Nữ giới và chính trị: Hi sinh và cống hiến.

Chỉ mới cách đây một vài thập niên, chính trường dường như vẫn là lĩnh vực độc tôn của nam giới, hiếm hoi mới thấy bóng một người phụ nữ đứng trên đỉnh cao. Thế nhưng, ngày nay những nơi quyền lực vốn thuộc về nam giới đã và đang bị phá vỡ ở nhiều nước. Tham gia hoạt động chính trị xã hội đang đòi hỏi những cơ chế chính sách hỗ trợ,đồng thời xóa bỏ những định kiến xã hội sai lầm tồn tại

Giỏi việc nước, đảm việc nhà.

Sở dĩ, xu hướng phụ nữ nắm chính quyền ngày càng chiếm ưu thế vì các nhà lãnh đạo nam giới thường có xu hướng dùng biện pháp mạnh, “đối đầu” để giải quyết mâu thuẫn. Trong khi đó, các nữ lãnh đạo lại chọn giải quyết vấn đề phức tạp bằng thương lượng. Hơn nữa, lợi thế của lãnh đạo nữ là khả năng xử lý tình huống khôn khéo, nhanh nhẹn, kịp thời và dễ thuyết phục hơn nam giới. Phụ nữ có thể chấp nhận được sự khác biệt, do vậy dễ dàng hợp tác với nhiều kiểu người khác nhau. Phái đẹp cũng mềm mỏng hơn trong khi nhận các phản hồi và dễ thông cảm hơn đàn ông. Do đó, các nữ chính khách đã góp một phần không nhỏ trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa.

Nữ Đại biểu Quốc hội dự kỳ họp thứ chín. Ảnh : Nguyễn Dân - TTXVN


Đứng trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, là đại biểu Quốc hội hay Hội đồng nhân dân các cấp, dù cương vị nào, những nữ chính khách không chỉ đảm nhận và hoàn thành việc công mà còn phải gánh vác trọng trách của một người phụ nữ trong gia đình, gặp không ít khó khăn. Sinh năm 1970, Rcom Sa Duyên, một nữ đại biểu trẻ, người dân tộc Gia rai, được tín nhiệm bầu vào Quốc hội khóa XII khi còn rất trẻ. Lúc vừa mới sinh con xong cũng là lúc chị phải đảm nhận ngay công việc của một đại biểu Quốc hội với bao công việc bộn bề.

Chị chia sẻ: “Với vai trò là phụ nữ, là mẹ, là vợ, khi mình tham gia Quốc hội, phải cố gắng sắp xếp công việc cho phù hợp để tham gia kỳ họp cho đầy đủ. Có một kỳ tôi mang em bé đi theo, có một kỳ tôi gửi bên nội và bên ngoại…”.

Nói về khó khăn của các nữ đại biểu Quốc hội, bà Hoàng Thị Chải, đại biểu Quốc hội khóa VIII chia sẻ: “Là đại biểu Quốc hội vốn đã rất bận rộn rồi, đại biểu nữ lại càng bận rộn hơn. Mỗi năm cũng phải tham gia trung bình 2 kỳ họp, mỗi kỳ trên dưới 1 tháng, rồi các kỳ tiếp xúc cử tri, giám sát chuyên đề, giám sát trên cương vị một đại biểu Quốc hội tại địa phương... Bận rộn ở nghị trường, bổn phận trong gia đình phải bố trí thời gian như thế nào cho hợp lý là điều không dễ chút nào. Bản thân tôi ngày xưa cũng vậy. Ông nhà tôi mất sớm, một mình nuôi 5 con nhỏ. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng tôi luôn cố gắng vượt qua, bố trí hợp lý thời gian chăm sóc gia đình với thời gian tham gia công việc xã hội”.

Hết mình cống hiến.

Những rào cản của xã hội, những khó khăn đến từ vấn đề giới có thể sẽ làm cho người phụ nữ phải vất vả hơn nam giới khi tham gia vào các vị trí quản lý lãnh đạo. Nhưng trở ngại không vì thế mà làm giảm đi tài năng, công sức. Ngoài vấn đề về chính sách, một cái nhìn khách quan về vấn đề giới sẽ là sự chia sẻ, động viên phụ nữ tự tin hơn trong công việc mà họ đảm nhận cũng như chính bản thân sẽ phải nỗ lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.

Từng là trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Paris, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch nước, bà Nguyễn Thị Bình có thể coi là một trong những phụ nữ Việt Nam thành đạt nhất. Chia sẻ kinh nghiệm của mình, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng, để thành công, trước hết phải trang bị cho mình kiến thức văn hóa nền tảng, tiếp đó là trình độ nghề nghiệp chuyên môn và tinh thần cầu thị. Tuy nhiên, để đạt được điều này thì vấn đề quan trọng là tự bản thân mỗi người phải có ý chí phấn đấu. Là phụ nữ, ai cũng phải đảm nhiệm vai trò làm mẹ, nhưng phải cân bằng hài hòa. “Một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ không tiến bộ là bản thân họ chưa có tinh thần tiến thủ, dễ bằng lòng. Vì thế, nhiều người có năng lực nhưng không phát huy được bản thân.”

Giản dị và chân thành nói về bí quyết thành công của mình, bà Nguyễn Thị Hằng - Nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội kể: “Tôi vốn là lính chiến, đánh máy bay Mỹ. Với tâm niệm Đảng giao việc gì, chúng tôi sẵn sàng thực hiện. Chúng tôi không chọn nghề, đang ở đồng ruộng ra đơn vị, rồi về Đoàn, về Bộ Lao động, tôi luôn luôn sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ. Tâm niệm như vậy luôn trong tâm khảm của tôi cho đến tận bây giờ”.

Vừa làm tròn trách nhiệm, thiên chức của một người mẹ, người vợ, người ươm mầm những ước mơ bé thơ cho đàn con nhỏ, người nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình, những người phụ nữ này vẫn luôn hoàn thành trách nhiệm trong công tác xã hội, quản lý, góp phần vào công cuộc phát triển đất nước. Ngày bầu cử đến gần, với mục tiêu nâng tỷ lệ trên 30% đại biểu nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp, hy vọng sẽ có thêm nhiều những tiếng nói của phái đẹp trong nghị trường, thực hiện chiến lược bình đẳng giới như chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Cẩm Bình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN