Nhà báo Vũ Tiến Cường cho biết, tháng 1/1960, ông thoát ly gia đình, tham gia hoạt động cách mạng và làm Phó ban Tuyên Văn Giáo (tuyên truyền, văn hóa, giáo dục) xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Đến năm 1962, ông cùng các cán bộ khác được Tỉnh ủy Bến Tre cử đi học ở Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam tại Tây Ninh về công tác thông tin tuyên truyền, văn hóa, giáo dục.
Hoàn thành học, ông được lãnh đạo xã Bình Hòa cho phép phụ trách, xuất bản bản tin tuyên truyền của xã. Bản tin được cấp phát cho nhân dân ở các ấp trong xã và các ngành của huyện, tỉnh. Tháng 8/1962, ấn tượng với chất lượng của bản tin, ông được Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bến Tre “để ý”, nhận về và đưa đi học khóa báo chí (khóa 3) cùng với các cán bộ khác, do Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam tổ chức.
Đến cuối năm 1963, ông Vũ Tiến Cường tốt nghiệp khóa học và được Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam giữ lại, giới thiệu về công tác tại Thông tấn xã Giải phóng cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.
Nhà báo Vũ Tiến Cường chia sẻ: Khi về cơ quan, ông được lãnh đạo phân công làm hai nhiệm vụ chủ yếu là phóng viên và biên tập viên. Thời điểm này, quân đội Mỹ đã "nhảy" vào miền Nam Việt Nam và chiến tranh đang ở giai đoạn ác liệt. Mặc dù khó khăn, gian khổ khi vừa chiến đấu, vừa phải làm nhiệm vụ thông tin, nhưng dòng thông tin của các phóng viên Thông tấn xã Giải phóng lúc bấy giờ vẫn luôn chảy mặc cho mưa bom, lửa đạn của kẻ thù liên tục trút xuống.
Nhà báo Vũ Tiến Cường nhớ lại, lúc này trong chiến khu, bom đạn của kẻ thù mà chủ yếu là máy bay B52 Mỹ không ngừng trút xuống căn cứ của ta; trong đó, cao điểm là trận càn Junction City do Mỹ thực hiện đánh vào vùng hậu cứ Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam. Thời điểm này, dù chiến tranh ác liệt như thế nhưng làn sóng điện (điện tín) của Thông tấn xã Giải phóng vẫn hoạt động liên tục, không ngưng nghỉ, để phát đi các bản tin từ Nam ra Bắc trên các mặt đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận và đô thị.
Chiến tranh ác liệt, đòi hỏi mỗi phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng vừa làm nhiệm vụ nhà báo, vừa là chiến sĩ trực tiếp chiến đấu như những người lính thực thụ. Ông được tổ chức phân công làm Ấp đội phó, chỉ huy Đội Du kích Tiểu ban Thông tấn xã Giải phóng. Đội du kích gồm 12 chiến sĩ là những nhà báo của Thông tấn xã Giải phóng, trực tiếp “thi gan đọ sức” với quân thù khi tham gia chống trận càn Junction City của Mỹ.
Nhà báo Vũ Tiến Cường xúc động tâm sự: Đây là trận chiến đấu ác liệt nhất của đội ngũ những nhà báo - chiến sĩ Thông tấn xã Giải phóng. Trận này, Nhà báo Trần Ngọc Đặng đã hy sinh oanh liệt. Phòng truyền thống TTXVN hiện đang lưu giữ tấm bia mộ được đúc trong những năm chiến tranh ác liệt, khắc tên Dũng sĩ diệt cơ giới Trần Ngọc Đặng, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng. Nhà báo Vũ Tiến Cường là người đã trực tiếp khắc chữ trên tấm bia đặc biệt này. Ngay sau trận chống càn ấy, ông vinh dự được tổ chức kết nạp vào Đảng tại ngay Đảng ủy Thông tấn xã Giải phóng ở Tây Ninh.
Không những vậy, đến Tết Mậu Thân năm 1968, Nhà báoVũ Tiến Cường được lãnh đạo cơ quan phân công theo chân các đơn vị quân giải phóng miền Nam khai thác viết tin, bài về các mẩu chuyện và gương chiến đấu quả cảm của bộ đội. Từ tháng 8 - 9/1968, ông làm Trưởng đoàn phóng viên Thông tấn xã Giải phóng trực tiếp tham gia chiến trường, đánh địch ở vùng ven đô Sài Gòn, chủ yếu là mặt trận Tây Ninh. Với phương châm đánh cho nhụt ý chí của quân Mỹ, ông cùng các đồng đội nhà báo - chiến sĩ của Thông tấn xã Giải phóng vừa trực tiếp cầm súng ra mặt trận chiến đấu, đồng thời vừa làm nhiệm vụ đưa tin.
"Những nhà báo - chiến sĩ Thông tấn xã Giải phóng đã không quản ngại hy sinh, kịp thời phản ánh những thông tin “nóng hổi” từ chiến trường trong tiếng đạn pháo gầm thét của quân thù. Điều đáng nói là, những thông tin này được các phóng viên ngồi viết ngay dưới hầm công sự để chuyển về cho Tổng xã Thông tấn xã Giải phóng" - Nhà báo Vũ Tiến Cường bồi hồi nhớ lại. Đến 1969, ông trở về Tổng xã Thông tấn xã Giải phóng phụ trách tuyến tin Đô thị và binh vận cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Tự hào là nhà báo - chiến sĩ của Thông tấn xã Giải phóng, Nhà báo Vũ Tiến Cường bộc bạch, ông luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và niềm tin kháng chiến nhất quyết thành công. Ông yêu nghề, yêu ngành, bất chấp sự hy sinh, gian khổ và lúc nào cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Giờ đây, dù đã bước sang tuổi 80, Nhà báo Vũ Tiền Cường vẫn có sức khỏe tốt và tinh thần minh mẫn. Theo ông, có được điều này là nhờ những năm tháng chiến tranh trong chiến khu ở rừng, mỗi ngày có khi ông đi bộ hành quân từ 4 - 5 giờ để tải gạo, tiếp lương cho đơn vị. Bên cạnh đó, nhờ được giáo dục, rèn luyện trong môi trường quân đội, ông luôn giữ gìn lối sống giản dị và nền nếp.
Sau ngày đất nước thống nhất, có thời gian, Nhà báo Vũ Tiền Cường về làm Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bến Tre. Năm 1981, ông trở lại làm Trưởng phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại tỉnh Bến Tre. Đến năm 1990, ông về công tác tại Phòng Quản lý các Phân xã phía Nam cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2000.
Nói về người đồng chí, đồng đội của mình, ông Nguyễn Văn Thiều (ngụ tại phường 6, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh), từng là phóng viên ảnh của Thông tấn xã Giải Phóng cho biết, Nhà báo Vũ Tiến Cường là phóng viên kỳ cựu của Thông tấn xã Giải phóng, một trong những người tham gia cách mạng từ phong trào Đồng khởi năm 1960. Những năm là phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng ở vùng căn cứ kháng chiến, ông luôn hoạt động năng nổ, tích cực và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công. Đối với đồng đội, ông luôn gần gũi, hòa đồng, sẵn sàng giúp đỡ mọi người trong những lúc khó khăn.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, tham gia kháng chiến chống Mỹ, Nhà báo Vũ Tiến Cường đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương độc lập Hạng 3, Huân chương giải phóng Hạng I, II, III ; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng khác.