Đặc biệt, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được thực thi từ đầu năm 2019 và hàng loạt các Hiệp định thương mại khác Việt Nam tham gia ký kết, bên cạnh việc các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam có cơ hội vươn ra "biển lớn" thì cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức và áp lực. Nhiều chuyên gia cho rằng, để vượt qua thách thức, đón nhận những cơ hội, tạo lợi thế cạnh tranh, ngành chăn nuôi Việt Nam phải thay đổi để hội nhập quốc tế.
Nhiều áp lực
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bày tỏ lo ngại khi Hiệp định CPTPP đi vào thực tiễn, ngành chăn nuôi sẽ phải chịu nhiều “tổn thương” nhất. Khi đó, các mặt hàng nông sản, thực phẩm của các nước như Canada, Nhật Bản, Australia… với thuế suất bằng 0% có giá cạnh tranh hơn sẽ "ồ ạt" tràn vào thị trường Việt Nam.
Theo ông Long, mặc dù hiện nay các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước không ngừng cải tiến về giống, giảm giá thành sản phẩm, nhưng rất khó có thể cạnh tranh khi giá thành chăn nuôi lợn của các nước chỉ dưới 30.000 đồng/kg, trong khi giá thành chăn nuôi lợn Việt Nam khoảng 38.000 đồng/kg. Với giá thành như thế, sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam khó có thể cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi ngoại nhập có giá rẻ hơn, quy trình giết mổ lại bài bản, an toàn hơn.
Theo ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia (NICF), do tác động của Hiệp định CPTPP, tốc độ tăng trưởng sản lượng của một số ngành có thể giảm, bao gồm chăn nuôi, chế biến thực phẩm và dịch vụ bảo hiểm. Ngành chăn nuôi là ngành bị ảnh hưởng nhiều từ Hiệp định CPTPP do sức cạnh tranh của ngành này rất yếu.
Ông Thắng cho rằng, nếu tính cả góc độ tăng trưởng, xuất nhập khẩu của ngành cộng với việc phân bổ lợi ích các nhóm trong xã hội thì ngành nông nghiệp có thể bị tác động nhiều nhất. Đặc biệt là ngành chăn nuôi, Việt Nam không có lợi thế và bị tác động. Theo đó, nếu ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng thì đại bộ phận người thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Hiệp định CPTPP được thực thi, điều này sẽ tạo ra áp lực đối với ngành chăn nuôi. Bởi trong 11 nước tham gia Hiệp định thì có tới 6 nước hiện có năng lực, sức sản xuất phát triển hơn Việt Nam. Điển hình như Australia, Canada, New Zealand...
Ông Dương cho biết thêm, mặc dù cũng có độ trễ, nhưng phải xác định rằng khi Hiệp định này có hiệu lực có thể tạo thuận lợi hơn cho các ngành kinh tế khác, còn trong nông nghiệp thì áp lực với ngành chăn nuôi là cao hơn. Điều lo ngại hiện nay là thuế suất của các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là mặt hàng thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm sẽ cắt giảm ngay.
"Tôi cho rằng, đây là một áp lực đối với ngành chăn nuôi, dù không có tác động ngay trong năm 2019, nhưng trong các năm sau những nguy cơ từ các sản phẩm chăn nuôi cùng nhóm của các nước sẽ cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam", ông Dương nhấn mạnh.
Tận dụng cơ hội
Để giảm thiểu các áp lực và tận dụng những cơ hội để tiếp tục phát triển ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, mục tiêu là phải thúc đẩy chăn nuôi phát triển với tỷ lệ cao, dự kiến tăng trưởng khoảng 5 - 6% trong năm 2019; và xuất khẩu phấn đấu đạt 1 tỷ USD.
Do đó, trước mắt cần triển khai nhanh Luật Chăn nuôi, đảm bảo rằng 2 Nghị định, 7 Thông tư phải hoàn thành trước ngày 1/1/2020 để khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực có thể phát huy hiệu quả.
Đồng thời, ngành chăn nuôi cần tái cơ cấu cũng như điều chỉnh nội dung tái cơ cấu ngành giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, tổ chức ngành chăn nuôi thực hiện nhanh các chuỗi liên kết; trong đó phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã... tạo ra các chuỗi liên kết đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, phân phối được lợi nhuận của các bên tham gia như: người chăn nuôi, người giết mổ, thương lái đến người tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo chăn nuôi phát triển bền vững.
"Đặc biệt, mục tiêu đến năm 2025, cơ bản không còn hộ chăn nuôi (hàng hoá) sản xuất không biết bán cho ai, tức là không tham gia vào chuỗi liên kết nào; 100% cơ sở, hộ chăn nuôi phải gắn với 1 chuỗi liên kết", ông Dương nhấn mạnh. Ngoài ra, các đơn vị liên quan cần tăng cường kiểm soát vật tư đầu vào để tăng năng suất, hạ giá thành, kiểm soát được chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, chất lượng con giống, môi trường chăn nuôi...
Ông Nguyễn Xuân Dương đánh giá, năm 2019, tiềm năng ngành chăn nuôi xác định vẫn còn lớn, đặc biệt là nhu cầu về các sản phẩm chăn nuôi của các nước châu Á đang có xu hướng tăng. Thị trường này đang rất tiềm năng đối với các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam. Bên cạnh đó, đầu tư về hạ tầng cho ngành chăn nuôi của các doanh nghiệp đang phát triển mạnh, tạo năng lực để ngành chăn nuôi phát triển theo hướng công nghiệp.
Thực tế, trong khoảng hai năm trở lại đây, đã có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi như: Tập đoàn CP, Tập đoàn Masan, Tập đoàn Mavin... Qua đó, các cơ sở chế biến, giết mổ hiện đại đã đưa vào hoạt động, đặc biệt một số sản phẩm chăn nuôi đã được xuất khẩu chính ngạch như: thịt gà xuất khẩu sang Nhật Bản.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, những năm qua, trong chuỗi chăn nuôi đã tạo được hệ sinh thái từ giống cho đến quy trình chăn nuôi, phân khúc chăn nuôi... đều có các loại vật nuôi phù hợp với các tiểu vùng sinh thái.
"Có thể khẳng định rằng, chúng ta đã có đầy đủ các yếu tố để thúc đẩy ngành hàng này phát triển nhanh hơn nhằm đáp ứng cho thị trường thời gian tới, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại nước ta. Tới đây, nếu tổ chức sản xuất không tốt thì sẽ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn. Do đó, đây sẽ là giải pháp bù đắp cho giai đoạn đầu khi tổng đàn lợn chưa có đủ điều kiện an toàn" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu, thời gian tới các doanh nghiệp phối hợp với bà con nông dân, các tổ chức ngành hàng đầu tư nhiều hơn nữa các nhà máy chế biến, nhằm tạo dựng chuỗi giá trị dài hơn.
Bên cạnh đó, các nhà quản lý, doanh nghiệp cần chú ý hơn nữa về 2 thị trường (trong nước và xuất khẩu). Đặc biệt, gần đây thông qua nhóm tổ hợp của Tập đoàn Hùng Nhơn, De Heus đã xuất khẩu được sản phẩm thịt gà sang Nhật Bản. Trong năm 2019 sẽ có thêm một số doanh nghiệp nữa như Công ty cổ phần chăn nuôi CP tham gia xuất khẩu sản phẩm gia cầm. Nhưng, ngành chăn nuôi cũng phải coi trọng thị trường trong nước với gần 100 triệu dân.