Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020), Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu loạt 4 bài viết về những ký ức, đóng góp của đội ngũ phóng viên TTXVN, nhất là Thông tấn xã Giải phóng trong những ngày tháng lịch sử của đất nước cách đây 45 năm, phát ngày 24-25/4.
Bài 1: Sẵn sàng cho trận đánh cuối cùng
Từ đầu năm 1971, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam) đã tích cực chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật để chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng, cho chiến trường miền Nam, sẵn sàng cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.
Chi viện lực lượng cho miền Nam
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị cho giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam Thông tấn xã đã cử nhiều đồng chí là lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên chi viện cho tiền tuyến lớn với đích đến là Thông tấn xã Giải phóng. Ngoài việc tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho Thông tấn xã Giải phóng, Việt Nam Thông tấn xã còn đào tạo phóng viên, nhân viên kỹ thuật, cử cán bộ lãnh đạo vào chiến trường.
Theo thống kê, từ năm 1959 đến năm 1975, Việt Nam Thông tấn xã đã cử vào chiến trường gần 450 người. Trong đó, chi viện cho Tổng xã Thông tấn xã Giải phóng và chiến trường Nam bộ là 236 người. Trong giai đoạn lịch sử này, Việt Nam Thông tấn xã coi việc chi viện cho miền Nam ruột thịt, cho Thông tấn xã Giải phóng là nhiệm vụ thiêng liêng.
Để tăng cường và phối hợp với Thông tấn xã Giải phóng, Việt Nam Thông tấn xã cũng đã lần lượt "tung" vào chiến trường miền Nam những tổ phóng viên tin, ảnh phục vụ Chiến dịch mùa Xuân 1975. Tháng 3 và tháng 4/1973, ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết, một đoàn hơn 100 phóng viên trẻ tốt nghiệp các trường Đại học Ngoại giao, Tổng hợp, Ngoại ngữ và được bồi dưỡng nghiệp vụ phóng viên tin, ảnh cùng các thiết bị, máy móc, trang bị kỹ thuật truyền thông hiện đại nhất lúc bấy giờ, chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng, chuẩn bị sẵn sàng cho chiến dịch lớn. Theo phân công của Trung ương, đồng chí Trần Thanh Xuân, Phó Tổng biên tập Việt Nam Thông tấn xã được cử vào tăng cường và làm Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng.
Nhớ lại những ngày tháng lên đường vào miền Nam thực hiện nhiệm vụ, Nhà báo Hà Huy Hiệp (nguyên Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Tháng 12/1972, chúng tôi nhận quyết định đi tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng, trong đợt chi viện lớn nhất của Việt Nam Thông tấn xã cho chiến trường miền Nam. Đến ngày 17/4/1973, chúng tôi đã rời Hà Nội lên đường đi B, trong đoàn do đồng chí Phó Tổng Biên tập Trần Thanh Xuân dẫn đầu. Khi đoàn xe đến khu vực Làng Ho, Quảng Bình, đang vượt đèo để sang Trường Sơn Tây, chiếc xe com-măng-ca do lái xe tên Diễn chở tôi gặp nạn, lật ngừa bên vệ đường, cạnh vực sâu hàng chục mét. Tôi bị dập gãy mấy đốt xương bàn chân. Ở giữa rừng, đoàn quyết định tiếp tục lên đường không dừng lại ở binh trạm. Với một chân sưng vù, tôi đã cùng đoàn vượt Trường Sơn vào miền Đông Nam Bộ. Sau hơn một tháng rưỡi, ngày 5/6/1973, đoàn chúng tôi đã đặt chân lên căn cứ của Thông tấn xã Giải phóng, thuộc địa phận của rừng đặc dụng Lò Gò, Tân Biên, Tây Ninh ngày nay.
Với những phương tiện kỹ thuật hiện đại như máy phát điện 27 kVA, máy phát sóng 1 kW, máy thu phát teletype, telephoto… được tăng cường, cán bộ, nhân viên kỹ thuật Thông tấn xã Giải phóng nhanh chóng triển khai lực lượng, thiết lập một hệ thống thiết bị kỹ thuật mạnh, mở ra bước ngoặt mới mang tính đột phá, đáp ứng tốt nhất yêu cầu thu phát tin, ảnh thông suốt, nhanh nhạy và chính xác từ căn cứ Trung ương Cục miền Nam với Việt Nam Thông tấn xã ở Thủ đô Hà Nội, chuẩn bị sẵn sàng phục vụ cho giai đoạn cách mạng mới: Giải phóng miền Nam. Sau 3 tháng chuẩn bị, đầu tháng 9/1973, từ Trung ương Cục miền Nam ở Tây Ninh (căn cứ R), Thông tấn xã Giải phóng bắt đầu chuyển phát tin ra Thủ đô Hà Nội bằng công nghệ hiện đại mới được tăng cường.
Tiếp theo đoàn chi viện lớn trên, từ cuối năm 1973, năm 1974 và đầu năm 1975, Việt Nam Thông tấn xã tiếp tục cử thêm các đoàn kỹ thuật viên, điện báo viên vào chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng. Với sự chi viện liên tục và hiệu quả từ Việt Nam Thông tấn xã và hậu phương lớn miền Bắc, Thông tấn xã Giải phóng đã phát triển mạnh mẽ, trưởng thành nhanh chóng, trở thành một đơn vị có quy mô lớn nhất trong số các đơn vị của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục lúc bấy giờ. Vào đầu năm 1975, quân số của Thông tấn xã Giải phóng đã lên đến hơn 440 người, với đầy đủ các phòng ban tin, ảnh, văn phòng, kỹ thuật, báo vụ. Trong số này có hàng trăm cử nhân, kỹ sư, cao đẳng kỹ thuật cùng với những thiết bị truyền thông hiện đại nhất thời bấy giờ.
Những cánh quân thông tấn
Lực lượng cán bộ, phóng viên, điện báo, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng luôn sát cánh cùng các lực lượng vũ trang, kịp thời đưa tin, ảnh về từng chiến thắng trên khắp các chiến trường. Cán bộ, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng vừa phải cầm súng chiến đấu bảo vệ căn cứ chống địch, vừa phải viết tin, chụp ảnh, truyền tin, bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ cho Trung ương Cục, cho Mặt trận, cho Quân ủy miền và chuyển tin ra miền Bắc.
Cùng với lực lượng chi viện từ Việt Nam Thông tấn xã, để tiếp tục phát triển, Thông tấn xã Giải phóng không ngừng tăng cường lực lượng, mở rộng mạng lưới xuống các địa phương. Bộ máy Thông tấn xã Giải phóng đã phát triển vượt bậc: gồm bộ phận Tổng xã ở chiến khu Tây Ninh và hệ thống Thông tấn báo chí thuộc Ban Tuyên huấn ở khắp các khu, tỉnh miền Nam, ra Quảng Trị, Khu 5, xuống tận Cà Mau và Cục Chính trị quân giải phóng miền. Đồng thời, Thông tấn xã Giải phóng thường xuyên tổ chức lực lượng phóng viên tin, ảnh, điện báo đi tiền phương theo các mũi tiến công của bộ đội trên các mặt trận và các chiến trường trọng điểm.
Trong năm 1974 và đầu năm 1975, Tổng xã Thông tấn xã Giải phóng đã liên tiếp cử hàng loạt tổ phóng viên tin, ảnh, điện báo viên ra chiến trường và tỏa về các phân xã địa phương công tác, trong đó có Đoàn phóng viên về Khu 9 tăng cường cho các Phân xã Tây Nam Bộ. Đây là lần đầu tiên Thông tấn xã Giải phóng cử phóng viên tăng cường cho các phân xã này. Đoàn tăng cường cho phân xã miền Đông Nam Bộ ở Mã Đà, chiến khu Đ; chiến trường Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh cũng như các đoàn theo các đơn vị chủ lực tiến đánh và giải phóng tỉnh lị Phước Long…
Chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cơ quan Thông tấn xã Giải phóng "tung" ra hai cánh quân lớn. Cánh thứ nhất gồm nhiều mũi, đi trước theo các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Nhiều tổ phóng viên, điện báo đã gấp rút được thành lập, khẩn trương bám theo các đơn vị tác chiến ra chiến trường, cùng bộ đội triển khai các mũi tiến công bao vây Sài Gòn. Khi cuộc tổng tấn công bước vào thời điểm quyết định, Tổng xã Thông tấn xã Giải phóng tiếp tục cử nhiều tổ phóng viên chiến trường tỏa đi các địa phương, nhất là các tỉnh lân cận Sài Gòn, theo đoàn Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (bí danh đoàn I4), là mũi “thọc sâu” đầu tiên từ hướng Tây Bắc tiến về Sài Gòn; tổ thông tin của Thông tấn xã Giải phóng đi theo cánh quân 232 của mặt trận Tây - Tây Nam tiến về Sài Gòn, T4 ở vùng Đồng Tháp Mười của Long An…
Cánh thứ hai, cũng là cánh chủ lực, có mật danh là Đoàn H3, do Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng Trần Thanh Xuân dẫn đầu, bao gồm các biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên, hình thành một bộ khung khá đầy đủ, theo đoàn lớn của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục chuẩn bị tiếp quản Sài Gòn. Phóng viên tin, ảnh được phiên chế thành từng tốp, được hướng dẫn, gợi ý về chủ đề, mỗi người được phát một bản đồ về đô thành Sài Gòn có đánh dấu vị trí quan trọng của địch và hướng dẫn đường đi ngắn nhất từ các hướng tới thẳng Dinh Độc Lập.
Ngày 2/4/1975, một đoàn gồm các phóng viên Văn Bảo, Lam Thanh, Phạm Vỵ, Trần Mai Hạnh, Nguyễn Hữu Chí, kỹ sư vô tuyến Phạm Lộc, điện báo viên Cao Xuân Tâm cùng ba lái xe Phí Văn Sửu, Phạm Văn Thu, Đào Trọng Vĩnh do Tổng Biên tập Đào Tùng dẫn đầu, vào chiến trường để phối hợp với Thông tấn xã Giải phóng đưa tin, ảnh về chiến thắng của quân và dân ta.
Ngày 9/4/1975, đoàn vào tới căn cứ của Thông tấn xã Giải phóng. Cuộc gặp mặt với Giám đốc Trần Thanh Xuân cùng anh em cán bộ, phóng viên, công nhân viên Thông tấn xã Giải phóng tại căn cứ vô cùng xúc động, tay bắt mặt mừng không nói nên lời. Ngày 29/4/1975, từ căn cứ “R" (tỉnh Tây Ninh), Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng Trần Thanh Xuân cũng thực hiện lệnh “thần tốc", dẫn đầu đoàn phóng viên, nhân viên kỹ thuật hành quân tiến gấp về Sài Gòn để chứng kiến và ghi lại giờ phút lịch sử: Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, Chính quyền Sài Gòn sụp đổ.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng trong việc đưa tin chiến thắng hàng ngày, vạch trần âm mưu, tội ác và sự ngoan cố của địch, đã góp phần cố vũ mạnh mẽ nhân dân cả nước, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Với khẩu hiệu: “Làn sóng điện không bao giờ tắt” trong bất cứ tình huống nào dù đang chống càn hay trên đường di chuyển căn cứ, cán bộ nhân viên Thông tấn xã Giải phóng cùng với anh em phóng viên Việt Nam Thông tấn xã vẫn giữ đúng các phiên làm việc để bảo đảm mạch máu thông tin liên lạc thông suốt. Trong những trận đánh lớn, ngay khi tiếng súng vừa dứt, bộ đội còn trên đường hành quân chưa về tới căn cứ, tin của Thông tấn xã Giải phóng đã kịp được phát đi, Đài phát thanh Giải phóng đã loan tin chiến thắng, làm nức lòng quân dân cả nước.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy thần tốc của quân và dân ta, phóng viên Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng luôn sát cánh bên nhau trên từng mũi tiến quân; cùng có mặt tại các trận đánh, trong năm cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn; có mặt ở tất cả các địa phương. Có phóng viên còn cung cấp bản đồ Sài Gòn cho các chiến sĩ Sư đoàn 304, giúp Sư đoàn và Quân đoàn 2 tiến vào Sài Gòn nhanh chóng. Hành quân đến đâu, điện báo viên lại căng ăng ten, mở đài, liên lạc với Tổng xã ở Hà Nội và điện tin, bài viết vội trên đường tiến quân; sau đó lại tháo gỡ ăng ten, mang máy móc tiếp tục theo bộ đội tiến vào sào huyệt địch.
Những tin, bài, ảnh của phóng viên Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng đã được gửi nhanh ra Hà Nội và Tây Ninh, thông báo giờ phút cáo chung của chế độ Sài Gòn được Mỹ nuôi dưỡng trong 30 năm, đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Bài 2: Chiến sĩ thông tin ở tuyến đầu