải xác định lại vị thế, tận dụng cơ hội từ hội nhập, khắc phục những tồn tại căn cốt trong quá trình thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008-2018 để tổ chức lại sản xuất với những định hướng lớn cho phát triển. Định hướng lớn đó là 3 trục: kinh tế, môi trường, an sinh là hiệu quả bền vững của mục tiêu chăn nuôi.

Ngành chăn nuôi cần thay đổi kết cấu cho phù hợp với thị trường trong nước và hướng đến mục tiêu xuất khẩu. Chăn nuôi phải hiện đại, đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, thị trường. Ngành cũng phải đi đầu trong kinh tế tuần hoàn. Để làm được những vấn đề trên, ngành phải tận dụng yếu tố thời đại, công nghệ, kết hợp với truyền thống, văn hóa, đa dạng sinh thái Việt Nam.

Về dự thảo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Chiến lược định hướng phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với chuỗi giá trị, kinh tế tuần hoàn, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh và an toàn thực phẩm, đối xử nhân đạo với vật nuôi. Đồng thời ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động trong chăn nuôi. 

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Theo dự thảo Chiến lược, mức tăng trưởng giá trị sản xuất trong giai đoạn 2021-2025 trung bình từ 4-5%/năm; giai đoạn 2026-2030 trung bình từ 3-4%/năm.

Sản lượng thịt xẻ các loại đến năm 2025 đạt từ 5-5,5 triệu tấn, đến năm 2030 đạt từ 6-6,5 triệu tấn; trong đó, xuất khẩu từ 15-20% sản lượng thịt lợn, từ 20- 5% thịt và trứng gia cầm.

Sản lượng trứng, sữa đến năm 2025 đạt từ 18-19 tỷ quả trứng và từ 1,7-1,8 triệu tấn sữa; đến năm 2030 đạt khoảng 23 tỷ quả trứng và 2,6 triệu tấn sữa. Tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt từ 25-30% vào năm 2025, từ 40- 0% vào năm 2030.

Góp ý cho dự thảo Chiến lược, đại diện UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, trồng trọt đã đến ngưỡng, nhưng dư địa trong chăn nuôi còn rất lớn. Chăn nuôi phải kết hợp với trồng trọt, gắn với chu trình kinh tế tuần hoàn để nâng cao hiệu quả. Mục tiêu tái cơ cấu cần xác định rõ 3 tiêu chí, đó là kinh tế, môi trường và xã hội. Trong quan điểm phát triển cần bổ sung yếu tố: bảo đảm môi trường và cải thiện an sinh xã hội gắn với tạo việc làm và thu nhập cho người dân.

Với Hà Nội, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thành phố tái cấu trúc ngành chăn nuôi đi kèm với phòng, chống dịch bệnh. Cơ cấu chăn nuôi theo vùng xã trọng điểm. Đến nay, thành phố có 70 xã trọng điểm cho chăn nuôi. Thành phố tiếp tục cơ cấu lại giống và năng suất; phát triển ổn định đàn bò với 25.000 con bò sữa; 160.000 bò thịt; đàn lợn 1,8 triệu con… phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, công nghệ cao, gắn với liên kết vùng.

Bích Hồng (TTXVN)
Hậu dịch tả lợn châu Phi: Cơ hội để ngành chăn nuôi tái cơ cấu toàn diện
Hậu dịch tả lợn châu Phi: Cơ hội để ngành chăn nuôi tái cơ cấu toàn diện

Ngày 7/5, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị trực tuyến với điểm cầu các huyện, thành phố và xã, thị trấn trên địa bàn để rút kinh nghiệm phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; đồng thời, triển khai kế hoạch tái đàn lợn, phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN