Vì "dòng điện không bao giờ tắt"
Tôi gặp bác Thanh Bền, cựu phóng viên Thống tấn xã Giải phóng vào buổi chiều muộn ở nhà bác tại quận 8 (TP Hồ Chí Minh). Là người con của quê hương "Trung dũng kiên cường" Long An, chỉ qua vài câu chuyện, bác đã cho tôi cảm giác thân thiết và gần gũi như người thân trong gia đình. Cuộc chuyện trò của hai bác cháu xoay quanh các câu chuyện của cuộc sống thời chiến và cuộc sống hiện tại, lẫn kinh nghiệm khi tác chiến trên chiến trường, dù nó giản dị nhưng trong đó lại chất chứa niềm tự hào của bác khi được làm một phóng viên của TTXGP.
Dù đã nghỉ hưu hơn 20 năm nay, nhưng hàng năm, khi tới ngày kỷ niệm thành lập Thông tấn xã Việt Nam (15/9) hay ngày thành lập TTXGP (12/10) bác đều bồi hồi nhớ lại "cái nôi" đã rèn luyện mình trưởng thành trong gian khó, từ thời chiến tranh đến những ngày thắng lợi của đất nước.
Bác Thanh Bền nhớ lại: "Bắt đầu tư năm 1963, tôi đang là ủy viên giáo dục của Ban Tuyên Văn Giáo huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An thì nhận được giấy triệu tập của tỉnh cử đi học lớp Tuyên truyền – Báo chí ở R. Sau lớp học đó, tôi “được” giữ lại làm phóng viên TTXGP cho đến ngày nghỉ hưu".
Theo phóng viên Thanh Bền, với ông, “cái nôi” TTXGP là nơi thân tình đùm bọc, chở che, nuôi dạy ông từ bước đi chập chững vào nghề viết lách đến khi trở thành phóng viên viết tin chuyên nghiệp và trưởng thành về mọi mặt, từ đạo đức đến lối sống, lẫn kĩ năng khi tác nghiệp, viết tin bài... Đặc biệt, TTXGP còn giúp ông rèn luyện lòng dũng cảm, đức hy sinh, tình yêu nước, chí căm thù, tinh thần khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ trong mọi môi trường, hoàn cảnh.
Suốt cuộc đời phóng viên, bác Thanh Bền luôn gắn bó máu thịt với TTXGP, tròn 35 năm (1964 - 1999) và đã trải qua năm đời Giám đốc của TTXGP như: ông Lê Thanh Tụng, Võ Nhân Lý, Trần Thanh Xuân, Lê Quang Nghĩa, Lê Đại Nghĩa. Trong suốt 35 năm gắn bó với TTXGP, bác đã trải qua 11 năm tác nghiệp và sinh sống ở chiến khu, đấu tranh ác liệt với Mỹ ngụy trên mặt trận chính trị, tư tưởng và cả trên chiến trường máu lửa. Ở đó, bác có 2/3 thời gian ưu tiên lo việc “tồn tại”, công tác nghiệp vụ chỉ chiếm khoảng 1/3 thời gian còn lại.
Bác kể: Trong thời chiến, phóng viên cũng như tất cả cán bộ công nhân viên, nam nữ, kể cả lãnh đạo đều phải tham gia các công việc của bộ đội như: đào hầm trú ẩn, đào giao thông hào để chiến đấu, cất nhà để ở, đào giếng để có nước ăn uống, đi tải gạo (có khi tải lúa về phải đóng cối xay xát), tải giấy cho nhà in, trồng rẫy để có rau xanh, tiếp phẩm thức ăn… Tất cả công việc lao động nặng nhọc đều phải làm thủ công, trông cậy vào đôi vai và đôi chân vạn dặm của phóng viên chiến trường. Sau thời gian ổn định nơi ở, phóng viên chiến trường cùng các anh chị bộ đội tham gia tăng gia sản xuất… Khi cần thiết, nguy cấp, người phóng viên chiến trường cũng sẵn sàng gác bút, máy điện đài để chuyển sang cầm súng chống lại quân thù.
"Trong chiến tranh, cực nhất là những lần phải dời căn cứ. Bởi khi dời căn cứ, có nghĩa là mọi công việc, mọi sinh hoạt đều bị xáo trộn, nhưng có một việc không được xáo trộn là phát tin phải giữ vững mệnh lệnh: “Dòng điện không bao giờ tắt” của TTXGP. Suốt thời gian trong chiến khu, tôi đã có tám lần dời cứ: Từ chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh) sang chiến khu Mã Đà (Đồng Nai) rồi trở lại Dương Minh Châu, sang Kompong-Chàm (Campuchia), tỉnh biên giới giáp với tỉnh Tây Ninh của Việt Nam và cuối cùng về lại Tây Ninh. Trong nhóm phóng viên TTXGP khi tham gia dời cứ, vất vả nhất là anh em B8 (bộ phận điện đài) luôn phải khiêng vác máy nổ hàng tấn, cộng thêm lỉnh kỉnh dụng cụ đồ nghề nhưng lại chỉ vận chuyển bằng cõng trên đôi vai, băng rừng, lội suối bất kể ngày lẫn đêm, khi mưa bão. Tuy nhiên, phóng viên TTXGP ai cũng luôn vui vẻ, yêu đời và luôn có niềm tin và phấn đấu vì mục tiêu “Dòng điện không bao giờ tắt” như tôn chỉ, mục đích khi thành lập TTXGP", bác Thanh Bền bồi hồi nhớ lại.
Tin, bài quan trọng hơn mạng sống
Trong thời chiến, sự sống và cái chết luôn gần nhau trong gang tấc và với phóng viên chiến trường thì chuyện sống hay chết cũng không còn quan trọng bằng việc đem được những tin, bài “nóng”; những tin, bài về chiến thắng của quân giải phóng ở chiến trường gửi về Tổng xã (Việt Nam Thông tấn xã) một cách nhanh nhất.
Bác Thanh Bền cho biết, tất cả phóng viên chiến trường luôn xác định đi chiến trường là công tác độc lập, không có lãnh đạo chỉ dẫn, không có đồng đội giúp đỡ kịp thời như ở cơ quan, ở hậu phương nhưng luôn ghi nhớ phải có tin, bài chuyển về Tổng xã nhanh nhất. "Chính vì thế, bác luôn tâm niệm rằng tin, bài nơi chiến trường gửi về hậu phương quan trọng hơn cả mạng sống của chính mình".
Bác nhớ lại: Năm 1975, bác được phân công phụ trách tổ phóng viên tin, ảnh, báo vụ, kỹ thuật viên sửa chữa (tổng cộng 5 người) cùng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh về giải phóng Sài Gòn - là tổ đầu tiên của TTXGP xuất phát từ đầu tháng 4/1975 cùng với đoàn của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục. “Trên đường di chuyển về Sài Gòn, đoàn chúng tôi bị kẹt ở Bình Mỹ (Củ Chi) hai tuần và hai lần vượt lộ Bình Dương đều bị xe tăng địch án ngữ, lần thứ ba thì bị lạc hai báo vụ. Nhờ có sự nhanh nhạy của người làm báo kết hợp với sự rèn luyện trong chiến khu, đoàn chúng tôi cũng thoát được vòng vây của giặc để về họp quân tại Sài Gòn vào chiều 30/4. Ngay khi tổ công tác có mặt tại Sài Gòn, tối đó, chúng tôi điện tin đầu tiên: “Sài Gòn sau vài giờ giải phóng”. Sáng hôm sau, điện tiếp bài “Sài Gòn, 1 tháng 5” (Báo Nhân Dân có đăng lại với tít “1 tháng 5, Sài Gòn”). Sau đó, tôi có đưa tiếp một số bài về Sài Gòn sau những ngày đầu Giải Phóng… Rất may, trong ba lần phụ trách các tổ đi chiến trường, tôi luôn vận động anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ, tuyệt đối đảm bảo an toàn tính mạng và anh em đều bình yên khỏe mạnh”, bác Thanh Bền cho biết thêm.
Sau ngày giải phóng, có một thời gian phóng viên Thanh Bền về phụ trách Phân xã Sài Gòn, sau làm phóng viên Tổ chuyên đề, làm Trưởng phân xã Sông Bé (1979 - 1983), Trưởng phòng quản lý phân xã tại TP Hồ Chí Minh kiêm trợ lý nghiệp vụ cho Giám đốc cơ quan đại diện TTXVN tại TP Hồ Chí Minh. Dù ở đâu, làm công tác gì, phóng viên Thanh Bền cũng hết lòng, nghĩ ra sáng kiến để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
“Khi công tác ở tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương), qua nắm tình hình, tôi biết tỉnh Sông Bé có 30% diện tích là rừng và cao su, nhưng đài báo ở địa phương ít thấy nói tới. Tôi phân công một phóng viên trẻ sang làm việc với Ty Lâm nghiệp (lúc đó còn gọi là Ty) còn tôi đi làm việc với ngành cao su. Sau đó, tin lâm nghiệp được đưa lên, báo đăng, đài đọc, Ty Lâm nghiệp phấn khởi biểu dương Thông tấn xã, còn phóng viên các báo đài Sông Bé đến xin tin của Thông tấn xã", bác bồi hồi nhớ lại.
Chia tay tôi, bác Thanh Bền vẫn còn "với" theo, như lời nhắn nhủ: "Chính nhờ làm phóng viên mà tôi thấu hiểu nỗi đau của Bà mẹ Việt Nam anh hùng có 8 người con liệt sĩ; hiểu được sức chịu đựng bền bỉ, bất khuất của người tù chính trị chấp nhận hy sinh thân mình để bảo vệ lý tưởng của Đảng; thấy đức hy sinh cao cả của các chiến sĩ nơi biên cương, hải đảo âm thầm ngày đêm lấy máu mình bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng… mới thấy được giá trị vô giá của độc lập tự do hôm nay. Tôi luôn tự hào vì TTXVN cũng đã có mặt trong giai đoạn lịch sử hào hùng đó bằng việc đem đến những tin hay, tin nóng ở chiến trường gửi về hậu phương và ở đó cũng có sự đóng góp nhỏ bé của mình cho Tổ Quốc".